.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Cải cách môi trường đầu tư là yếu tố quyết định

.

Chính phủ sẽ làm hết sức mình, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp (DN) phát triển, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định như vậy tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN năm 2014 diễn ra ngày 28-4.

95% - 96% là DN nhỏ

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, năm 2013, dấu hiệu kinh tế phục hồi và một số khó khăn vĩ mô giảm đã giúp số lượng DN thành lập mới có tăng trở lại, đạt gần 77.000 DN (tăng 10% so với năm 2012). Trong quý 1-2014, cả nước có hơn 18.000 DN đăng ký mới với gần 98.000 tỷ đồng vốn, tăng khoảng 17% về số DN và 23% về vốn so với cùng kỳ 2013. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra, trong quý 1, cả nước vẫn còn gần 17.000 DN giải thể hoặc đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy, tình hình sản xuất kinh doanh của DN vẫn gặp nhiều khó khăn, do đó sự phục hồi tăng trưởng dừng lại ở mức thấp và thiếu tính bền vững.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, gần 30 năm đổi mới với các cơ hội kinh doanh bùng nổ... nhưng Việt Nam vẫn chưa tạo ra được một thế hệ các nhà công nghiệp gắn liền tên tuổi và sự nghiệp với sự hình thành và phát triển của các thương hiệu lớn và các cụm ngành công nghiệp quốc gia, vươn ra thế giới, cạnh tranh ngang ngửa với đối tác quốc tế. Không chỉ thiếu DN dẫn đầu, Việt Nam còn thiếu cả một khu vực DN cỡ vừa, đủ sức tiếp cận với công nghệ mới và trở thành đối tác của các tập đoàn đa quốc gia, tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu. “Trong số 500.000 DN đang hoạt động chỉ có khoảng 2% là DN cỡ lớn và khoảng 2% DN cỡ vừa, còn lại 95% - 96% là DN nhỏ và siêu nhỏ (trong đó DN siêu nhỏ dưới 10 lao động lại chiếm tới 66% - 67%)”, ông Lộc dẫn chứng. Một cách đầy tâm trạng, ông Vũ Tiến Lộc ví von: “Đội thuyền thúng” DN Việt Nam đang đứng trước thách thức phải ra biển lớn”.

Tập hợp hơn 300 ý kiến và báo cáo từ cộng đồng DN trên cả nước gửi tới Thủ tướng Chính phủ, ông Lộc đại diện đưa ra một số kiến nghị. Về hệ thống pháp luật về kinh doanh, ông Lộc cho rằng cần sửa đổi Luật DN, Luật Đầu tư theo hướng thông thoáng hơn nữa, bảo đảm quyền tự do kinh doanh của DN trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Đối với chính sách tài khóa, nhằm thực hiện phương châm khoan sức cho DN, tạo điều kiện cho DN có thể trụ vững và phục hồi trong thời gian 2-3 năm trước mắt. Riêng chính sách tín dụng, ông Lộc cũng kiến nghị Chính phủ tiếp tục tháo gỡ theo hướng cải thiện điều kiện tiếp cận tín dụng cho DN. Giải pháp là tiếp tục đơn giản hóa thủ tục và điều kiện cho vay, thực hiện những hình thức cho vay mới  như cho vay theo các chuỗi sản xuất và cung ứng, phát triển hình thức bảo lãnh tín dụng, mở rộng hình thức cho vay tín chấp, cho vay theo dự án sản xuất kinh doanh.

DN được làm tất cả những gì pháp luật không cấm

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Chính phủ sẽ làm hết sức mình, tạo điều kiện thuận lợi nhất để cộng đồng DN với tư cách là lực lượng sản xuất chủ yếu của nền kinh tế phát triển, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh. Điều này vừa để cho DN thành công, vừa để đóng góp vào tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội chung của đất nước; rất mong cộng đồng DN nỗ lực phát huy những kết quả, thành tựu đạt được, ra sức khắc phục những khó khăn, thách thức để thành công”. Thủ tướng cũng cho biết sau hội nghị này, Văn phòng Chính phủ sẽ chuyển tất cả các kiến nghị của cộng đồng DN đến từng bộ, ngành liên quan để xử lý.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cùng cộng đồng DN, các hiệp hội chung sức, chung lòng thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, đặc biệt quan tâm tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, bởi đây là yếu tố mang tính chất quyết định. Đồng thời, hết sức quan tâm tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, đảm bảo tự do kinh doanh; DN được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm; thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng trong kinh doanh; quan tâm cải cách thủ tục hành chính, nhất là thủ tục về đăng ký thành lập DN, thuế, hải quan, đất đai, thủ tục thanh tra, kiểm tra.

