ĐNĐT - “Tái cơ cấu kinh tế (TCC) gắn với việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo lộ trình và bước đi phù hợp để đến năm 2020, cơ bản hình thành mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, bảo đảm chất lượng tăng trưởng xanh và bền vững nhằm xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, một trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả miền Trung”.
Quang cảnh hội thảo |
Đây là mục tiêu chính được các chuyên gia hàng đầu trong nước, nhà khoa học, nhà quản lý, hiệp hội doanh nghiệp… đề cập tại hội thảo “Tái cơ cấu kinh tế thành phố Đà Nẵng đến năm 2020” trên tinh thần đóng góp, phản biện nhằm hoàn thiện Đề án Tái cơ cấu kinh tế thành phố Đà Nẵng đến năm 2020.
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Nguyễn Xuân Thắng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí; Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng BCĐ Đề án Tái cơ cấu thành phố Phùng Tấn Viết đồng chủ trì hội thảo.
Tìm giải pháp cho những ngành thế mạnh
Trong phát biểu đề dẫn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng Nguyễn Phú Thái đặt vấn đề: “Từ khi trở thành thành phố trực thuộc TW, Đà Nẵng luôn duy trì được nhịp độ phát triển kinh tế khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Các ngành sản xuất và dịch vụ có tốc độ tăng trưởng cao, thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh. Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu đạt được, kinh tế thành phố phát triển chưa thực sự vững chắc, quy mô nhỏ, chất lượng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế; vai trò trung tâm, sức lan tỏa, lôi kéo các tỉnh miền Trung - Tây nguyên còn hạn chế…”.
Đây có thể coi là lý do cấp bách để xây dựng Đề án TCC kinh tế thành phố Đà Nẵng đến năm 2020. Đề dẫn cũng cho thấy 5 nội dung cơ bản để thực hiện TCC kinh tế thành phố đến năm 2020 gồm: TCC đầu tư, trọng tâm là đầu tư công; TCC doanh nghiệp; TCC ngành; TCC nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế thành phố; TCC thị trường.
Ngành Công thương xác định trọng tâm của công nghiệp (CN) thành phố là tạo chuyển biến căn bản, đột phá về chất lượng tăng trưởng và theo hướng tăng trưởng xanh. Ưu tiên phát triển mạnh CN - công nghệ cao, CN hỗ trợ, các sản phẩm CN có hàm lượng khoa học công nghệ, giá trị gia tăng cao, có hiệu quả cùng sức cạnh tranh gắn với mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị. Ttrong đó, tập trung vào 5 nhóm ngành chính gồm: CN điện tử, CNTT-viễn thông, CN cơ khí và lắp ráp ô tô, CN chế biến thực phẩm - đồ uống, CN hóa chất, cao su, nhựa, CN dệt may - da giày.
Đề xuất giải pháp TCC các ngành dịch vụ du lịch, ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL nêu quan điểm: Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có tính liên ngành, liên vùng. Vì vậy, việc đầu tư, phát triển các ngành dịch vụ sao cho phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm là hết sức cần thiết.
Đối với ngành nông nghiệp, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định: Nhiệm vụ trọng tâm của TCC là điều chỉnh và nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp hiện có. Đồng thời, tìm kiếm các sản phẩm nông nghiệp mới phù hợp, ứng dụng công nghệ cao, có thị trường tiêu thụ ổn định. Bên cạnh mục tiêu phát triển KT-XH thì thực hiện chương trình nông thôn mới cũng được xem là một trong những mục tiêu chính của quá trình tái cơ cấu nông nghiệp Đà Nẵng.
Những góc nhìn đa chiều
TS. Trần Du Lịch (chuyên gia kinh tế) chỉ ra cách tiếp cận của hàng loạt vấn đề. Ông nói: “TCC là cơ cấu lại. Tại sao phải làm như vậy. Bây giờ hãy xem Đà Nẵng trên quy hoạch có cái gì chệch hướng trong TCC thì cơ cấu lại. Chúng ta phải tạo được điểm nhấn trong đề án tái cấu trúc chứ không nên dàn trải. Từ nay đến 2020 cần tái cái gì, Đà Nẵng nên đặt ra tầm nhìn và phân kỳ cho phù hợp”. Ông Lịch đánh giá Đà Nẵng làm được rất nhiều việc nhưng nên chú trọng hai điểm gồm: thương hiệu du lịch biển và công nghệ thông tin. Đà Nẵng muốn phát triển cần làm ngay các sản phẩm du lịch như phố đêm.
Chia sẻ những vấn đề mang “tính đột phá”, “tính nâng cấp”, “tính cập nhật”, PGS TS. Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhìn nhận: Đà Nẵng đã định vị được mình trong vai trò trung tâm trong chuỗi phát triển nhưng 10 năm nữa, Đà Nẵng có phải là thành phố thông minh không, là thành phố an toàn không? Đà Nẵng phải khẳng định sự khác biệt mang tính đẳng cấp quốc tế, chứ đừng so với ao làng xung quanh. Đó là tầm nhìn của chính quyền thành phố. Về mặt thể chế, Đà Nẵng phải nhanh chóng xúc tiến chính quyền đô thị. Cái gì mới mẻ bao giờ cũng không được ủng hộ mạnh mẽ lắm nên phải kiên trì theo đuổi.
Với mong muốn phân tích, “mổ xẻ” từng vấn đề cốt lõi để thấy được Đà Nẵng phải làm gì trong thời gian tới, các chuyên gia, đại biểu mang tới nhiều ý tưởng mới. PGS TS. Bùi Quang Bình - Đại học Kinh tế Đà Nẵng cho rằng: Vấn đề nhập cư nên mở ra, bởi chỗ nào người dân muốn đến nhập cư thì chỗ đó mới phát triển. Với những chính sách gợi mở, chính quyền là người định hướng và để doanh nghiệp cùng người dân thực hiện. Cùng với đó là giải pháp thu hút, hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân, tổng công ty lớn trên địa bàn.
Trăn trở với thực trạng nguồn nhân lực chảy về hai đầu đất nước như thời gian qua, PGS.TS Trần Văn Nam (ĐH Đà Nẵng) đề xuất cần ưu tiên thu hút những ngành sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong khi đó, thạc sĩ Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright lại lưu ý đến vấn đề TCC thị trường, trong đó đặc biệt là thị trường trong nước, đang là bài toán phát triển thành phố.
Kết luận tại Hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí nhấn mạnh: Thành phố Đà Nẵng mong muốn tiếp tục nhận được sự đóng góp, hỗ trợ từ các chuyên gia về những đề xuất, phương án, biện pháp triển khai cụ thể để Ban Chỉ đạo đề án tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện. Từ những kết quả đạt được tại Hội thảo, BCĐ đề án tiếp thu bổ sung, hoàn thiện để việc triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu kinh tế thành phố đến năm 2020 sớm đi vào thực tế, góp phần cơ bản hình thành mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, bảo đảm chất lượng tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của thành phố Đà Nẵng.
Bài và ảnh: Duyên Anh