Với “miếng bánh” thị phần bán lẻ ở Đà Nẵng khá hấp dẫn, các nhà đầu tư trong lĩnh vực tiêu dùng không muốn bỏ qua cơ hội kinh doanh tại thị trường này.
Thị trường bán lẻ tăng trưởng mở ra nhiều cơ hội cạnh tranh. Trong ảnh: Khách hàng mua sắm tại Siêu thị BigC Đà Nẵng. |
Khó, nhưng vẫn tăng trưởng
Theo Sở Công thương Đà Nẵng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 2 tháng đầu năm 2014 ước đạt 11.500 tỷ đồng, bằng 16% kế hoạch, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2013. Tình hình thị trường Đà Nẵng hoạt động khá ổn định; dịch vụ ăn uống, vui chơi, giải trí tại các khu du lịch trên địa bàn tăng lên đáng kể nhờ lượng khách trong và ngoài nước đến Đà Nẵng dịp này tăng. Đi cùng đó, nhằm đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi giảm giá, cạnh tranh đáng kể so với các chợ truyền thống. Điều này góp phần làm tăng sức mua của người dân trong bối cảnh nhiều mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu, gas, điện, sữa... liên tục biến động về giá.
Theo thống kê, riêng trong tháng 2, Sở Công thương đã tiếp nhận và xác nhận trên 650 đợt khuyến mãi. Như vậy, trung bình một năm có tới vài ngàn đợt khuyến mãi của các đơn vị, doanh nghiệp, tư thương trên địa bàn xin “chạy” chương trình. Giám đốc Siêu thị Co.opMart Đà Nẵng Nguyễn Long Trung cho rằng: “Người dân đang thắt chặt chi tiêu, nhưng nếu doanh nghiệp bán lẻ co mình lại, không chủ động tiếp cận đến người tiêu dùng thì chắc chắn sẽ không có sự phát triển. Vì thế, các nhà bán lẻ của Việt Nam cũng như các tập đoàn bán lẻ khác đang đẩy mạnh mở rộng mạng lưới phát triển các chương trình khuyến mãi, tiếp thị để gắn kết với khách hàng. Chính vì thế, dù gặp khó khăn về thị trường, nhưng doanh số bán hàng của siêu thị vẫn tăng từ 10 - 15%”.
Có thể nói, thị trường bán lẻ tại Đà Nẵng so với mặt bằng khu vực miền Trung tương đối sôi động. Nhìn lại năm 2013 - một năm tăng trưởng tốt của thị trường bán lẻ Đà Nẵng với tổng giá trị ước đạt hơn 60.000 tỷ đồng, đạt mức tăng từ 18 - 20% so với năm 2012. Theo đó, con số tăng trưởng của kênh bán lẻ truyền thống theo khảo sát năm 2013 là 48,5% so với cùng kỳ năm 2012. Năm 2014, ngành công thương phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 71.750 tỷ đồng. Ngoài nguyên nhân từ sức mua của khách du lịch, đã có một sự dịch chuyển lớn từ phía người tiêu dùng địa phương. Nhiều ý kiến trong kinh doanh đưa ra: Dù kinh tế khó khăn, nhưng nhu cầu tiêu dùng luôn tồn tại. Quan trọng là làm sao kích cầu tiêu dùng mới mong tiêu thụ được hàng hóa để tái sản xuất và kinh doanh.
Tiếp tục lấn sân
Ổn định, mở rộng thị phần và liên kết chặt chẽ với các nhà sản xuất, các nhà cung cấp để có chiến lược đưa hàng hóa ra thị trường, đó là mục tiêu của đa số nhà bán lẻ. Hiện nay giới kinh doanh đều kỳ vọng vào thị trường tại các đô thị lớn, trong đó có Đà Nẵng. Những nhà bán lẻ trên địa bàn thành phố đang thực hiện một chiến lược mới là một mặt không ngừng củng cố vị thế, mặt khác mạnh dạn lấn sân qua địa bàn khác. Ông Trần Minh Dõng, Tổng Giám đốc Công ty Điện tử - Tin học Đà Nẵng nhận định: “Ngành bán lẻ điện máy như chúng tôi lệ thuộc vào sự phát triển kinh tế cho nên chưa thể nói thời điểm này tình hình đã bớt khó khăn. Vì thế, chúng tôi đang có những tính toán để có thể sắp tới mở thêm một số siêu thị điện máy ở các tỉnh, thành”.
Theo nhận định của Tổ chức tư vấn AT Kearney (Mỹ) trong báo cáo nghiên cứu về “Dự báo thị trường bán lẻ của Việt Nam đến năm 2014” cho biết: Các kênh bán lẻ hiện đại sẽ đóng vai trò chủ chốt trong sự phát triển thị trường tiêu dùng tương lai tại Việt Nam. Thị trường bán lẻ Việt Nam có rất nhiều cơ hội, nhất là khi người tiêu dùng đang có khuynh hướng chuyển sang mua sắm tại các siêu thị lớn và cửa hàng hiện đại. Tuy nhiên, thời gian qua không ít những siêu thị có mặt tại Đà Nẵng phải bỏ cuộc chơi như EBEST, Wonderbuy… Vì vậy, trước cuộc đua gay gắt trong ngành bán lẻ, đòi hỏi doanh nghiệp phải có những chiến lược hợp lý để phát triển.
Mục tiêu kỳ vọng của nhiều nhà bán lẻ nước ngoài tại Việt Nam là hằng năm tăng 1-2 trung tâm thương mại, siêu thị tại hầu hết các tỉnh, thành lớn của Việt Nam. Chẳng hạn Parkson hay Ocean Retail - thuộc Tập đoàn Đại Dương dự kiến trong năm 2014 sẽ mở thêm một số siêu thị, trung tâm thương mại bao phủ toàn quốc, trong đó có Đà Nẵng. Trong quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ của Đà Nẵng từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 sẽ phát triển thêm hàng loạt các siêu thị, cửa hàng hiện đại. Hơn nữa, theo cam kết khi gia nhập WTO, từ tháng 1-2015, thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ được mở cửa hoàn toàn. Chắc chắn các nhà bán lẻ từ nước ngoài sẽ có nhiều cơ hội để đặt chân vào thị trường Đà Nẵng. Đây cũng là thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ của chúng ta.
Bài và ảnh: DUYÊN ANH