.

Ngang nhiên đốn hạ cây ươi trong rừng đặc dụng

.

Mấy ngày qua, nhiều người dân ở thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang đổ xô vào Rừng đặc dụng Bà Nà-Núi Chúa đốn hạ không thương tiếc loài cây ươi để lấy quả bán cho đầu nậu. Trong khi đó, cơ quan chức năng vẫn không có động thái nào ngăn chặn tình trạng này.

Một cây ươi bị đốn hạ nằm trong Rừng đặc dụng Bà Nà-Núi Chúa.  Ảnh: NGỌC ĐOAN
Một cây ươi bị đốn hạ nằm trong Rừng đặc dụng Bà Nà-Núi Chúa. Ảnh: NGỌC ĐOAN

Đua nhau vào rừng tìm ươi

Chiều 18-6, chúng tôi có mặt ở địa bàn thôn Phú Túc, xã Hòa Phú chứng kiến hàng chục người dân liên tục chở những bao ươi to trên quốc lộ 14G về nhà cất giấu. Theo chân một nhóm chở quả ươi, chúng tôi đến trước cổng làng du lịch Tống Cói thuộc khu du lịch Hòa Phú Thành, ở thôn Phú Túc. Lúc này, một nhóm  4 người khai thác quả ươi mới từ Rừng đặc dụng Bà Nà-Núi Chúa về, ngồi nghỉ chân uống nước trong quán nước ven đường. Thấy những quả ươi khô, quả già màu sẫm, quả xanh non chất đầy trong bao tải, chúng tôi hỏi giá bao nhiêu 1kg. Một phụ nữ nói: Ươi khô thì giá 250.000 đồng/kg, còn loại già, loại xanh giá rẻ hơn một chút.

Ươi ở đâu mà có cả quả xanh lẫn quả chín nhiều vậy? Trả lời câu hỏi này, một người đàn ông khoảng 40 tuổi trong nhóm này chỉ tay về khu rừng đối diện Làng du lịch Trống Cói bảo: Cả buổi sáng chúng tôi đi khai thác trên đó mới được chừng này. Thấy một thanh niên đang cột một bao tải ươi xanh bên vệ đường chuẩn bị đưa lên xe máy, người đàn ông này nói tiếp: “Ông đó dùng cưa lốc hạ cả cây nên mới hái được nhiều như rứa”. Chạy xe lên Dốc Kiền cách đó một đoạn, chúng tôi cũng phát hiện có hàng chục thanh niên người dân tộc Cơtu khệ nệ khiêng những bao ươi mới khai thác từ rừng đi ra để vận chuyển về.

Quay lại quán nước đã trò chuyện với nhóm người trước đó để tìm hiểu khu vực người dân khai thác ươi, người đàn ông chủ quán nước không ngần ngại nói ngay: Các anh chịu khó lội rừng khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ, qua khỏi đồi keo lá tràm là đến ngay rừng đặc dụng và sẽ thấy cảnh đốn hạ cây ươi hàng loạt. Theo lời chỉ dẫn, chúng tôi quyết định lên hiện trường để tận mắt chứng kiến cảnh những cây ươi bị đón hạ. Trong khi dò dẫm tìm đường lên rừng, chúng tôi bắt gặp 3 người đàn ông khệ nệ vác những bao ươi còn xanh mướt đi xuống. Khoảng 15 giờ, khi chúng tôi leo lên đến khu vực rừng đặc dụng, nghe tiếng máy cưa liên tục rít lên từng hồi. Và dường như phát hiện có người lạ, tiếng máy cưa im bặt. Quan sát trong rừng rậm, um tùm lau lách, chúng tôi phát hiện có hàng chục cây ươi to bị đốn hạ nằm la liệt.  

Trong lúc chúng tôi quan sát tìm cách ghi hình, thì xuất hiện một thanh niên tay cầm rựa đi lại chào hỏi. Nghe chúng tôi hỏi, người ta đốn hạ cây để lấy quả như thế không bị cơ quan chức năng bắt à? Thanh niên này nhoẻn miệng cười, rồi nói: Mấy ngày nay đi phát rừng, tôi chứng kiến cảnh gần cả chục người mang cưa vào rừng hạ cây ươi lấy quả. Hết cánh rừng này, rồi họ đi sang cánh rừng khác, nhưng có ai bắt bớ gì đâu. Mà cũng dễ gì bắt được, bởi đường rừng trăm lối, chỉ cần thấy bóng lực lượng kiểm lâm, họ bỏ chạy ngay.

Sẽ kiểm tra, ngăn chặn

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết khu rừng đối diện cổng Làng du lịch Tống Cói thuộc sự quản lý của Ban quản lý Rừng đặc dụng Bà Nà-Núi Chúa. Lúc 16 giờ 30 cùng ngày, chúng tôi tìm đến Trạm quản lý bảo vệ rừng Phú Túc (thuộc Ban quản lý Rừng đặc dụng Bà Nà-Núi Chúa) đóng ở ngay cầu Ngầm Đôi, thì trạm này đóng cửa không có người. Liên lạc điện thoại với ông Xuyên, Trạm trưởng Trạm quản lý bảo vệ rừng Phú Túc, thì được ông Xuyên cho biết đang đi kiểm tra tình hình người dân khai thác quả ươi ở khu vực Dốc Kiền. Khi nghe chúng tôi thắc mắc về sự việc người dân đốn hạ cây ươi trong rừng đặc dụng để lấy quả, sao không ngăn chặn, thì ông Xuyên nói là lực lượng mỏng không thể kiểm tra hết.

Ông Đặng Phương Trung, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Bà Nà-Núi Chúa cho biết, do ở khu vực xã Hòa Ninh, mấy ngày nay người dân cũng đổ xô vào rừng khai thác quả ươi, nên Hạt Kiểm lâm Rừng đặc dụng Bà Nà-Núi Chúa đã huy động hết lực lượng đến chốt chặn. Về tình trạng khai thác, đốn hạ cây ươi khai thác quả ở Rừng đặc dụng Bà Nà-Núi Chúa, sau khi nhận được thông tin, Hạt đã báo cho Ban quản lý Rừng đặc dụng Bà Nà-Núi Chúa để có hướng phối hợp, xử lý. “Ngày mai chúng tôi sẽ đưa lực lượng lên Phú Túc để kiểm tra, ngăn chặn tình trạng này”, ông Trung nói thêm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Lương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm thành phố Đà Nẵng cho biết đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm Hòa Vang phối hợp với Hạt Kiểm lâm Rừng đặc dụng Bà Nà-Núi Chúa vào cuộc kiểm tra, xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm.

Cây ươi, còn có các tên gọi khác như đười ươi, lười ươi, cây thạch. Theo y học cổ truyền, đười ươi có vị ngọt, tính mát, thông độc, đi vào kinh phế, tác dụng làm trong tiếng. Trái đười ươi dùng chủ trị trong các trường hợp bị đau họng, ho khan, chảy máu cam, khàn tiếng, mất tiếng, họng sưng đỏ và đau. Cách dùng thường là ngâm trái vào nước chín cho nở ra rồi dùng; bài thuốc kinh nghiệm được dùng chữa ho, khan tiếng là ngâm trái đười ươi vào nước sôi, uống thay trà trong ngày. Trong dùng chữa bệnh, các nhà chuyên môn cho rằng, cây đười ươi trồng ở Việt Nam là có công dụng tốt nhất.

NGỌC ĐOAN - ĐẮC MẠNH

;
.
.
.
.
.