Kết thúc năm 2013, Đà Nẵng đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên 1 tỷ USD, đây là 1 trong 10 sự kiện nổi bật về kinh tế-xã hội của thành phố Đà Nẵng trong năm.
Đạt được thành quả này, ngoài sự nỗ lực của các doanh nghiệp (DN) thuộc ngành Công nghiệp, còn có sự đóng góp đáng trân trọng của các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Điều đáng mừng là, các ngành hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu cao là những ngành đang được ưu tiên phát triển và thu hút đầu tư vào thành phố trong những năm tới theo nghị quyết của HĐND thành phố đề ra.
Các sản phẩm của cơ sở chế biến hải sản Yến Hải Thanh được chế biến từ cá bò, mực... đang được thị trường ưa chuộng. |
Nếu đi ngược thời gian, vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi những lô khăn đầu tiên của Công ty CP Dệt-may 29-3, những lô hàng hải sản của các cơ sở chế biến hải sản và sau đó là những lô giày thể thao của Công ty Hữu Nghị - nay là Công ty CP Sản xuất và dịch vụ thương mại Hữu Nghị, mang về những đồng ngoại tệ đầu tiên cho ngành Công nghiệp thành phố, nhưng chỉ vẻn vẹn vài chục ngàn USD. Đến nay, sau hơn 20 năm kiên trì mục tiêu sản xuất hàng xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài thì con số 1 tỷ USD giá trị kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2013 là một thành quả đáng khích lệ của ngành Công nghiệp.
Theo đó, số lượng các đơn vị sản xuất hàng xuất khẩu ngày càng phát triển, hàng hóa cũng đa dạng, phong phú. Chẳng hạn như ngành dệt-may hiện có tới gần 10 đơn vị có giá trị kim ngạch xuất khẩu từ 1 triệu USD trở lên. Tương tự, ngành chế biến hải sản có gần 30 đơn vị sản xuất hàng xuất khẩu với giá trị kim ngạch từ 1 triệu USD trở lên. Một số mặt hàng xuất khẩu của thành phố mang tầm khu vực như lốp cao su, đồ chơi trẻ em và các linh kiện điện tử. Đặc biệt như Công ty TNHH Điện tử Foster sản xuất khoảng 50% sản phẩm tai nghe điện thoại trên toàn thế giới.
Việc đẩy mạnh sản xuất hàng xuất khẩu đã tạo ra động lực mạnh mẽ để các DN phát huy và khai thác tiềm năng con người, cơ sở vật chất… sản xuất ra những hàng hóa có giá trị xuất khẩu cao. Cơ sở chế biến hải sản Yến Hải Thanh (phường Thanh Bình) là một ví dụ. Sản phẩm của cơ sở Yến Hải Thanh chủ yếu cá bò nhưng đây là mặt hàng cao cấp đang được ưa chuộng trên thị trường với nhiều loại sản phẩm như cá bò tẩm gia vị, cá bò xé… để xuất khẩu. Cũng nhờ đẩy mạnh xuất khẩu, Công ty CP Cao su Đà Nẵng đã sản xuất các sản phẩm lốp cao su có chất lượng ngày càng cao. Trong đó, có nhiều loại trở thành hàng xuất khẩu có uy tín trong khu vực.
Đầu năm 2013, Công ty CP Cao su Đà Nẵng đã sản xuất ra chiếc lốp ô-tô bố toàn thép, mở ra khả năng xuất khẩu lớn trong tương lai. Ngành Dệt-may có giá trị kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 2, với 215 triệu USD, tăng 13% so với năm 2012. Đây là một trong 5 ngành công nghiệp chủ lực của thành phố. Nhờ có nhiều kinh nghiệm trong xuất khẩu, các DN trong ngành đã phát triển không ngừng cả về quy mô và chiều sâu. Nếu như những năm đầu, toàn ngành chủ yếu là gia công cho nước ngoài, thì nay nhiều DN đã vươn lên trở thành đối tác tin cậy của các DN nước ngoài. Tỷ lệ làm hàng gia công không ngừng giảm, nhiều đơn vị đã khép kín chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm (từ mua nguyên liệu, thiết kế mẫu mã, sản xuất và tiêu thụ), trong đó có nhiều sản phẩm cao cấp như veston, quần áo thời trang… Tổng Công ty CP Dệt-may Hòa Thọ, Công ty CP Dệt-may 29-3… là những đơn vị rất thành công trong thời gian qua nhờ đẩy mạnh việc làm hàng xuất khẩu.
Với những tín hiệu tốt về sản xuất của quý đầu năm 2014, sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo thành phố, hy vọng ngành Công nghiệp Đà Nẵng sẽ thực hiện được các mục tiêu của năm, trong đó có mục tiêu lớn là đạt giá trị kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 1,155 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm 2013.
Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH