Đứng thứ 3 trong tổng số khách quốc tế đến Đà Nẵng, thế nhưng những năm gần đây, khách du lịch đến từ Thái Lan đang có dấu hiệu chững lại. Việc liên kết du lịch giữa Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung được xem là giải pháp cơ bản để “giữ chân” nguồn khách tiềm năng này.
Giảm giá vé, tăng chất lượng dịch vụ, tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp địa phương là những giải pháp cần thiết để đưa nguồn khách Thái tăng trở lại trong năm 2014. TRONG ẢNH: Khách Thái tham quan thành phố Đà Nẵng bằng xích lô. |
Lượng khách giảm mạnh
Theo các công ty lữ hành trên địa bàn thành phố cho biết, khách Thái Lan thường đi du lịch quanh năm nhưng tập trung cao điểm nhất là vào hai mùa, từ tháng 4 đến tháng 5 và từ tháng 11 đến tháng 12 hằng năm. Đặc biệt, vào khoảng giữa tháng 4, khi bắt đầu vào mùa lễ hội Songkran (lễ hội té nước lớn nhất trong năm) thì nhu cầu đi du lịch của người Thái tăng nhanh chóng. “Giao thông thuận lợi, thủ tục xuất nhập cảnh đơn giản cùng với điểm đến hấp dẫn, có tài nguyên thiên nhiên phong phú, đặc biệt là bãi biển đẹp và những món ăn hải sản phù hợp với hương vị của người Thái Lan đã kích thích lượng khách Thái đến Đà Nẵng nhiều hơn”, anh Trần Tuấn Nhã, phụ trách thị trường khách Thái, Công ty CP Du lịch Việt Nam (Vitours) chia sẻ.
Theo số liệu thống kê, trong 3 ngày (từ ngày 1 đến 3-4), Vitours đã đón khoảng 200 lượt khách Thái đến Đà Nẵng bằng đường bộ. Lượng khách này dự báo có thể tăng gấp đôi, gấp ba vào khoảng giữa tháng 4, đặc biệt có những đoàn khách đăng ký tour với số lượng lớn từ 30-50 người/tour. Các hãng lữ hành lớn cho hay, chỉ trong những ngày đầu tháng 4, tại cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) đã đón 25 xe du lịch với khoảng 1.500 lượt khách Thái Lan vào miền Trung. Trong đó, có đến 90% là khách mua tour đến Đà Nẵng. Ở Đà Nẵng, các điểm tham quan như danh thắng Ngũ Hành Sơn, chùa Linh Ứng, Bảo tàng Điêu khắc Chăm… mang đậm dấu ấn văn hóa Phật giáo được khách Thái ưa chuộng lựa chọn trong chương trình tour. Anh Nguyễn Văn Tài, Trưởng phòng Điều hành, Chi nhánh Bến Thành Tourist tại Đà Nẵng cho hay: “Thông thường khách Thái có mức chi tiêu khoảng 200-300 USD cho chuyến du lịch 3-4 ngày, đặc biệt là chi tiêu cho dịch vụ mua sắm. Người Thái rất thích mua sắm các mặt hàng thủ công mỹ nghệ và hải sản khô ở Đà Nẵng. Đây được xem là nguồn khách có mức độ chi tiêu cao ở khu vực Đông Bắc Á”.
Dù là nguồn khách tiềm năng mà ngành du lịch Đà Nẵng tập trung xúc tiến và quảng bá nhưng 3 năm trở lại đây, lượng khách ở “đất nước Chùa Vàng” đã giảm đi rất nhiều. Theo Vitours, so với dịp đầu tháng 4 - 2013 thì lượng khách Thái mua tour đến miền Trung nói chung và Đà Nẵng nói riêng đã giảm gần 50%. Thậm chí có nhiều công ty chuyên khai thác khách Thái hiện vẫn chưa nhận được tour. Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành miền Trung - đơn vị chuyên đón khách du lịch Lào, Thái Lan qua một số cửa khẩu miền Trung, cho biết khách Thái đi du lịch đến miền Trung và Đà Nẵng chủ yếu là ở vùng Đông Bắc nhưng hiện nay đã bão hòa vì các tour đường bộ đến miền Trung trở nên quen thuộc; trong khi đó không thể kéo khách ở thị trường xa hơn vì đường đi không thuận tiện dù giá tour có giảm và chất lượng dịch vụ tăng cao. “Tình hình bất ổn chính trị kéo dài ở Thái Lan đã ảnh hưởng không nhỏ đến nhu cầu đi du lịch của người Thái. Thêm vào đó, tour du lịch đường bộ đã quá cũ khiến khách Thái không còn mặn mà mua tour, trong khi các công ty lữ hành lại không tìm được điểm đến mới”, ông Dũng nói.
Tăng cường liên kết
Để kích thích lượng khách Thái đến miền Trung ngày càng nhiều hơn, đã có những câu lạc bộ doanh nghiệp du lịch được thành lập chuyên đón khách đi qua các cửa khẩu đường bộ nhằm xúc tiến hình ảnh, sản phẩm tour, tránh tình trạng chèn ép giá, giảm dịch vụ để tăng lượng khách. Một thành viên trong CLB các công ty lữ hành đón khách Thái qua cửa khẩu quốc tế tiết lộ, việc đón khách Thái hiện nay rất khó khăn và phức tạp. Tại các cửa khẩu quốc tế đường bộ miền Trung, nhiều công ty du lịch nhỏ đã tự đón tour, tự mua dịch vụ của điểm đến nhưng lại không đóng thuế và bán phá giá khiến công ty lữ hành địa phương bị chèn ép và thiệt hại rất nhiều. “Khi có sự cố xảy ra họ “đem con bỏ chợ” khiến du khách rất bức xúc và ảnh hưởng không ít đến uy tín và thương hiệu du lịch của các doanh nghiệp địa phương”, thành viên này nói.
Một nguyên nhân nữa khiến lượng khách Thái giảm mạnh trong thời gian vừa qua là do xu hướng đi du lịch của người Thái đã có sự thay đổi. Thay vì đi những nơi đã quá quen thuộc như ở miền Trung Việt Nam thì hiện nay, khách Thái lại đổ xô đi du lịch Hàn Quốc và Nhật Bản. Sở dĩ như vậy vì những nơi này có chính sách kích cầu ưu đãi, giảm giá vé điểm đến cho khách Thái rất tốt. Cùng với đó là nhiều đường bay thuê đã tạo điều kiện thuận lợi cho khách Thái đi du lịch bằng đường hàng không tăng cao.
Để giữ mùa khách Thái được tăng trưởng bền vững qua các năm, theo các doanh nghiệp du lịch, giải pháp tích cực là tăng cường liên kết giữa các công ty lữ hành và các đơn vị cung ứng dịch vụ, khách sạn, nhà hàng trên địa bàn thành phố, một mặt để giảm giá vé tour, mặt khác giảm sự phá giá của các công ty nhỏ. “Để chống hiện tượng bán phá giá tour đòi hỏi sự vào cuộc của nhiều ngành chức năng. Đồng thời các đơn vị cung ứng dịch vụ không nên vì lợi ích trước mắt mà bắt tay với các doanh nghiệp làm ăn không chính đáng, làm giảm đi hình ảnh của điểm đến”, đại diện một công ty lữ hành chia sẻ.
Bài và ảnh: HOÀNG HÂN