.

Khẳng định hàng Việt

.

Với sự hậu thuẫn lớn từ cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hàng hóa sản xuất trong nước đã bắt đầu chiếm được cảm tình của đông đảo người dân. Nhưng để hàng Việt tiếp cận nhiều hơn với người tiêu dùng trong nước cần có sự phối hợp tích cực từ nhiều phía.

Các phiên chợ hàng Việt về nông thôn giúp bà con nông dân tiếp cận hàng nội bảo đảm chất lượng.
Các phiên chợ hàng Việt về nông thôn giúp bà con nông dân tiếp cận hàng nội bảo đảm chất lượng.

Doanh nghiệp chưa quan tâm đến chợ

Đi chợ những ngày này, câu chuyện của các chị em buôn bán luôn “nóng” theo tình hình căng thẳng ở Biển Đông, kèm theo đó là việc sử dụng hàng Trung Quốc. Chị Nguyễn Thị Tuyết Liên (hộ kinh doanh quần áo chợ Cồn) thẳng thắn trao đổi: “Hiện quầy chúng tôi bày bán song song nhiều mặt hàng trong nước và của Trung Quốc. Nhưng khi có khách hàng hỏi mua tụi tui đều giới thiệu rõ ràng đây là hàng Việt Nam, đây là hàng Trung Quốc chứ không có chuyện nhập nhằng, lẫn lộn. Buôn bán ngày càng cạnh tranh nên chị em chúng tôi mong muốn bán được những sản phẩm có nguồn gốc thực sự để người tiêu dùng tin tưởng đến chợ cũng mua được hàng Việt Nam chất lượng cao chứ không phải là hàng trôi nổi như lâu nay mọi người vẫn nghĩ”.  

Theo Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), trong số các loại hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ trong nước được bán tại các chợ chỉ có hàng thực phẩm chiếm hơn 90% cơ cấu hàng hóa, các ngành hàng khác tỷ lệ này còn thấp. Đà Nẵng có trên 80 chợ truyền thống, thế nhưng số doanh nghiệp thực sự quan tâm khai thác thị phần nơi đây vẫn chưa thể hiện được thế mạnh. Đây là kênh phân phối hàng hóa được đánh giá rất quan trọng, nếu nhà sản xuất, phân phối xâm nhập vào được thì lượng hàng tiêu thụ nội địa sẽ rất lớn.

Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm BSA trong lần cùng các đại sứ hàng Việt đến các chợ Đà Nẵng cho rằng: “Để đưa hàng Việt vào chợ, doanh nghiệp cần nắm bắt tâm lý cũng như thị hiếu của khách hàng để phân khúc thị trường. Qua đó cần nghiên cứu các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tiếp cận thị trường để đưa sản phẩm vào chợ một cách hiệu quả. Ngoài ra, các doanh nghiệp phải tính tới chuyện dài hơi chứ không thể thu kết quả từ ngày một ngày hai”.

Nhiều tiểu thương thừa nhận các doanh nghiệp trong nước chưa quan tâm nhiều đến những người kinh doanh ở chợ. Bà Đặng Thị Hồng (ngành hàng khô chợ Hàn) nói: “Tui thấy nhiều năm rồi, mặc dù đây là chợ du lịch nhưng các nhà cung cấp hàng hóa vẫn chưa thấy hết vai trò lớn của tiểu thương trong việc giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp có thương hiệu cũng chưa mặn mà với việc đưa hàng vào chợ, bởi tâm lý sợ hàng của mình bị xem là “hàng chợ” kém chất lượng, ảnh hưởng đến uy tín.

Chỗ đứng từ phiên chợ hàng Việt

Trong phiên chợ hàng Việt về quận Ngũ Hành Sơn tháng 5 vừa qua, đại diện bán hàng của các công ty đều bày tỏ mong muốn được phục vụ nhiều hơn nữa bà con khu vực vùng xa trung tâm. Đại diện bán hàng của bột giặt “Vì Dân” quả quyết, dù đa số người dân vốn chỉ quen với những nhãn hàng liên doanh như Omo, Tide, Ariel, nhưng điều đó không có nghĩa là hàng nội không có chỗ đứng. Nhà bán lẻ Co.opMart Đà Nẵng cũng chia sẻ, các phiên chợ về nông thôn thời gian gần đây dù không đưa lại lợi nhuận lớn, nhưng vì là đơn vị tham gia chương trình bình ổn giá nên rất tích cực.

Hai phiên chợ hàng Việt theo phê duyệt của chương trình xúc tiến thương mại quốc gia tại Đà Nẵng vừa kết thúc. Ban tổ chức nhận định, mặc dù hàng hóa rất đa dạng, phong phú nhưng sức mua của người dân tại 2 phiên này lại giảm hơn 50% so với năm 2013 do tình hình kinh tế khó khăn và ảnh hưởng thời tiết nắng nóng trong thời gian tổ chức.

Thông qua các phiên chợ, doanh nghiệp sản xuất cũng như phân phối hàng trong nước ngày càng nắm vững hơn tâm lý tiêu dùng của người dân; nhất là nhận rõ trách nhiệm của mình trong việc sản xuất hàng hóa Việt Nam và phân phối đến các vùng nông thôn qua các phiên chợ hàng Việt, các hội chợ thương mại triển lãm, bán hàng khuyến mãi. Nhờ đó, người tiêu dùng đã từng bước tin tưởng hơn về chất lượng và giá cả sản phẩm của doanh nghiệp trong nước .

Thông tin từ thường trực Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, sự nỗ lực của doanh nghiệp trong năm 2013 khi hưởng ứng cuộc vận động đã đem lại doanh số bán hàng tăng từ 10 - 50%. Việc tiêu dùng hàng Việt của người dân Đà Nẵng cũng đã góp phần quan trọng đưa tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng thành phố 6 tháng đầu năm 2014 ước đạt trên 39.000 tỷ đồng, tăng gần 12% so với cùng kỳ 2013. Tín hiệu đó chưa hẳn là khả quan so với mục tiêu đặt ra, nhưng rõ ràng doanh nghiệp, người tiêu dùng, nhà quản lý hoàn toàn có quyền đặt niềm tin vào sự phát triển của hàng Việt trong tương lai.

Bài và ảnh: DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.