.
Hoạt động nghiên cứu, đổi mới KH&CN

Nhiều doanh nghiệp không mặn mà

.

Khoa học và công nghệ (KH&CN) là vấn đề sống còn của một doanh nghiệp (DN). DN muốn phát triển bền vững cần phải không ngừng cải tiến trong KH&CN và ứng dụng KH&CN vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên trên thực tế, không phải DN nào cũng có sự quan tâm, đầu tư thích đáng cho lĩnh vực này.

Máy cuộn bông ký, sản phẩm công nghệ mới nhất của Xí nghiệp Sản xuất vật tư y tế Quảng Nam thuộc Tổng Công ty CP Y tế Danameco.
Máy cuộn bông ký, sản phẩm công nghệ mới nhất của Xí nghiệp Sản xuất vật tư y tế Quảng Nam thuộc Tổng Công ty CP Y tế Danameco.

15 - 20% DN có thiết bị hiện đại

Tổng Công ty CP Y tế Danameco là một trong những DN uy tín của Đà Nẵng cũng như cả nước trên lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thiết bị y tế, nhiều năm liền đạt các giải thưởng sáng tạo trong nghiên cứu KH&CN. Ông Nguyễn Hữu Vinh, Phó Giám đốc phụ trách kỹ thuật Xí nghiệp Sản xuất vật tư y tế Quảng Nam Danameco trực thuộc Tổng Công ty CP Y tế Danameco, cho biết mỗi năm DN có rất nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, với số tiền đầu tư không nhỏ, có khi lên đến hàng tỷ đồng. Ngoài các đề án, công trình nghiên cứu khoa học, Danameco rất chú trọng đầu tư và mua mới các dây chuyền sản xuất tiên tiến với giá trị lớn. Chấp nhận đầu tư lớn cho KH&CN để cái lợi đem lại cho tổng công ty là sản phẩm làm ra liên tục nâng cao chất lượng, mẫu mã được cải tiến thường xuyên, uy tín và doanh thu phát triển qua từng năm.

Với quy mô nhỏ hơn, Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường được đánh giá là DN tư nhân khá mạnh trong hoạt động nghiên cứu, cải tiến KH&CN phục vụ sản xuất, kinh doanh. Đây cũng là một trong số ít những DN nhỏ và vừa (DNNVV) trên địa bàn thành phố thành lập và duy trì hiệu quả hoạt động của Quỹ phát triển KH&CN trong doanh nghiệp. Ông Hà Giang, Chủ tịch HĐQT công ty, cho biết bất cứ sáng kiến nào của cán bộ, công nhân có tính khả thi, áp dụng đưa vào sản xuất đều được khen thưởng phù hợp. “Là một DN hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, chúng tôi nhận thức rõ KH&CN là vấn đề sống còn”, ông Giang nói.   

Danameco và Hà Giang Phước Tường là hai trong số những doanh nghiệp có sự quan tâm, đầu tư đúng mức cho hoạt động nghiên cứu, cải tiến KH&CN nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế thị trường thời hội nhập. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, các nhà quản lý DN cho rằng, nghiên cứu và phát triển KH&CN mới chỉ là sân chơi cho “giới nhà giàu”, bởi họ có tiền và nhu cầu cải tiến KH&CN, còn phần lớn DNNVV khác trên địa bàn thành phố còn thờ ơ với lĩnh vực này, nếu có chỉ với quy mô chừng mực, nhỏ lẻ. Theo báo cáo của Sở KH&CN thành phố Đà Nẵng, phần lớn DNNVV trên địa bàn thành phố đang sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình của thế giới từ 2 đến 3 thế hệ. Các DN có trình độ thiết bị hiện đại chỉ 15 - 20%, còn lại hơn 35 - 38% DN ở mức độ trung bình, 42% ở mức lạc hậu và rất lạc hậu. Đây là thực trạng đáng lo ngại, bởi lẽ với một cộng đồng lớn (chiếm đến 98% DN trên toàn thành phố, đóng góp gần 60% GDP của thành phố) việc đầu tư, hỗ trợ cho KH&CN không chỉ là vấn đề sống còn của bản thân DNNVV mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội của toàn thành phố.

Chưa mặn mà với quỹ phát triển KH&CN

Nhằm hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và phát triển, đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm, đồng thời khuyến khích DN có sự quan tâm, đầu tư đúng mức đối với hoạt động KH&CN, UBND thành phố Đà Nẵng đã ra Quyết định số 08/2012/QĐ-UBND ban hành một số chính sách hỗ trợ DN đổi mới công nghệ và Quyết định số 09/2012/QĐ-UBND về việc ban hành Quy chế khen thưởng trong hoạt động khoa học và công nghệ thành phố Đà Nẵng (sau đây viết tắt là Quyết định 08, 09). Tuy nhiên, đến hết năm 2012, toàn thành phố Đà Nẵng mới chỉ có 1 DN trích lập quỹ phát triển KH&CN trong doanh nghiệp (theo báo cáo của Cục Thuế Đà Nẵng). Và qua hai năm triển khai các Quyết định 08, 09, đến nay mới chỉ có 1 DN được hỗ trợ 30 triệu đồng để nâng cao năng lực quản lý DN, sử dụng các công cụ quản lý tiên tiến ISO. Hiện Sở KH&CN đang xem xét để hỗ trợ cho 6 DN đã gửi hồ sơ - một con số quá ít ỏi so với hơn 13.000 DN hiện còn hoạt động. Lý giải cho điều này, nhiều nhà quản lý DN trên địa bàn thành phố cho rằng, trong thời điểm khó khăn như hiện nay việc trích ra 5 - 10% thu nhập trước thuế để thành lập quỹ phát triển KH&CN đối với DNNVV là bất khả thi. Việc tiếp cận nguồn hỗ trợ từ Quyết định 08 của UBND thành phố cũng còn khó.

Trước thực trạng không mấy mặn mà của nhiều DNNVV đối với KH&CN, ông Huỳnh Phước, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật thành phố, cho rằng DN cần thay đổi nhận thức về vấn đề này: “Một trong những hạn chế lớn của loại hình DNNVV là yếu và lạc hậu về công nghệ. Điều này dẫn đến hàng loạt những hậu quả như ô nhiễm môi trường, tiêu tốn nhiều năng lượng, sản phẩm sản xuất ra kém chất lượng, mẫu mã không phù hợp, DN mất sức cạnh tranh”. Ông Lê Quang Nam, Giám đốc Sở KH&CN, cũng cho biết, để tháo gỡ vướng mắc cho DN, Sở đã trình lên UBND thành phố về việc sửa đổi Quyết định 08. Theo đó, sẽ chuyển quy định “Doanh nghiệp có trích lập quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp” từ điều kiện bắt buộc sang điều kiện xem xét ưu tiên. “Hy vọng rằng, với những chương trình, dự án trên sẽ góp phần tạo cú hích giúp DN vượt qua khó khăn, hướng đến phát triển bền vững trong thời gian tới”, ông Nam nói.

Bài và ảnh: KHÁNH HÒA

;
.
.
.
.
.