.

Đánh thức cửa ngõ phía Nam

.

Tròn một năm trước, đúng vào ngày cả nước kỷ niệm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, thành phố đã khánh thành cầu Nguyễn Tri Phương, cầu Khuê Đông và đại lộ Võ Chí Công. Hôm nay (19-5), trong không khí cả nước kỷ niệm 124 năm Ngày sinh của Bác, Đà Nẵng lại tiếp tục khánh thành và đưa vào sử dụng tuyến đường vành đai phía Nam cùng 2 cây cầu Hòa Phước và Cổ Cổ, chính thức khớp nối giao thông trung tâm thành phố với khu vực phía Nam của thành phố là quận Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang - đánh thức cả vùng đất rộng lớn chuyển mình đi lên.

Đường vành đai phía Nam
Đường vành đai phía Nam

Hoàn chỉnh khớp nối giao thông về phía Nam

Rất bận rộn để chuẩn bị cho ngày khánh thành công trình tuyến đường vành đai phía Nam, kỹ sư Bùi Hồng Trung, Trưởng phòng Giám định và quản lý chất lượng công trình, Sở Giao thông vận tải (GTVT) - người tham gia ngay từ những ngày đầu cả hai dự án này say sưa kể: Chỉ khoảng vài năm trước thôi, dẫu người có óc tưởng tượng phong phú đến đâu cũng không thể hình dung cả vùng đất phía Nam thành phố lại có được hệ thống hạ tầng giao thông như hôm nay.

Năm trước, đúng vào ngày 30-4, thành phố tổ chức khánh thành cùng lúc 3 công trình “vượt sông” là cầu Nguyễn Tri Phương, cầu Khuê Đông và đại lộ Võ Chí Công. Với tuyến đường rộng đến 6 làn xe, hạ tầng hoàn chỉnh, từ trung tâm thành phố theo đường Nguyễn Hữu Thọ qua cầu Nguyễn Tri Phương chỉ mất khoảng 15 phút là vào tới Hội An. Còn hôm nay, thành phố lại khánh thành trục đường vành đai phía Nam cùng với 2 cây cầu khá quy mô, nối từ quốc lộ 1A đến tận đường ven biển Trường Sa. Với trục đường này, từ trung tâm huyện Hòa Vang đến trung tâm hành chính quận Ngũ Hành Sơn chỉ chạy xe khoảng 15 phút, điều mà trước đây mất cả tiếng đồng hồ.

Cũng như trục đường Võ Chí Công, tuyến đường vành đai phía Nam có hạ tầng khá hoàn chỉnh, đồng bộ và hiện đại. Tổng chiều dài toàn tuyến trên 6km , 6 làn xe, bắt đầu từ quốc lộ 1A và kéo dài đến sát đường ven biển Trường Sa. Ban đầu, ý tưởng thiết kế là mặt cắt ngang của đường chỉ là 31 mét rồi điều chỉnh lên 39 mét và hiện nay phần nền móng được mở rộng lên đến 41 mét, được tổ chức thành 6 làn xe.

Giải thích về việc thay đổi này, cũng theo kỹ sư Bùi Hồng Trung là phục vụ cho ý tưởng “giao thông đón đầu”. Tức là hiện nay trục đường này dù rộng 41 mét, vẫn 6 làn xe, nhưng dải phân cách ở giữa lại rộng đến 7 mét. Mục đích của dải phân cách rộng này là “dự phòng” cho vài năm nữa khi đô thị phía Nam của thành phố phát triển thì dải phân cách này sẽ được mở ra tạo thêm 2 làn đường dành cho xe buýt nhanh, như vậy tuyến đường này sẽ có quy mô 8 làn xe, và trở thành một trong những trục đường “xương sống” quan trọng của hệ thống giao thông phía Nam thành phố.

Cú hích cho đô thị phía Nam thành phố

Thực tế, không chỉ đợi đến khi hạ tầng giao thông phía Nam thành phố được hoàn thành mà từ nhiều năm qua, nhiều dự án song hành và đón đầu cũng đã xuất hiện khá nhiều ở phía Nam của thành phố; đến nay, một khu đô thị sầm uất và hiện đại của Đà Nẵng về phía Nam dần rõ hình hài. Tiên phong là hàng loạt khu nghỉ mát 5 sao tầm cỡ quốc tế dọc theo cung đường ven biển tuyệt đẹp của thành phố nối tiếp nhau hình thành như Fusion Maia, Vinpearl  Luxury Đà Nẵng, Lifestyle Đà Nẵng, Sandy Beach Non Nước Đà Nẵng, Crowne Plaza Đà Nẵng...

