Sự phát triển bền vững các đới bờ luôn bị tác động bởi các hoạt động phức tạp của con người và sự tranh đua giữa các ngành kinh tế khác nhau. Cách tiếp cận theo ngành trong phát triển và quy hoạch sử dụng đất trước đây đã không thành công. Vì vậy, quản lý tổng hợp đới bờ (QLTHĐB) là sự thay thế thuyết phục và khả thi.
Sản phẩm từ cá - một trong những nguồn lợi mang lại từ QLTHĐB cho bà con ngư dân Thọ Quang. |
Đới bờ như một tấm thảm được dệt bởi các hệ sinh thái và nguồn tài nguyên đa dạng, giàu có, có tầm quan trọng chiến lược đối với lợi ích kinh tế, xã hội và sự phát triển tất cả các dân tộc. QLTHĐB cung cấp khuôn khổ và công cụ thực thi cho các nhà chính sách, làm kế hoạch và quản lý tài nguyên đương đầu với những thử thách mới của sự phát triển bền vững đới bờ. Và nếu áp dụng đồng bộ, đúng lúc, QLTHĐB sẽ giúp cho việc đầu tư hợp lý, sử dụng lâu bền đới bờ và các hệ tài nguyên thiên nhiên đó.
Khác với các cách thức quy hoạch phát triển khác, QLTHĐB giúp tối ưu hóa các lợi ích kinh tế và xã hội cho việc sử dụng tài nguyên mang lại. Ví dụ như các cửa sông - nơi mà sự phát triển bền vững phụ thuộc vào nguồn tài nguyên ven bờ có khả năng phục hồi, QLTHĐB sẽ giúp quản lý sử dụng đa mục tiêu, duy trì được tính tổng hợp về chức năng quan hệ ven bờ và sự ổn định các nguồn tài nguyên. Hơn nữa, sự tiến triển của QLTHĐB có thể mở ra khả năng giải quyết các vấn đề xuyên biên giới ở mức quốc tế. Ví dụ, các nước thành viên khối ASEAN đã hợp tác trong việc hình thành các sáng kiến khu vực về QLTHĐB thông qua trao đổi thông tin và kinh nghiệm khoa học.
Các dự án thí điểm trong mỗi nước thành viên đó đã cung cấp các mô hình cho việc mở rộng QLTHĐB ở cấp tỉnh và quốc gia, đề cập đến những vấn đề chung như sự cần thiết phải giảm ô nhiễm biển và bảo vệ các sinh cảnh ven bờ, nơi cung cấp các bãi cá chung… Có thể nói, QLTHĐB có thể hỗ trợ giải quyết các vấn đề mang tính quốc gia và quốc tế, ảnh hưởng đến việc sử dụng lâu bền các hệ thống biển và ven bờ.
QLTHĐB là cơ chế quy hoạch và quản lý đón đầu hiệu quả nhất. Tại Việt Nam, nhiều địa phương ven biển cũng đã áp dụng phương thức QLTHĐB và mang lại những kết quả bước đầu đáng kể. Như thành phố Đà Nẵng và các tỉnh Nam Định, Thừa Thiên-Huế, Bà Rịa-Vũng Tàu… dưới sự hỗ trợ của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai thí điểm QLTHĐB. Qua đó, nhận thức của lãnh đạo chính quyền tỉnh, thành phố, các sở, ban, ngành và cả cộng đồng dân cư về QLTHĐB đã nâng lên rõ rệt.
QLTHĐB đã thực sự được khởi động và bước đầu được lồng ghép vào thực tiễn quản lý địa phương. Tuy nhiên, để phát huy các lợi ích và hiệu quả mang lại từ QLTHĐB, việc triển khai các sáng kiến QLTHĐB phải đi theo các trình tự cơ bản từ việc xây dựng nhận thức về giá trị các nguồn tài nguyên ven bờ.
Tiếp đến là tăng cường sự hợp tác giữa các cơ quan chuyên ngành khác nhau, khu vực tư nhân và các nhóm cộng đồng để đạt được các mục đích chung; phát triển các chính sách phối hợp, chiến lược đầu tư, cơ chế tổ chức và các tiêu chuẩn phù hợp để đánh giá việc thực thi; thu hút các bên liên quan ở mọi cấp tại mọi giai đoạn trong xây dựng và thực hiện chương trình QLTHĐB. Đồng thời, xây dựng chương trình nghiên cứu nhằm thu hẹp các lỗ hổng thông tin và tăng cường cơ sở khoa học cho việc quản lý; chủ động và sớm sử dụng các thông tin môi trường, kinh tế và xã hội trong quá trình QLTHĐB có thể làm giảm đáng kể nhu cầu đánh giá tác động môi trường tốn kém về thời gian và tiền của…
QLTHĐB là một phương thức quản lý hiệu quả tài nguyên và môi trường biển và ven biển hướng tới sự phát triển bền vững, đang được đánh giá cao và áp dụng ngày càng rộng rãi trên thế giới và ở Việt Nam. Tuy nhiên, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành và các địa phương trong công tác QLTHĐB để tránh xảy ra những tác động bất lợi về tài nguyên và môi trường liên quan đến những bất cập yếu kém trong công tác quản lý. Đồng thời, Chính phủ cũng cần đề ra một khuôn khổ chính sách, pháp luật thống nhất đối với đới bờ; có cơ chế hợp tác đa ngành trong quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên và môi trường cụ thể để việc QLTHĐB được phát huy tối đa hiệu quả.
Bài và ảnh: THANH TÌNH