Thủ tướng chỉ đạo ngành Ngân hàng tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi để DN tiếp cận được tín dụng; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo cụ thể việc tạo điều kiện tối đa cho DN, đồng thời phải bảo đảm được tín dụng, chăm lo phát triển thị trường vốn, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa ngân hàng và DN. Khẳng định Chính phủ sẽ tiếp tục ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ DN, Thủ tướng cũng đề nghị các DN phải hết sức nỗ lực vươn lên, trong đó cần đặc biệt lưu ý tái cơ cấu trong điều kiện hội nhập, cạnh tranh để hoạt động hiệu quả hơn, năng suất lao động cao hơn, chi phí thấp hơn, sức cạnh tranh cao hơn. Trong tái cơ cấu, cần hết sức chú ý ứng dụng mạnh khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị, từ đó nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh.

Nền kinh tế phục hồi nhưng vẫn mong manh

Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế mùa Xuân 2014 với chủ đề “Động lực phát triển mới từ cải cách thể chế” khai mạc sáng 28-4 tại Quảng Ninh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng, kinh tế Việt Nam trong năm 2013, mặc dù không đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP nhưng nền kinh tế vĩ mô đã có tín hiệu phục hồi. Việt Nam đã cải thiện được tình hình kinh tế vĩ mô theo hướng ổn định hơn nhờ thực hiện các chính sách điều hành đúng hướng, kiên định và đồng bộ. Sản xuất bước đầu phục hồi, lạm phát được kiềm chế, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối tăng mạnh, và mặt bằng lãi suất đã giảm. Hoạt động của hệ thống ngân hàng đã đi vào ổn định. Tuy nhiên, dù đạt được những kết quả tích cực, nền kinh tế năm 2013 còn bộc lộ những tồn tại và hạn chế như tăng trưởng thấp, dư địa chính sách không nhiều.

Theo PGS, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nền kinh tế phải trả giá rất nhiều để có thành tích tăng trưởng như vậy. Cho đến nay, xu hướng trả giá vẫn còn tiếp tục. Đó là lưu thông kinh tế vẫn còn có vấn đề, sức mua yếu, sức khỏe doanh nghiệp yếu… Xu hướng này nói lên tính vững chắc của xu hướng khôi phục. Tuy nhiên, mức độ rủi ro vẫn còn lớn vì nền kinh tế đang còn yếu, thậm chí một số khu vực sẽ còn yếu hơn. Ông Thiên còn cho rằng, điểm nút quan trọng nhất của tình trạng nền kinh tế hiện nay vẫn là nợ xấu và nợ công, bởi nó gắn với lưu thông vốn cho nền kinh tế. Nhưng hiện nay, quan niệm về nợ xấu và nợ công còn chưa rõ ràng. Số liệu về nợ còn đang khác nhau, sai số quá lớn, chuẩn mực đo không thống nhất. Quy mô nợ còn lớn và xu hướng gia tăng nhanh. “Nền kinh tế đang yếu, thậm chí yếu hơn, dù con số nợ không đổi, thì nguy cơ sẽ tăng lên”. Cũng chung lo ngại cho sức khỏe của nền kinh tế, TS Cao Sỹ Kiêm, băn khoăn: “Nhiều đánh giá về nền kinh tế hiện còn rất tù mù. Theo tôi, sức khỏe nền kinh tế còn quá mỏng manh, chỉ cần một vướng mắc nhỏ trong chỉ đạo điều hành chính sách là lao đao ngay”.

Các diễn giả tham dự diễn đàn khuyến nghị, để thực hiện cải cách thể chế kinh tế trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam cần đổi mới tư duy và quan điểm; nâng cao nhận thức về vai trò của Nhà nước và kinh tế Nhà nước; hoàn thiện thể chế xác định giá theo cơ chế thị trường; đổi mới thể chế phân bổ nguồn lực và phân bổ lợi ích; cải cách bộ máy chính quyền phục vụ người dân và doanh nghiệp; hoàn thiện thể chế để thúc đẩy phát triển bền vững thị trường bất động sản; định hướng tái cơ cấu nông nghiệp.

B.T tổng hợp

;
.
.
.
.
.