.

Hàng Việt dần chiếm lĩnh thị trường

.

Sau hơn 4 năm triển khai, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thực sự làm thay đổi cách nghĩ của nhiều doanh nghiệp (DN), nhà phân phối cũng như người tiêu dùng trong nước.

Người dân đến mua sắm tại phiên chợ hàng Việt được tổ chức ở xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang.
Người dân đến mua sắm tại phiên chợ hàng Việt được tổ chức ở xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang.

Hàng Việt có mặt ở mọi nơi

Ngày nay, với nhiều người dân Đà Nẵng, việc lựa chọn ưu tiên các mặt hàng Việt Nam trong tiêu dùng đã trở thành thói quen.  Chị Lê Thị Mỹ (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) cho rằng: “Tôi cũng như nhiều bà con khác do ở vùng nông thôn rất mù mờ về giá trị, xuất xứ của sản phẩm. Các món hàng mua gần như phụ thuộc hoàn toàn vào người bán, tức bán gì thì mua nấy. Nhưng nay, nhờ có các phiên chợ hàng Việt liên tục về nông thôn, tôi có cơ hội biết và dùng hàng Việt nhiều hơn”. Chị Lê Thị Thúy (quận Hải Châu) cho biết: “Gia đình tôi luôn ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Ngay như đôi dép tôi đang mang là hàng sản xuất trong nước, còn quần áo của gia đình đều là hàng sản xuất của các DN ở Đà Nẵng. Hiện nay, chất lượng nhiều mặt hàng Việt khá tốt, đặc biệt là các sản phẩm may mặc nên tôi rất an tâm khi sử dụng”.

Ghi nhận tại các chợ, siêu thị… trên địa bàn Đà Nẵng cho thấy, hàng Việt càng thể hiện rõ ưu thế, khi trên các quầy, các kệ hàng phần lớn là các mặt hàng do DN trong nước sản xuất. Theo đại diện Siêu thị Co.opMart Đà Nẵng, hiện có trên 90% hàng hóa bày bán tại siêu thị này được sản xuất trong nước. Không chỉ ở những dòng hàng phổ thông mà hàng Việt đã cạnh tranh ngay cả ở phân khúc hàng cao cấp với chất lượng không thua kém gì hàng ngoại nhập, giá thành cạnh tranh.

Ngay cả các cửa hàng bán lẻ trên địa bàn Đà Nẵng cũng đã xuất hiện nhiều quầy hàng dành riêng cho các thương hiệu hàng Việt Nam. Nhiều cửa hàng bán phần lớn các sản phẩm tiêu dùng sản xuất trong nước. Khẩu hiệu “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cũng được nhiều nơi in hoặc dán tại quầy bán sản phẩm hàng Việt để nhắc nhở người tiêu dùng khi lựa chọn sản phẩm cho mình. Đặc biệt, các sản phẩm của các doanh nghiệp Đà Nẵng được người dân tin dùng như hàng dệt-may của Công ty CP Dệt-may 29-3, Tổng Công ty CP Dệt-may Hòa Thọ...

Cơ hội cho doanh nghiệp sản xuất trong nước

Có thể khẳng định rằng, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong hơn 4 năm qua đã tạo được hiệu ứng tích cực; giúp kết nối giữa DN, nhà sản xuất với nhà phân phối, người bán lẻ, người tiêu dùng; giúp DN và thương hiệu hàng Việt vươn lên, tạo ra nhiều sản phẩm mới, chất lượng ngày càng cao, giá cả phù hợp, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng. Theo khảo sát mới đây đã có hơn 80% người dân ưu tiên dùng hàng Việt khi mua sắm.

Tuy nhiên, cùng với những hiệu quả tích cực, cuộc vận động vẫn còn những mặt chưa làm được. Một số cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp chưa quan tâm đúng mức cuộc vận động; các giải pháp khuyến khích người dân sử dụng hàng Việt còn chung chung, thiếu đồng bộ, một số DN trong nước chưa mặn mà với các sản phẩm nhỏ nên tạo điều kiện cho các sản phẩm nhập ngoại “lấn sân” thị trường. Còn xảy ra tình trạng các đơn vị, DN chưa tích cực nâng cao chất lượng sản phẩm và đưa sản phẩm ra thị trường; chất lượng sản phẩm thiếu tính ổn định, cùng với tình trạng hàng gian, hàng giả… khiến một bộ phận người tiêu dùng chưa tin tưởng vào hàng Việt và vẫn còn tâm lý sính ngoại.

Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Công ty Hương Quế - chuyên sản xuất lót giày, thắt lưng… ở quận Liên Chiểu cho hay: “Trước đây, các sản phẩm do DN của chúng tôi sản xuất thường tìm đến thị trường ngoại, nhưng hiện DN đã chú trọng đến thị phần trong nước vì thấy rằng đây là một thị trường đầy tiềm năng. Chỉ sau vài năm xâm nhập vào thị trường nội địa, sản phẩm do DN chúng tôi sản xuất đã có mặt ở hầu hết các siêu thị lớn trên cả nước và điều đáng mừng là được người dân tin dùng”.

Ông Trần Văn Dư, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng cho biết: Việc triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã và đang dần tác động đến từng gia đình từ thành phố đến các vùng nông thôn. Tất cả đều hướng tới một mục tiêu chung là thay đổi nhận thức của người tiêu dùng trong lựa chọn hàng Việt Nam và hàng Việt Nam phải làm chủ được thị trường trong nước. Có được kết quả đó, không chỉ nhờ công tác tuyên truyền, vận động, nhiều DN đã năng động đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh trong sản xuất, kinh doanh, đem đến cho người tiêu dùng Việt những sản phẩm chất lượng cao; ngày càng chiếm lĩnh thị trường trong nước.

Bài và ảnh: TRỌNG HÙNG

;
.
.
.
.
.