Với những sản phẩm mang nhãn hiệu toàn cầu như Gucci, Chanel, Puma, Apple, Prada, Adidas… ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới cũng được người tiêu dùng săn đón bởi tiếng tăm của chúng. Tuy nhiên, sản phẩm càng có thương hiệu và uy tín lại càng bị làm giả, làm nhái nhiều khiến các ông chủ sở hữu những nhãn hiệu này phải đau đầu đối phó.
Đại diện các nhãn hiệu chia sẻ với các cán bộ QLTT Đà Nẵng kinh nghiệm phân biệt hàng thật - giả. |
Thiệt hại lớn
Đề cập vấn nạn này, bà Trịnh Thúy Lan, Trưởng đại diện Văn phòng STU tại Việt Nam, thuộc Liên đoàn đồng hồ Thụy Sỹ (đơn vị bảo hộ 16 nhãn hiệu đồng hồ và các mặt hàng thời trang, trang sức nổi tiếng trên thế giới) khẳng định “thiệt hại là vô cùng”. Tuy chưa đưa ra con số cụ thể nhưng bà Lan dẫn chứng, ở châu Á số lượng sản xuất đồng hồ giả mỗi năm lên đến 45 triệu chiếc, trong khi hàng chính hãng chỉ 25 triệu sản phẩm/năm. Việc các cơ quan chức năng cũng như nhà sản xuất đấu tranh chỉ thu giữ 2 triệu sản phẩm hàng nhái/năm chưa thể nói lên kết quả gì, còn lợi nhuận của những kẻ làm hàng giả lên đến hàng tỷ USD. Điều này đã gây ảnh hưởng trực tiếp không chỉ cho nhà sản xuất mà người tiêu dùng cũng bị thiệt hại lớn.
Hiện nay số lượng hàng giả, hàng nhái xuất hiện nhiều trên thị trường, chủ yếu trong lĩnh vực thời trang, tiêu dùng. Mỗi khi các doanh nghiệp ra mắt thị trường một sản phẩm mới, thì chỉ một thời gian ngắn sau đó thị trường đã có sản phẩm nhái y hệt với giá bán rẻ hơn gấp nhiều lần. Ước tính của các nhãn hàng, nạn hàng nhái gây tổn thất cho các nhà cung cấp chính thức khoảng 600 tỷ USD mỗi năm và con số này sẽ tiếp tục tăng lên trong tương lai. Theo Chi cục Quản lý thị trường thành phố, mỗi năm trên địa bàn Đà Nẵng, lực lượng chức năng tiêu hủy hàng nhái, hàng giả các loại trị giá trên 1 tỷ đồng. Như năm 2012, Chi cục tiêu hủy gần 4.000 sản phẩm, năm 2013 tiêu hủy 3.000 sản phẩm và trong 2 tháng đầu năm 2014 giá trị hàng tiêu hủy trên 500 triệu đồng bao gồm các mặt hàng điện tử, quần áo, mỹ phẩm, giày dép, đồng hồ…
Qua khảo sát của cơ quan chức năng, phần lớn sản phẩm nhãn hiệu nổi tiếng như Gucci, Puma, Philip, Nokia, Adidas… đều có xuất xứ từ Trung Quốc tuồn vào Việt Nam bằng đường không chính thống. Đến nay, cơ quan chức năng chưa phát hiện được cơ sở nào trong nước làm nhái những nhãn hiệu lớn này.
Phối hợp phòng chống
Ông Nguyễn Nho Hậu, Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường Đà Nẵng cho rằng, xu hướng vi phạm nhãn hiệu trong thời gian tới còn tăng cao, vì gian lận trong kinh doanh các thương hiệu nổi tiếng bao giờ cũng đem lại lợi nhuận cao. Thế nhưng, cái khó hiện nay là lực lượng chức năng chưa đủ kiến thức nhận biết hàng giả - hàng thật, đặc biệt là sự hợp tác của doanh nghiệp với ngành chức năng còn yếu.
Đứng trên góc độ nhà tổ chức bảo vệ thương hiệu toàn cầu, ông Tony Swaffield, Giám đốc Công ty New Era Cap Co.,Inc (đại diện nhãn hiệu New Era) chia sẻ: “Chúng tôi coi sự phối hợp với các lực lượng chống hàng giả, hàng nhái là đương nhiên. Điều này giúp giảm thiểu thiệt hại cho các thương hiệu và giúp cho người tiêu dùng chân chính mua được món đồ đúng giá trị thực của nó. Chống hàng giả chúng tôi không lo ngại, nhưng một số thương hiệu lại sợ về một số chính sách pháp luật của Việt Nam còn chưa đồng nhất và nhiều kẽ hở…”.
Trước thực trạng hàng giả, hàng nhái đang lan nhanh, đại diện một số nhãn hiệu toàn cầu có mặt tại Việt Nam đều thống nhất tạo điều kiện thuận lợi nhất để các cơ quan chuyên ngành như hải quan, thuế, quản lý thị trường, công an… lên kế hoạch hợp tác lâu dài. Bà Trịnh Thúy Hằng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cooperative Association React Việt Nam cho rằng, các cán bộ thực thi phải được tập huấn để dễ dàng nhận biết sản phẩm thật - giả. Ngoài ra, cần nâng cao ý thức của người tiêu dùng cũng như đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật đối với những người kinh doanh. Bởi hiện nay, Việt Nam là một trong những khu vực được các nhãn hiệu lớn trên thế giới nhắm đến để đầu tư ngày một nhiều.
Bài và ảnh: DUYÊN ANH