Tại phiên họp báo Chính phủ được tổ chức chiều 1-4, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết đã có kết luận về Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT). Tinh thần là đồng ý với đề nghị mà Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra.
MobiFone sẽ được tách ra khỏi VNPT. (Nguồn: VMS) |
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho hay, thời gian qua xã hội rất quan tâm tới đổi mới tái cơ cấu VNPT. Bởi, việc tái cơ cấu VNPT không chỉ ảnh hưởng tới khoảng 45.000 cán bộ công nhân viên chức của VNPT mà còn ảnh hưởng tới hàng chục triệu người sử dụng mạng VinaPhone và MobiFone.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan tham mưu đã làm việc rất thận trọng khi đưa ra quyết định. Chiều 31/3, Đề án tái cơ cấu VNPT đã được thông qua với trọng tâm tách MobiFone ra khỏi VNPT.
Như vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ trở thành đại diện chủ sở hữu VNPT và MobiFone. Thủ tướng cũng chỉ đạo nhanh chóng tiến hành cổ phần hóa MobiFone theo đúng lộ trình.
Trước đó, tại buổi tọa đàm “Tái cơ cấu thị trường viễn thông Việt Nam” do Câu lạc bộ Nhà báo ICT tổ chức hồi trung tuần tháng 2/2014, Tổng Giám đốc VNPT Trần Mạnh Hùng cho biết đơn vị này trình đề án tái cơ cấu, trong đó tâm điểm là sáp nhập VinaPhone và MobiFone. Song, bản đề án này không được chấp thuận.
Sau nhiều lần nâng lên, đặt xuống, VNPT đã thảo luận với Bộ Thông tin và Truyền thông và đi tới thống nhất sẽ tách MobiFone ra khỏi tập đoàn.
Tiến sĩ Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông thẳng thắn cho rằng khi tách MobiFone ra thì phải tiến hành cổ phần hóa. Điều này sẽ tránh tình trạng các doanh nghiệp di động tuy đã tạo thế “chân vạc” với ba “ông lớn” là MobiFone-VinaPhone-Viettel song thật ra vẫn là “gà cùng một mẹ” với ông chủ là Nhà nước.
Đồng tình với ý kiến này, Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và Quản lý Kinh tế trung ương cũng cho rằng, MobiFone cần cổ phần hóa để tìm được các nhà đầu tư chiến lược tốt, gây áp lực cạnh tranh đến các doanh nghiệp viễn thông còn lại.
Về lý do tách MobiFone chứ không phải là VinaPhone ra khỏi VNPT, ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông khẳng định phương án tách MobiFone có nhiều ưu điểm.
Thứ nhất, MobiFone là đơn vị có thương hiệu mạnh, hoạt động độc lập hơn so với VinaPhone trong tập đoàn VNPT. Do đó, khi được tách khỏi VNPT, việc cổ phần hóa sẽ nhanh chóng hơn và MobiFone vẫn có điều kiện để phát triển.
Thứ hai, việc tách MobiFone, cùng một số phương án mà VNPT đề nghị, vẫn có thể bảo đảm cho VNPT có bức tranh tài chính lành mạnh.
“Một số phương án” nói trên chính là việc tách MobiFone cần kèm theo điều kiện là doanh nghiệp này sẽ phải ôm theo số nợ khoảng 1.600 tỷ đồng mà VNPT đang đầu tư vào các doanh nghiệp trái ngành nghề buộc phải thoái vốn.
Tuy nhiên, có vẻ như số tiền trên chẳng “thấm tháp” gì với MobiFone, khi ông Lê Ngọc Minh, Chủ tịch MobiFone khẳng định việc tách khỏi VNPT chính là cơ hội vì với doanh thu và lợi nhuận hiện tại, MobiFone hoàn toàn tự tin cạnh tranh trên thị trường viễn thông.
Theo ông Minh, việc tách khỏi VNPT giúp MobiFone trở thành một doanh nghiệp độc lập và triển khai đa dịch vụ hơn ở lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin, chứ không chỉ dừng lại “nghề chính” là thông tin di động như hiện nay.
Vietnam+