.
Nhọc nhằn nghề giã cào

Kỳ cuối: Nỗi niềm nghề biển giã

.

“Hơn 1 triệu tiền dầu, 200.000 đồng tiền đá lạnh, cộng thêm các chi phí khác, vị chi hơn 1,5 triệu đồng cho chuyến biển đêm. Thế nhưng, đánh được hai mẻ lưới, ước bán chừng 1,5 triệu đồng, chỉ bù lại tiền dầu. Tiền công mình chưa tính, phải bỏ tiền túi ra trả cho lao động thuê”, “thuyền trưởng” Đinh Văn Hội nhẩm tính khi đem cá về bến cá Thọ Quang.

Kỳ cuối:  Nỗi niềm nghề biển giã

Chị Trang - vợ anh Hội (đứng, giữa) bán hải sản cho bạn hàng.
Chị Trang - vợ anh Hội (đứng, giữa) bán hải sản cho bạn hàng.

Đối mặt với hiểm nguy

“Thuyền trưởng” Đinh Văn Hội dấn thân vào nghề biển từ thuở mới 17, 18 tuổi. Hồi đó anh chỉ “đi bạn”. Khi kiếm được đồng vốn lận lưng, anh vay mượn thêm rồi mua ghe để làm riêng. “Nghề biển hơn 10 năm về trước rất khá giả, khu vực biển cạn còn nhiều cá tôm, chi phí lại ít. Tôi làm được vài năm thì đóng được con tàu công suất 20 CV, rồi 30 CV và thuê người đi phụ”, anh Hội nhớ lại.

Vài năm trở lại đây, biển gần bờ, vùng lộng đã cạn nguồn hải sản. Muốn đánh được nhiều cá tôm thì phải có tàu lớn vươn khơi. Nhưng theo anh Hội, đóng tàu phải tốn tiền tỷ, trong khi mình chỉ kiếm đủ tiền mưu sinh qua ngày, vay ngân hàng thì lãi cao. Do vậy, những tàu công suất nhỏ phải đánh bắt cá gần bờ, lấy công làm lời. Không những vậy, hiện nay làm nghề biển còn gặp khó khăn về nhân công. Anh Hội than thở: “Thanh niên bây giờ ít chọn nghề biển vì sợ vất vả. Những người chịu làm thì đòi ngày công cao gấp đôi mới đi. Do đó, để giữ “bạn” đi với mình cũng là vấn đề nan giải”.

Khỏe như anh Hội, mỗi tháng nếu thuận thời tiết anh đi được 24 ngày biển. Tính chi phí công cán, xăng dầu còn hơn 10 triệu tiền lời (tính cả tiền công vợ anh bán cá sau mỗi lần tàu về), chỉ đủ trang trải cuộc sống gia đình. Trong khi hai đứa con của anh đang tuổi ăn, tuổi học. Chưa kể thỉnh thoảng lại mua sắm thêm ngư cụ, sửa chữa máy móc tàu…

Vợ anh – chị Trang hằng ngày ở nhà nội trợ, chăm lo con cái. Mỗi sáng, chị ra bến cá Thọ Quang để đợi chồng. Những chuyến giã cào tàu về đầy ắp tôm cá chị vui mừng lắm. Tại bến cá, chị phải cò kè từng đồng để còn vớt vát lại cho chồng. “Nghề này may rủi em à. Có khi về cá tôm đầy ắp vui vẻ, nhưng khi ít thì không đủ tiền dầu. Hôm nay gió lớn mà bù được tiền dầu là may lắm rồi”, chị nói với tôi như để trấn an anh Hội.

Anh Nguyễn Văn Thanh đã hơn 10 năm nay “đi bạn” cho anh Hội. Anh quê xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Sau nhiều năm “đi bạn” cho các chủ tàu tại thành phố Đà Nẵng nhưng chỉ đủ kiếm cơm qua ngày, anh chuyển sang “đi bạn” cho anh Hội. “Tôi với anh Hội là anh em cột chèo nên tôi làm cho anh. Dù sao anh em cũng dễ dàng hơn người ngoài”, anh Thanh nói. “Nghề này vất vả lắm. Người có tàu cũng khổ, người “đi bạn” càng khổ hơn, bởi thu nhập từ nghề này bấp bênh lắm. Nhưng dù sao, đã quen với nghề này rồi nên mình gắn bó. Mong sao, sau này có điều kiện sẽ sắm được một con tàu nhỏ để đánh bắt, chứ lao động mãi thế này cũng chẳng khấm khá bao nhiêu”…