Bên cạnh đó là dự án khu du lịch giải trí quy mô lớn đã đi vào khai thác như khu Sân golf VinaCapital. Ngoài ra, còn có rất nhiều dự án khác đã và đang được khởi động như Công viên Văn hóa làng quê và quần thể du lịch sông nước, Công viên Văn hóa Ngũ Hành Sơn, Khu đô thị trung tâm Hòa Quý...

Đến nay, bức tranh đô thị với ý tưởng lấy du lịch làm chủ đạo cho sự phát triển vùng đất phía Đông Nam thành phố đã trở nên rõ nét. Song song đó, khu vực giáp ranh giữa Đà Nẵng và Quảng Nam cũng đang hình thành một trung tâm giáo dục-đào tạo có quy mô lớn và khép kín với các dự án Làng Đại học Đà Nẵng, Khu đô thị FPT, Trường Đại học châu Á - Thái Bình Dương, Trường Cao đẳng Du lịch, Đại học Kỹ thuật Y dược, Đại học Khoa học xã hội-Nhân văn…

Những ngày này, đi trên các trục đường còn vương mùi nhựa đường của tuyến vành đai phía Nam, ở đâu cũng xôn xao câu chuyện làm ăn khi giao thông được kết nối thông suốt. Ông Lê Bằng, chủ doanh nghiệp sản xuất đá trang trí ở Hòa Sơn cho biết, từ mấy tháng nay rất bận rộn với việc tìm một mảnh đất trên tuyến đường này để mở cửa hàng giới thiệu sản phẩm.

Bởi theo ông, với hạ tầng giao thông hoàn chỉnh và khớp nối như hiện nay thì không nhanh chân sẽ không thể kiếm được vị trí tốt. Còn ông Phan Xuân Viên, Giám đốc Bến xe Đức Long Đà Nẵng (Bến xe phía Nam) cũng không giấu được niềm vui: Chúng tôi rất khó khăn trong gần 2 năm qua vì bến xe “đắp chiếu”, tuy nhiên với vị trí bến xe nằm ngay đầu đường của tuyến vành đai phía Nam thì hy vọng mọi chuyện sẽ cải thiện theo hướng tốt hơn. Bởi sắp tới đây khi khu đô thị phía Nam này phát triển nhất định bến xe sẽ hoạt động hiệu quả.

Cả vùng đất rộng lớn phía Nam của thành phố đang chuyển mình hằng ngày để trở thành khu đô thị lớn quan trọng của thành phố Đà Nẵng đầy tiềm năng.

Dự án đường vành đai phía Nam thành phố Đà Nẵng được khởi công vào tháng 6-2012; tổng chiều dài toàn tuyến là 6,12km, với quy mô 6 làn xe và được thiết kế theo tiêu chuẩn đường phố chính đô thị thứ yếu; tốc độ thiết kế 70km/h. Điểm đầu tuyến giao với quốc lộ 1A, điểm cuối tuyến nối với đường An Nông, thông ra đường Trường Sa. Công trình do đơn vị Tư vấn quốc tế CDM Intenational Inc. (Mỹ) thiết kế, và đơn vị The Louis Berger Group Inc. (Mỹ) giám sát thi công; gồm 2 gói thầu xây lắp chính:

- Hợp đồng C57 - Xây dựng cầu Hòa Phước, dài 830m, khổ cầu 28m; cầu Cổ Cò dài 176,18m, khổ cầu rộng 19m do Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4) thi công;

- Hợp đồng C58 - Xây dựng tuyến đường Vành đai phía Nam (dài 5.110m, rộng 34m). Do Liên danh Công ty CP Xây dựng công trình 545 và Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Sản xuất - Xây dựng Đông Mê Kông thi công.

Công trình được thực hiện từ nguồn vốn ODA của Ngân hàng Thế giới (WB) và vốn đối ứng của thành phố Đà Nẵng, tổng giá trị cho cả 2 hợp đồng khoảng trên 1.000 tỷ đồng.

THANH VÂN

;
.
.
.
.
.