.

Hỗ trợ tối đa cho ngư dân đóng tàu vỏ thép

.

ĐNĐT - “Trường hợp tàu vỏ thép có công suất từ 800CV trở lên, chủ tàu được vay tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 5%/năm. Trong đó, chủ tàu trả 1%/năm, ngân sách Nhà nước cấp bù 4%/năm”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn khẳng định tại hội nghị bàn về dự thảo Nghị định một số chính sách phát triển thủy sản diễn ra chiều 13-6 tại Đà Nẵng.

Tham dự hội nghị có lãnh đạo 9 tỉnh, thành: Thanh Hóa, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bến Tre và Cà Mau, cùng các bộ, ngành liên quan. Phó Thủ tướng Chính Phủ Vũ Văn Ninh chủ trì hội nghị.

Tàu vỏ thép đầu tiên của ngư dân Đà Nẵng vươn khơi
Tàu vỏ thép của ngư dân Việt Nam sẵn sàng vươn khơi đánh bắt hải sản

Lãi vay đóng tàu vỏ thép chỉ 1-2%

Tại hội nghị, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã nói rõ hơn về chính sách đóng mới, gia cố tàu bọc vỏ thép, bọc vỏ vật liệu mới có tổng công suất máy từ 380CV trở lên để khai thác và cung cấp dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ.

Theo đó, đối với tàu vỏ thép đóng mới phục vụ dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ, chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 5%/năm; chủ tàu trả 1%/năm, ngân sách Nhà nước cấp bù cho ngân hàng thương mại 4%/năm. Trường hợp tàu vỏ gỗ đóng mới, chủ tàu được vay vốn tối đa 85% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 5%/năm, trong đó chủ tàu trả 2%/năm, ngân sách Nhà nước cấp bù cho ngân hàng thương mại 3%/năm.

Đối với tàu vỏ thép đóng mới đánh bắt xa bờ, chủ tàu được vay vốn ngân hàng tối đa 90% tổng giá trị đầu tư (bao gồm cả ngư cụ) với lãi suất 5% (chủ tàu trả 2%/năm, ngân sách cấp bù 3%/năm). Riêng đối với tàu vỏ thép có công suất từ 800CV trở lên, chủ tàu được vay vốn 95% (chủ tàu trả 1%/năm, ngân sách cấp bù 4%/năm). Còn đóng tàu vỏ gỗ, chủ tàu được hỗ trợ vay vốn tối đa 70%, lãi suất 5%/năm, trong đó chủ tàu trả 3%/năm, ngân sách cấp bù 2%/năm.

Riêng việc nâng cấp, gia cố bọc vỏ thép, bọc vỏ vật liệu mới đối với tàu vỏ gỗ hiện có, chủ tàu được vay tối đa 85%, lãi suất 5%/năm (chủ tàu trả 2%/năm, ngân sách Nhà nước cấp bù 3%/năm).

Thời hạn cho vay tối đa 11 năm, trong đó có 1 năm ân hạn. Chủ tàu được sử dụng tàu đóng mới, tàu gia cố bọc thép, bọc vỏ vật liệu mới từ vốn vay làm tài sản để bảo đảm khoản vay…

Điều làm cho ngư dân cả nước vui mừng là ngư dân được vay vốn lưu động trước khi ra khơi. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, chủ tàu đánh bắt, tàu dịch vụ hậu cần khai thác xa bờ được vay tối đa 70% cho một chuyến đi, với lãi suất 7%/năm. Với chủ trương này, ngư dân không còn cảnh đi vay nóng hoặc thế chấp bằng tài sản đánh bắt được như thời gian vừa qua.

Chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân

Tại hội nghị, đã có trên 10 ý kiến phát biểu, bổ sung vào dự thảo Nghị định một số chính sách phát triển thủy sản, trong đó đa số đồng tình, nhất trí với dự thảo.

Ông Hà Sơn Hải, Tổng Giám đốc Công ty Sông Thu, cho rằng chỉ đạo của Chính phủ về việc hỗ trợ ngư dân vừa bám biển sản xuất, vừa bảo vệ chủ quyền là rất sáng suốt, hợp lòng dân. Theo ông Hà Sơn Hải, tàu vỏ thép sẽ được áp dụng công nghệ hiện đại, giúp ngư dân bảo quản thủy sản hơn 1 tháng. Tàu vỏ thép cũng di chuyển nhanh hơn, trang bị thiết bị hàng hải hiện đại nên sẽ tránh va chạm trên biển, đặc biệt là vào ban đêm. Ông Hải cũng đề nghị cần liên kết 4 bên gồm: ngân hàng, nhà máy đóng tàu, doanh nghiệp và ngư dân thành một quá trình khép kín từ vay vốn, đóng tàu, khai thác và tiêu thụ để đạt hiệu quả cao trong đánh bắt thủy sản.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Thị Thu Hà cho rằng, đóng tàu vỏ thép phải có mẫu tàu và phải được Bộ NN&PTNT phê duyệt. Đồng thời, khi đã cho ngư dân vay vốn thì ngư dân phải có quyền quyết định con tàu của mình. “Nếu ta đóng tàu vỏ thép mà không phù hợp thì sau này nó cũng không đem lại hiệu quả”, bà Hà nói và cho rằng, cũng cần phải cải hoán những con tàu vỏ gỗ, trong đó chủ yếu cải hoán máy móc và ngư cự để làm ăn hiệu quả hơn.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh: “Việc ban hành Nghị định lần này nhằm vào 2 mục đích: Thứ nhất là tiếp tục hỗ trợ ngư dân yên tâm bám biển sản xuất, phát triển ngành thủy sản, làm giàu từ biển, nâng cao đời sống của người dân. Thứ hai, để ngư dân vừa kết hợp sản xuất, vừa giữ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng, ngoài lực lượng Hải quân, Kiểm ngư, Cảnh sát biển giữ biển thì ngư dân cũng là một lực lượng hết sức quan trọng. Ngư dân có mặt trên biển là khẳng định chủ quyền trên biển. “Hiện tại, cả nước có trên 70% tàu có công suất nhỏ, trong khi tàu hậu cần còn ít nên chất lượng hải sản không cao, hiệu quả kinh tế kém. Do đó, chúng ta phải hướng đến xây dựng những đội tàu lớn, hiện đại vươn khơi xa, đảm bảo an toàn, khai thác có hiệu quả”, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh.

Bên cạnh việc tập trung chính sách, nguồn lực cho phương tiện đánh bắt để khuyến khích ngư dân ra khơi, Chính phủ cũng đặc biệt ưu tiên việc đóng mới và hỗ trợ tàu dịch vụ hầu cần nghề cá nhằm giúp ngư dân yên tâm bám biển dài ngày. Đồng thời, từng bước khuyến khích liên kết trong sản xuất giữa ngư dân với nhau trên biển và giữa ngư dân với các tổ đội, hợp tác xã, doanh nghiệp... Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên nghiên cứu ngư trường, nguồn lợi thủy sản để xây dựng quy hoạch đóng tàu vỏ thép có hiệu quả.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.