.

Nỗ lực xử lý nợ xấu

.

Từ đầu năm 2014 đến nay, để hạn chế nợ xấu, các ngân hàng thương mại đã siết chặt quy định cho vay; đồng thời ngành ngân hàng tích cực phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý hiệu quả nợ xấu.

Siết chặt quy định cho vay tuy hạn chế tăng trưởng tín dụng nhưng sẽ hạn chế nợ xấu.
Siết chặt quy định cho vay tuy hạn chế tăng trưởng tín dụng nhưng sẽ hạn chế nợ xấu.

Nói về nguyên nhân nợ xấu, một giảng viên chuyên ngành Tài chính - ngân hàng Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) cho biết, việc thiếu kiểm soát các hoạt động cho vay chạy theo lãi suất cao và tập trung dư nợ quá mức vào nhóm đối tượng hẹp đầu tư đa ngành hoặc đầu cơ quá mức trong một số lĩnh vực đầu tư rủi ro và nhạy cảm cao, sai biệt với nhu cầu thực của thị trường là nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng nợ xấu.

Việc để tăng nợ xấu và việc giải quyết chậm là một trong những gánh nặng cho ngành ngân hàng cũng như doanh nghiệp. Bởi ngân hàng sẽ hạn chế thanh khoản, còn doanh nghiệp thì khó tiếp cận vốn vay, thậm chí rơi vào tình trạng phá sản vì phải bán tài sản để trả nợ ngân hàng.

Để ngăn chặn nợ xấu, ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh thành phố Đà Nẵng cho rằng, phía ngân hàng cần phải thận trọng trong việc cho vay. Hiện tại, tất cả các doanh nghiệp đến vay ngân hàng đều thế chấp bằng nguồn bất động sản. “Bất động sản đang trong quá trình “đóng băng”, không còn hấp dẫn trên thị trường, vì vậy khi thẩm định giá phải cẩn trọng và phù hợp với từng thời điểm của thị trường. Bên cạnh đó, phải tìm hiểu kỹ doanh nghiệp, nhất là về phương án sản xuất kinh doanh, bảo đảm đầu ra, đầu vào”, ông Võ Minh nói.

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh thành phố Đà Nẵng, từ đầu năm 2014 đến nay, để hạn chế nợ xấu, các ngân hàng thương mại đã siết chặt quy định cho vay. Nhiều ngân hàng đã đưa ra nhiều gói tín dụng từ 3.000 đến 50.000 tỷ đồng. Song, chỉ ưu tiên những doanh nghiệp được đánh giá tốt nên tăng trưởng tín dụng cho vay vẫn ở mức thấp, nhiều ngân hàng còn ở mức âm. Tuy đầu ra của thanh khoản hạn chế như vậy, song nợ xấu toàn ngành chỉ còn 1,96%, giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2013.

Nhằm xử lý hiệu quả nợ xấu, ngành ngân hàng đã phối hợp tích cực với Cục Thi hành án dân sự (THADS) thành phố Đà Nẵng. Tính đến tháng 3-2014, Cục THADS thành phố đã thụ lý 395 vụ việc liên quan đến nợ xấu và đã tổ chức thi hành xong 82 vụ việc, 313 vụ việc đang thi hành dở dang. Tổng số tiền thụ lý gần 800 tỷ đồng, gần 300.000 chỉ vàng, đã thu hơn 200 tỷ đồng. Lãnh đạo Cục THADS thành phố Đà Nẵng cho biết, trong quá trình thi hành án, ngành ngân hàng và cơ quan thi hành án đã tích cực vận động người phải thi hành giao tài sản kê biên, phát mãi tài sản. Một số ngân hàng ưu tiên trả nợ gốc trước, tạo điều kiện để doanh nghiệp trả dần phần còn lại.

Tuy nhiên, hầu hết tài sản thế chấp cho vay vốn ngân hàng bằng bất động sản; trong tình hình hiện nay thì khi kê biên tài sản là bất động sản không bán được, có tài sản phải hạ giá nhiều lần mà vẫn không ai mua. Cũng có trường hợp tài sản thế chấp là nhà ở chung của nhiều người nên trong quá trình cưỡng chế gặp khó khăn; khi cưỡng chế, gia đình họ không có nơi nào để ở. “Cũng có một số tài sản thế chấp là động sản như phương tiện giao thông. Khi ngân hàng yêu cầu thi hành án thì không xác định được phương tiện này đang ở đâu để cơ quan thi hành án kê biên, xử lý”, một cán bộ THADS cho biết.

Chính vì những lý do nêu trên nên việc thu lại nợ xấu thời gian qua gặp không ít khó khăn và chưa đạt kết quả như mong muốn.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.