.

Hiệu quả sau cổ phần hóa

.

Sau gần 20 năm triển khai, hầu hết các doanh nghiệp Nhà nước của thành phố đã được cổ phần hóa (CPH). Những thành quả CPH đem lại rất lớn, chẳng hạn như Tổng Công ty CP Dệt-may Hòa Thọ, sau 6 năm CPH (tính đến cuối năm 2013) doanh thu tăng 4 lần, giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng 2,2 lần, nộp ngân sách tăng 11 lần, lợi nhuận tăng 10 lần và thu nhập bình quân của người lao động tăng 3 lần so với năm 2006.

Nhờ có tích lũy, Công ty CP Xây dựng công trình 545 đã mua được thiết bị thảm nhựa hiện đại.
Nhờ có tích lũy, Công ty CP Xây dựng công trình 545 đã mua được thiết bị thảm nhựa hiện đại.

Tăng vốn điều lệ, đẩy mạnh xuất khẩu

Điểm chung dễ nhận thấy của các công ty CP là vốn điều lệ tăng nhanh sau khi CPH, có đơn vị tăng gần 80%/năm như Công ty CP Xây dựng công trình 545 (công ty thực hiện CPH năm 2005 với 8 tỷ đồng vốn điều lệ, đến năm 2014 là 120 tỷ đồng), Công ty CP Dệt-may 29-3, sau 7 năm CPH, vốn điều lệ đã tăng từ 35 tỷ đồng (năm 2007) lên 42 tỷ đồng (năm 2014)…

Các chỉ tiêu khác như doanh thu, lợi nhuận và nộp ngân sách cũng tăng với tốc độ 2 con số. Nhờ vậy, các công ty CP luôn có đủ việc làm cho người lao động (NLĐ) với thu nhập năm sau cao hơn năm trước. Nói cách khác, các mục tiêu của CPH doanh nghiệp đặt ra ban đầu đã đạt được; đặc biệt, việc tăng vốn điều lệ là nhờ huy động được các nguồn vốn nhàn rỗi trong công nhân, viên chức, lao động của công ty, trong nhân dân (thông qua việc bán cổ phiếu) và các nguồn khác.

Thành quả rõ nét nhất của các doanh nghiệp sau CPH là giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh, với nhiều chủng loại hàng hóa đa dạng. Nếu như trước khi CPH, Công ty CP Dệt-may 29-3 chỉ có một số mặt hàng là khăn, quần áo may sẵn làm gia công cho các doanh nghiệp nước ngoài và giá trị kim ngạch xuất khẩu dưới 20 triệu USD/năm, đến nay công ty có hàng chục mặt hàng xuất khẩu chất lượng cao, dự kiến giá trị kim ngạch xuất khẩu năm 2014 là 35 triệu USD.

Tổng Công ty CP Dệt- may Hòa Thọ, năm 2013 đạt xấp xỉ 100 triệu USD giá trị kim ngạch xuất khẩu, tăng 2,2 lần so với năm 2006. Trong đó, xuất khẩu chủ yếu là dòng sản phẩm cao cấp với những nhãn hiệu nổi tiếng thế giới. Các đơn vị khác như: Công ty CP Cao su Đà Nẵng, Công ty CP Thủy sản miền Trung, Công ty CP Thủy sản Thuận Phước đều có tốc độ phát triển nhanh và là những doanh nghiệp mạnh của cả nước.

Công nghệ và thiết bị ngày càng tiên tiến

Nguyên nhân làm cho các công ty CP có giá trị kim ngạch xuất khẩu cao là nhờ việc đổi mới thiết bị, công nghệ. Hầu hết các doanh nghiệp sau CPH đã đầu tư mạnh đổi mới công nghệ, thiết bị, coi đây là giải pháp sống còn để đưa doanh nghiệp phát triển thông qua xuất khẩu. Rất nhiều mặt hàng xuất khẩu mà đối tác mua sản phẩm đã đến tận nơi, kiểm tra cơ sở sản xuất, trong đó họ đặc biệt quan tâm đến công nghệ và môi trường làm việc của người lao động, nhất là các đối tác thuộc thị trường Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản… Để đáp ứng được nhu cầu của các đối tác như vậy, buộc doanh nghiệp phải đổi mới công nghệ. Đi đầu trong lĩnh vực này là Công ty CP Cao su Đà Nẵng.

Trong những năm qua, công ty đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để đổi mới công nghệ, thiết bị, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm. Việc đưa Nhà máy Sản xuất lốp Radial toàn thép, công suất 600.000 bộ/năm vào sản xuất giữa năm 2013 là thành quả của việc đổi mới công nghệ (loại lốp này trước đây phải nhập khẩu, chưa có nơi nào trong nước sản xuất được). Dự kiến trong năm 2014, công ty sẽ sản xuất khoảng 135.000 chiếc, trong đó chủ yếu để xuất khẩu. Vì vậy, năm 2014, công ty xây dựng kế hoạch với các chỉ tiêu chủ yếu như doanh thu trên 3.485 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2013, lợi nhuận trước thuế 425 tỷ đồng, giá trị kim ngạch xuất khẩu 25 triệu USD.

Nhờ đổi mới công nghệ, đến nay Công ty CP Xây dựng công trình 545 có máy thảm nhựa với bề mặt thảm 7,5 mét với công suất trải nhựa 600 tấn/giờ, lớn nhất so với cả ngành Giao thông vận tải cả nước. Đây cũng là điều kiện giúp công ty luôn hoàn thành vượt mức tiến độ các công trình xây dựng do công ty thi công.

Điều quan tâm của các doanh nghiệp đã CPH là mong rằng Chính phủ đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ hơn nữa cho các doanh nghiệp về thị trường xuất khẩu. Đối với thành phố Đà Nẵng, các doanh nghiệp mong muốn thành phố có chính sách cho các doanh nghiệp được thuê đất để xây dựng nhà ở cho công nhân, nhà trẻ, nhà mẫu giáo góp phần cải thiện đời sống người lao động, bảo đảm an sinh xã hội.

Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH

;
.
.
.
.
.