.

Xây dựng lại thương hiệu "xe khách 43"

.

Từ lâu “xe khách 43” của Đà Nẵng đã trở thành thương hiệu khá nổi tiếng trên cả nước. “Xe khách 43” không những nổi tiếng vì luôn sử dụng dòng xe mới, chất lượng phục vụ tốt mà cả việc bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) cho hành khách trên mọi nẻo đường.

Quy mô doanh nghiệp nhỏ đã ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp vận tải khách Đà Nẵng.
Quy mô doanh nghiệp nhỏ đã ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp vận tải khách Đà Nẵng.

Tuy nhiên, thời gian gần đây thương hiệu “xe khách 43” đang bị cạnh tranh quyết liệt từ các doanh nghiệp lớn có tiềm năng về tài chính, trong khi đây lại là điểm yếu nhất của các doanh nghiệp vận tải hành khách thành phố Đà Nẵng.

Báo cáo của Sở Giao thông vận tải (GTVT) thành phố cho biết, trong năm 2013, số doanh nghiệp vận tải hành khách theo tuyến cố định tăng thêm 3 so với năm 2012, nâng tổng số lên 18 doanh nghiệp, với 321 phương tiện, khai thác 80 tuyến trên 25 tỉnh, thành. Như vậy, tính trung bình mỗi doanh nghiệp của thành phố chỉ khoảng 17 xe, đây được xem là con số rất thấp nếu so sánh với các địa phương khác hoặc so với các doanh nghiệp lớn như Mai Linh, Thuận Thảo... Không những thế, thời gian gần đây một số doanh nghiệp vận tải hành khách mới được thành lập với quy mô rất nhỏ bé chỉ với 2-3 xe khiến khả năng cạnh tranh yếu.

Đặc biệt, các doanh nghiệp vận tải khách Đà Nẵng đã tỏ ra hụt hơi thấy rõ khi đầu tư cho dòng xe giường nằm 2 tầng, và đành ngậm ngùi nhìn các doanh nghiệp ở địa phương khác thao túng ngay trên sân nhà của mình. Theo một chủ doanh nghiệp đang có 2 xe giường nằm chạy tuyến Đà Nẵng - Hà Nội, dù biết dòng xe giường nằm 2 tầng là xu thế tất yếu của vận tải hành khách trong thời gian đến nhưng không thể nào nâng thêm số xe lên được. Lý do là phải vay ngân hàng đến 70 - 80% giá trị chiếc xe, vì vậy cố lắm cũng đủ vừa trả tiền lãi nên không dám đầu tư cho dòng xe này, nếu không có sẵn nguồn vốn lớn.

Ông Trần Đoan, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ hỗ trợ ô-tô vận tải và xe du lịch Đà Nẵng, cho rằng quy mô quá nhỏ bé nên hiện nay xảy ra tình trạng các doanh nghiệp của Đà Nẵng đành phải “nhường” lại các tuyến cố định đường dài vốn mang lại hiệu quả kinh doanh cao cho các doanh nghiệp địa phương khác. Lý do là với 2-3 phương tiện thì không đủ đầu xe để quay vòng liên tục cho các tuyến đường dài, vì vậy các bến xe không thể xếp lịch chạy cho mình được. Biết vậy, nhưng theo ông  Đoan, giải bài toán này gần như bế tắc. Đặc biệt, đối với các HTX vận tải, gần như không có cách nào giải quyết, vì vốn thì không có mà đi vay ngân hàng lại không có tài sản thế chấp. Vì vậy, các xã viên phải vay vốn ngoài ngân hàng với lãi suất khá cao, nên không thể mạo hiểm vay nhiều để đầu tư cùng lúc nhiều xe, chỉ đầu tư cầm chừng.

Theo ông Đinh Ba, Chủ tịch Hiệp hội ô-tô vận tải hành khách thành phố, ngoài cái khó về vốn, không ít doanh nghiệp tự làm khó, làm xấu hình ảnh của mình khi cứ thích chạy “xe dù” làm ảnh hưởng đến thương hiệu “xe khách 43” của thành phố.

Theo ý kiến của rất nhiều doanh nghiệp vận tải khách, để xây dựng lại thương hiệu “xe khách 43”, điều cốt yếu nhất là thành phố tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi và thời gian hoàn vốn phải đủ dài. Trong trường hợp cần thiết, Hiệp hội ô-tô vận tải hành khách hoặc Liên minh HTX thành phố có thể đứng ra tín chấp cho các đơn vị vay vốn để đầu tư phương tiện. Đây là những điều rất cần thiết để các doanh nghiệp vận tải thành phố mở rộng quy mô của mình.Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cần tự mình khắc phục những hạn chế.

Cụ thể như công tác quản lý ở các doanh nghiệp vẫn theo kiểu thủ công; mặt khác không bám sát các văn bản hướng dẫn của ngành về lĩnh vực hoạt động của mình và hệ quả là khi cơ quan chức năng kiểm tra đâu sai sót đó; không niêm yết giá vé, số hiệu xe, tuyến đầu và tuyến cuối hành trình, số điện thoại đường dây nóng và cả tên của doanh nghiệp mình trên xe như quy định. Hoặc việc trang bị thiết bị giám sát hành trình, mặc dù hầu hết doanh nghiệp đều triển khai, nhưng chủ yếu là để đối phó hơn là nâng cao hiệu quả quản lý và bảo đảm ATGT. Cá biệt, một số người làm công tác quản lý đơn vị không có bằng cấp chuyên môn cũng như chưa đủ thâm niên theo quy định... Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp không có chỗ đậu đỗ phương tiện, ngay cả văn phòng hoạt động cũng “nay đây mai đó”, không ổn định để phát triển kinh doanh.

Xuất phát từ những tồn tại trên, trong kế hoạch triển khai chương trình hoạt động “Năm Doanh nghiệp Đà Nẵng 2014” của ngành, Sở GTVT đã kiến nghị với lãnh đạo thành phố “Hỗ trợ miễn tiền thuê đất xây dựng trạm bảo dưỡng, sửa chữa, bãi đỗ xe cho doanh nghiệp. Hằng năm tổ chức chương trình tôn vinh các doanh nghiệp có đóng góp nhiều cho ngành GTVT thành phố”. Nếu các “nút thắt” này được tháo gỡ, hy vọng thương hiệu “xe khách 43” sẽ được nhiều hành khách chọn lựa mỗi khi có nhu cầu đi lại bằng đường bộ như trước đây.

Bài và ảnh: THANH VÂN

;
.
.
.
.
.