Năm 2013, doanh thu xuất khẩu phần mềm của các doanh nghiệp (DN) phần mềm Đà Nẵng đạt khoảng 25 triệu USD (tăng 23,8% so với năm 2012). Tuy vậy, ngành phần mềm Đà Nẵng vẫn đang gặp nhiều thách thức, nhất là các vấn đề về nhân sự, thị trường và nguồn vốn.
Ngành xuất khẩu phần mềm mang lại doanh thu cao cho thành phố. |
Một thực tế là ngày càng có nhiều tập đoàn, DN các nước Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… đến Đà Nẵng tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư về các lĩnh vực như gia công phần mềm, công nghiệp hỗ trợ và công nghệ cao. Tuy nhiên, nhiều DN phần mềm Đà Nẵng còn thiếu về nhân sự, thị trường và nguồn vốn, nên chưa tiếp cận được cơ hội từ các nhà đầu tư. Ông Bùi Thiện Cảnh, Chủ tịch Hiệp hội DN Phần mềm Đà Nẵng phân tích: “Ngoài yếu tố về thị trường thì nhân lực cũng đang là vấn đề lớn mà các DN phần mềm đang vấp phải. Nguồn nhân lực hạn chế cùng với việc cạnh tranh không lành mạnh về doanh số, tiền lương... giữa các DN đã tạo ra sự trì trệ trong sản xuất, kinh doanh. Hơn nữa, các chính sách về hỗ trợ phát triển CNTT của Chính phủ cũng như địa phương chưa thực sự khả thi dẫn đến nhiều vướng mắc cho DN”.
“Chính những thách thức trên đã khiến các DN phần mềm Đà Nẵng mất đi cơ hội rèn luyện nguồn nhân lực, phát triển các sản phẩm gắn liền với kinh tế, xã hội, điều này tạo ra nguy cơ thua tại sân nhà trong tương lai khi kinh tế hồi phục. Hơn nữa, thị trường quốc tế đã và đang dần phân hóa thành 2 nhóm yêu cầu: Các hãng lớn cần nhu cầu số lượng lớn lập trình viên mà TP. Đà Nẵng chưa đáp ứng được ngay trong khi các hãng nhỏ sáng tạo cần các lập trình viên chuyên sâu mà số này ở Đà Nẵng cũng còn ít. Vì thế, các cơ hội gia công phần mềm giá trị cao vẫn dành về 2 đầu là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, điều đó cũng dẫn đến nhiều khó khăn hơn cho Đà Nẵng”, ông Nguyễn Thế Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Phần mềm Đà Nẵng, cho biết thêm.
Khi hỏi về nhu cầu của các DN phần mềm để thúc đẩy sự phát triển, hầu hết các DN đều mong muốn thành phố ưu tiên đầu tư cho ứng dụng và phát triển CNTT, đặc biệt là việc đầu tư hạ tầng CNTT nhằm giúp các DN có hạ tầng tốt phục vụ gia công xuất khẩu. Ngoài ra, thành phố cũng cần tiếp tục đẩy mạnh các chương trình, kế hoạch ứng dụng CNTT tạo ra thị trường để các DN có cơ hội xây dựng các sản phẩm, giải pháp chủ lực…
Tại một hội thảo mới đây về các cơ hội và thách thức của các DN phần mềm, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết đã khẳng định: “Ngành công nghiệp phần mềm Đà Nẵng đã từng bước chiếm vị thế trong việc cung ứng các dịch vụ chất lượng cao cho cả vùng. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế của thành phố. Năm 2014, thành phố Đà Nẵng chọn làm “Năm Doanh nghiệp”, vì vậy, các kiến nghị của DN cũng sẽ được thành phố xem xét và giải quyết đúng mực”. Về vấn đề hỗ trợ vay vốn cho sản xuất và đào tạo, Phó Chủ tịch Phùng Tấn Viết thống nhất với yêu cầu của DN, tùy theo mức vay, có thể vận dụng hình thức thế chấp các hợp đồng gia công xuất khẩu phần mềm để vay vốn từ Quỹ Đầu tư phát triển của thành phố. Về vấn đề nhân lực, Phó Chủ tịch Phùng Tấn Viết đề nghị Hiệp hội DN Phần mềm, Sở Thông tin - Truyền thông phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các phiên đối thoại giữa nhà trường và DN để tìm ra “tiếng nói chung” trong việc tạo nguồn nhân lực phần mềm.
Trong thời gian tới, thành phố Đà Nẵng cũng sẽ xúc tiến xây dựng và hoàn thiện các khu CNTT tập trung, khu Công viên phần mềm để đưa vào sử dụng; ban hành các chính sách ưu đãi đầu tư vào các khu vực này; hỗ trợ các DN CNTT phát triển thị trường, quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu; ưu tiên và đẩy mạnh phát triển lĩnh vực phần mềm và vi mạch điện tử… Hy vọng, với những chính sách và quyết tâm cao của lãnh đạo thành phố trong năm 2014, các khó khăn của DN phần mềm sẽ được phần nào giải quyết, tạo động lực phát triển bền vững.
Bài và ảnh: THANH TÌNH