ĐNĐT - Sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái đã trở thành vấn nạn trên phạm vi toàn cầu từ nhiều năm nay, gây nhức nhối không chỉ ở các nước kém phát triển hoặc đang phát triển, mà ngay cả ở các quốc gia phát triển như: Hoa Kỳ, Nhật Bản và châu Âu. Ở Việt Nam, hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả có xu hướng gia tăng.
Có thể dễ nhận thấy, nhiều mặt hàng bán chạy trên thị trường thì lập tức xuất hiện hàng giả, hàng nhái kém chất lượng, độc hại và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; trong đó, chủ yếu xuất từ Trung Quốc.
Cái chết rình rập
Xấp xỉ 1,3 tỉ dân cùng với nền kinh tế đứng thứ hai thế giới - Trung Quốc đã và luôn là một thị trường hấp dẫn cho các quốc gia và vùng lãnh thổ khác, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, khiến thế giới phát hoảng.
Peter W.Navarro, Giáo sư Kinh tế và Chính sách Công cộng tại Đại học California, Irvine đã có những phân tích sắc bén về Trung Quốc trong cuốn sách Death by China (chết dưới tay Trung Quốc), được coi là một bài phân tích cặn kẽ về những hiểm họa đến từ Trung Quốc trên mọi phương diện của mỗi quốc gia mà Trung Quốc hướng đến.
Bê bối về hàng hóa tiêu dùng chất lượng kém, hàng dỏm, chứa nhiều chất độc hại của Trung Quốc làm nhiễu loạn thị trường thế giới là một trong các nội dung mà cuốn sách đề cập đến. Với những hiểm họa này, nhiều nước đã đồng loạt tẩy chay hàng Trung Quốc để bảo vệ chính quốc gia của mình.
Mối đe dọa nền kinh tế Việt Nam
Khi mà công tác quản lý của các ban ngành còn nhiều bất cập và nhiều kẽ hở, cộng tâm lý của người tiêu dùng, thích hàng “ngon, bổ, rẻ”; thì đó là cơ sở để hàng giả, hàng nhái, hàng độc hại xâm nhập vào thị trường Việt Nam. Những cái lợi thì chưa ai đánh giá được nhưng những cái hại thì quá nhiều.
Thị trường bị nhiễu loạn bởi sự xuất hiện ồ ạt của nhiều mặt hàng, sản phẩm không rõ xuất xứ, không có thông tin sản xuất nhưng giá rẻ hơn so với các mặt hàng chất lượng được sản xuất trong nước. Các doanh nghiệp Việt Nam điêu đứng với hàng giả, hàng nhái, hàng không nhãn mác trôi nổi trên thị trường. Nhiều chuyên gia và các tổ chức đã lên tiếng cảnh báo về những chất độc hại, gây nguy hiểm cho con người có trong các mặt hàng thực phẩm, quần áo, hàng tiêu dùng, đồ điện tử, đồ chơi cho trẻ em chủ yếu có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc.
Chúng ta nên làm gì?
Hiện nay rất nhiều mặt hàng Việt Nam thắng thế trước hàng Trung Quốc trên sân nhà, như: sữa, gạo, bánh kẹo, thủy sản, xe máy và một số mặt hàng quan trọng khác như dày dép, quần áo, đồ nội thất... