ĐNĐT - Ngày 6-6, gần 80 doanh nghiệp (DN) đại diện cho hơn 8.200 DN trên địa bàn quận Thanh Khê đã có buổi làm việc với lãnh đạo thành phố dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương nhằm giải quyết những vướng mắc, kiến nghị trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hiện nay.
Phó Chủ tịch TP Võ Duy Khương giải quyết khó khăn cho DN tại buổi làm việc |
Khúc mắc được sẻ chia
Bức xúc với những vướng mắc “khó hiểu” nảy sinh từ các văn bản pháp quy, bà Nguyễn Thị Kim Liên, Giám đốc Công ty TNHH Ân Điển trình bày: “Để mở rộng thêm cửa hàng, tôi có mua một miếng đất ở khu vực Xuân Thiều, quận Liên Chiểu cách đây 10 năm. Nay muốn xây dựng, theo quy định buộc phải làm nhà 2 tầng trở lên, do không có tiền nên tôi làm đơn gửi lên cơ quan chức năng. Đến khi thủ tục cho phép tôi được làm nhà thì lại có thông báo 3 năm phải tháo dỡ vì vướng… quy hoạch. Tôi không thể hiểu các văn bản ở các cấp chồng chéo như thế nào mặc dù đã làm hết các thủ tục theo yêu cầu mà đến nay 3 tháng rồi vẫn “kéo rê” chưa được giải quyết xong?”
Trước nội dung phản ánh của DN, Phó Chủ tịch Võ Duy Khương nói ngay: “Tôi hơi bất ngờ vì DN đã chờ đợi 3 tháng rồi mà bây giờ lại nói quy hoạch. Được hay không được cũng phải trả lời hoặc nếu trúng quy hoạch thì phải giải tỏa và đền bù cho người ta. Chị cứ đến ngay Sở Xây dựng, không được giải quyết thì gửi văn bản cho Chủ tịch UBND thành phố, chúng tôi sẽ xử lý nhanh”.
Đưa vấn đề thành phố có những ưu đãi gì để hỗ trợ ngành công nghiệp mới trong khi công ty là một trong số ít ở Đông Nam Á đã sản xuất được nguyên phụ liệu sản xuất sơn trong ngành gỗ của đại diện Công ty Hiệp Nghĩa, lãnh đạo thành phố bày tỏ niềm tin với DN rằng sản phẩm này sẽ đem lại hiệu quả cao cho sản xuất. Đồng thời, yêu cầu Sở Công thương ghi nhận ý kiến này cùng với Sở Khoa học - Công nghệ làm việc trực tiếp với công ty. Nếu cần thiết, công ty có thể làm việc với hai Quỹ của thành phố để giải quyết vốn.
Trong giới hạn về mặt thời gian, các DN đã tranh thủ nêu lên những vấn đề được lãnh đạo thành phố đánh giá là rất “sát sườn”, cụ thể. Chẳng hạn, những lo ngại của DNTN SX - TM Huỳnh Sơn về việc thu hồi hơn 2.900m2 đất sản xuất đá xây dựng (mỏ Đại La 2) để phục vụ cho dự án bố trí tái định cư đường Hoàng Văn Thái; kiến nghị về những khó khăn trong thủ tục vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ HTX thành phố của HTX An Khê…
Trả lời về mức vay của HTX quá hạn chế, ông Phạm Cư, Phó Giám đốc Sở Tài chính cho rằng, khả năng nguồn vốn của thành phố có hạn nên cũng chưa thể giải quyết được nhiều theo nhu cầu. Từ đầu năm, Sở cũng đã tiếp thu nhiều ý kiến phản ánh của DN và dần dần sẽ điều chỉnh.
Với những kiến nghị về chính sách thuế, Phó Chủ tịch Võ Duy Khương yêu cầu cán bộ thuế khi giải quyết “những vấn đề rắc rối” phải đến làm việc trực tiếp với DN chứ không được làm việc qua điện thoại. Có mặt trong hội trường buổi làm việc, đại diện Chi cục Thuế quận Thanh Khê đã phải nói lời xin lỗi và sẽ tiếp thu ý kiến của DN.