Để kiếm được con cá, con mực, con tôm, những ngư dân phải đối mặt với biển cả hiểm nguy. Qua tìm hiểu, chúng tôi biết đã có rất nhiều người “tử nghiệp” trên biển, hàng chục người bị thương trong lúc lao động. Với anh Đinh Văn Hội, hơn 20 bám trụ nghề biển, hàng chục lần anh phải đối mặt với rủi ro. Anh rùng mình nhớ lại chuyến biển giã cào năm 2000: “Vào một buổi tối tháng 3, tôi và một số bà con đánh giã cào đôi tại khu vực biển Quảng Nam- Đà Nẵng (từ đảo Cù Lao Chàm đến mũi Nghê). Sau khi thả cào xuống, hai thuyền đi song song. Do bất cẩn, một chiếc thuyền bẻ lái nên đã va vào thuyền bên cạnh. Cú va chạm mạnh làm con thuyền vỡ mạn, nước tràn vào và chìm ngay tức khắc. Trời quá tối, thuyền đi bên cạnh không hề hay biết. Lúc thuyền chìm, hai anh em không có áo phao liền chụp ngay can nước rồi vặn nắp lại để bơi. Lúc đó tôi cứ nghĩ hai anh em sẽ chết, vì đêm quá tối, chiếc thuyền kia thì đã đi khuất. Hai anh em vừa bơi vừa kêu cứu. Chạy được khá xa thì không thấy tàu bên cạnh, biết có chuyện, thuyền trưởng cho tàu quay lại để tìm và vớt được tôi và bạn”.

Khó chuyển nghề…

Phòng Kinh tế quận Sơn Trà cho biết, hiện nay toàn quận có hơn 1.200 phương tiện tàu thuyền; trong đó có 637 phương tiện có công suất từ 20 CV trở xuống hoạt động đánh bắt khu vực gần bờ và 138 phương tiện có công suất từ 20 CV – 30 CV, hoạt động ở vùng lộng. Số ngư dân tập trung chủ yếu tại các phường Thọ Quang, Mân Thái, Nại Hiên Đông...  

Tại Nghị định 33/2010/NĐ-CP của Chính phủ nêu rõ: Tàu lắp máy có tổng công suất máy chính từ 20 CV đến dưới 90 CV khai thác hải sản tại vùng lộng và vùng khơi, không được khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ và vùng biển cả. Nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi thì có khá nhiều con tàu có công suất từ 20 - 30 CV thường xuyên đánh bắt ở “vùng cấm”. Do ý thức cũng như cuộc sống khó khăn, không ít phương tiện đánh bắt bằng giã cào tận diệt nguồn thủy sản ven bờ. Một số ngư dân cũng đã tâm sự rằng, biết đánh bắt gần bờ và bằng giã cào sẽ làm cạn kiệt nguồn thủy sản nhưng vì đánh khu vực này chi phí thấp, sẽ có đồng ra đồng vào cho gia đình.

Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, năm 2012, UBND quận Sơn Trà có đề án chuyển đổi ngành nghề cho ngư dân đánh bắt vùng bờ. Nhưng vì truyền thống của ngư dân thường gắn với con cá, con tôm, kèm thêm lượng người đánh bắt bằng ghe thuyền nhỏ đông… nên việc chuyển đổi ngành nghề gặp không ít khó khăn. Trong khi đó, Chính phủ cũng như thành phố chưa có chính sách hỗ trợ cho những ghe thuyền nhỏ; chỉ có chính sách ưu tiên hỗ trợ cho những tàu có công suất 90CV trở lên để đánh bắt xa bờ. “Đa phần những người làm nghề đánh bắt gần bờ bằng thuyền thúng, ghe, tàu máy nhỏ… đều khó khăn và phần lớn tuổi đã cao nên họ không thích hợp với nghề mới khi đã lên bờ”, một lãnh đạo Phòng Kinh tế quận Sơn Trà chia sẻ.

Tuy chưa có chính sách hỗ trợ cho ngư dân đánh bắt vùng bờ, vùng lộng, nhưng những năm qua, Hội Nông dân các phường cũng đã có nhiều động thái tích cực nhằm tạo điều kiện cho ngư dân vay vốn. Trao đổi với chúng tôi, bà Lê Thị Kim Thương, Chủ tịch Hội Nông dân phường Thọ Quang cho biết, hiện toàn phường có 291 hội viên làm biển, phần lớn hoạt động gần bờ và vùng lộng. Năm 2013, Hội Nông dân phường đã tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của bà con, sau đó làm việc với Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội quận Sơn Trà để cho vay với lãi suất thấp. Theo đó, đã có gần 50 hộ được vay, mỗi hộ 20 triệu đồng để mua sắm ngư cụ, sửa chữa tàu để hành nghề. “Năm 2014, sẽ tiếp tục liên hệ với Ngân hàng chính sách xã hội để những ngư dân có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn”, bà Thương chia sẻ.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ
 

;
.
.
.
.
.