.
Giảm lãi suất huy động

Tiền vẫn "chảy" vào ngân hàng

.

Hơn 1 tháng kể từ khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định hạ lãi suất huy động ngắn hạn dưới 6 tháng từ 7% xuống còn 6%/năm và lãi suất huy động ngoại tệ USD giảm xuống mức 1%/năm, qua tìm hiểu của chúng tôi, nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng vẫn tăng so với tháng trước.

Ngân hàng vẫn được người dân chọn là kênh đầu tư an toàn dù lãi suất giảm. Trong ảnh: Giao dịch tại Ngân hàng Quân đội - Chi nhánh Đà Nẵng.
Ngân hàng vẫn được người dân chọn là kênh đầu tư an toàn dù lãi suất giảm. Trong ảnh: Giao dịch tại Ngân hàng Quân đội - Chi nhánh Đà Nẵng.

Bất động sản “đóng băng”, chứng khoán, vàng biến động thất thường nên người dân phải suy tính kỹ cho “dòng tiền nhàn rỗi” của mình sao cho sinh lợi nhuận. Do đó, ngân hàng (NH) vẫn được người dân chọn là điểm đến đáng tin cậy. Chị Nguyễn Thị Hải Yến (ngụ phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê) mở tiệm tạp hóa được hơn 1 tháng nay. Chị trích 100 triệu đồng để riêng nhằm mua hàng hóa khi cần thiết. Thời gian qua, chị mua vàng để “trữ”, nhưng vàng biến động thất thường nên chị đem tiền gửi ở một chi nhánh ngân hàng thương mại kỳ hạn 1 năm.

Cầm trên tay 500 triệu đồng, anh Nguyễn Đình Quốc, chủ một doanh nghiệp cơ khí phường Hòa Minh đến Vietcombank Chi nhánh Đà Nẵng gửi tiết kiệm kỳ hạn 1 năm, với lãi suất 7,5%/năm. Anh Quốc chia sẻ: “Trước đây tôi hay gửi ở kỳ hạn 3 tháng, vừa kiếm lời, vừa để có thời gian giải quyết những chuyện cấp bách. Tuy nhiên, khi lãi suất tiết kiệm ngắn hạn giảm mất 1%, tôi rút tiền về, tính toán, suy nghĩ mãi và quyết định gửi ở kỳ hạn cao hơn”.

Tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay các NH cũng đưa ra mức lãi suất gửi tiết kiệm (lãi suất huy động) từ 6,5% đến 8,5%/năm. Một số NH ở mức 9,5%. Do đó, NH vẫn được người dân chọn là kênh đầu tư an toàn.

Sau hơn 1 tháng thực hiện chính sách hạ lãi suất huy động ngắn hạn, vốn huy động của các tổ chức tín dụng vẫn tăng trưởng khá, có ngân hàng tăng trưởng trên 20%. Ông Lê Diệp, Giám đốc Vietcombank Chi nhánh Đà Nẵng cho biết, trong hơn một tháng qua, tăng trưởng tín dụng huy động đồng Việt Nam (VNĐ) của NH tăng gần 10% so với tháng trước. Nếu số dư huy động ngày tính đến ngày 19-3 (tức sau 1 ngày giảm lãi suất) đạt 2.889 tỷ đồng thì đến 20-4 tăng lên 3.174 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi dân cư tăng 79 tỷ đồng, tiền gửi tổ chức kinh tế tăng 200 tỷ đồng. Tại NH Quân đội Chi nhánh Đà Nẵng, số dư huy động tăng trên 25% so với cùng kỳ. Bà Nguyễn Thị Phương Dung, Trưởng phòng Dịch vụ khách hàng cho biết, mỗi ngày ít nhất có khoảng 10 khách hàng đến giao dịch tiền gửi. Mặc dù lãi suất huy động dưới 6 tháng thấp, ngoài kỳ hạn 1 năm trở lên, nhiều người vẫn chọn gửi kỳ hạn 1 tháng. Nguyên nhân là để họ tiện lợi trong việc rút vốn giải quyết những cấp thiết trong kinh doanh. Tại các NH như HDBank, Ngân hàng An Bình, BIDV, Sacombank… dòng tiền huy động vẫn ở mức dương.

Lãnh đạo NHNN, Chi nhánh Đà Nẵng cho biết, đến cuối tháng 4-2014, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước thực hiện là 56.600 tỷ đồng, tăng 0,49% so với tháng trước. Giám đốc NHNN Chi nhánh Đà Nẵng Võ Minh cho rằng, khi lãi suất giảm đến mức nào đó không còn hấp dẫn với người dân thì có thể họ rút tiền đi đầu tư ở các kênh khác như bất động sản, vàng. Tuy nhiên, hiện nay, vàng và bất động sản không phải là kênh đầu tư hấp dẫn như trước. Do đó, họ vẫn chọn giải pháp an toàn là NH và sẽ gửi tiền ở kỳ hạn dài hơn, bởi các kỳ hạn này, giữa NH và doanh nghiệp, người dân có thể thỏa thuận với nhau, nên rất ít khả năng người dân rút tiền khỏi hệ thống NH. Do đó, nguồn vốn huy động một tháng qua vẫn tăng là điều dễ hiểu.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.