Còn đó nhiều bài toán chờ giải đáp
Khác với những buổi đối thoại được tổ chức trước đó, DN bao giờ cũng đặt câu hỏi với ngành ngân hàng thì buổi làm việc sáng 6-6, ông Võ Minh - Giám đốc NHNN Chi nhánh Đà Nẵng đã chủ động lên tiếng: “Tôi xin hỏi các DN ở đây ai có gặp vấn đề gì thì cho biết. Có hay không việc ông A nợ ông B, ông B nợ ông C…, các anh chị cứ nói.”
Tuy nhiên, hầu hết các ý kiến của DN đều thừa nhận mình có khó khăn ít nhiều nhưng trong bối cảnh này, có lẽ DN phải tự cứu mình trước tiên. Thậm chí, một số DN còn bày tỏ nguyện vọng được đóng góp vật chất để ủng hộ các lực lượng đang làm nhiệm vụ bảo vệ biển đảo mà chưa thấy UBND quận, thành phố vận động.
Kết thúc buổi làm việc, Bí thư, Chủ tịch UBND quận Thanh Khê ông Trần Văn Huy công bố số điện thoại đường dây nóng của quận 0511. 3711855 và số điện thoại Tổ Một cửa cũng như của cá nhân ông Huy: 0511. 714.584 - 0903. 503.500 để DN gọi đến khi gặp các vấn đề vướng mắc trong phạm vi của quận xử lý. |
Dù lãnh đạo thành phố và quận đã sẻ chia tích cực với DN qua buổi làm việc hết sức có ý nghĩa, nhưng vẫn còn đó những câu hỏi khiến những người làm công tác quản lý nhà nước phải băn khoăn, chưa thể trả lời ngay được. Chẳng hạn, trường hợp Công ty TNHH MTV Chính Thành (kinh doanh mái hiên di động) nêu “khó”: Cửa hàng kinh doanh nằm đối diện với vạch kẻ dành cho người đi bộ ở đường Điện Biên Phủ, mỗi khi hàng hóa về công ty phải đậu đỗ một nửa đoạn đường là được phép, nửa kia không được phép. Thường xuyên bị lực lượng Công an xử phạt vi phạm an toàn giao thông. Thế nhưng, vì hoạt động kinh doanh, công ty muốn được mua giấy phép đậu đỗ thì được trả lời là tuyến đường này không nằm trong khoảng cấm.
Câu hỏi này, chính quyền quận Thanh Khê hứa sẽ nghiên cứu, xem xét. Trước mắt, lãnh đạo thành phố khẳng định sẽ dành khoảng 10 ha đất trong KCN Liên Chiểu để bố trí cho những DN thực sự cần và có hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, đóng góp tích cực cho thành phố.
Trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Võ Duy Khương đề nghị quận Thanh Khê lập đường dây nóng phục vụ Năm Doanh nghiệp, hằng tuần tổng hợp ý kiến lên thành phố những nội dung vượt quá thẩm quyền. Đối với ngư dân, cần nghiên cứu phương thức vận động vốn hỗ trợ ngư dân, trên cơ sở đề nghị của quận, thành phố có hướng giải quyết kịp thời.
Quận cần phối hợp với Sở KH-CN, Sở Công thương… để giúp DN xây dựng lại thương hiệu, nâng cao chất lượng hàng hóa, xúc tiến giao thương. Trong cải cách thủ tục hành chính, không riêng gì ngành Thuế mà các ngành khác cũng đừng để DN phải đi lên đi xuống nhiều lần. Ngoài ra, vấn đề quy hoạch đất cần được xúc tiến triển khai để DNNVV có thể thuê để mở rộng sản xuất….
Bài và ảnh: Duyên Anh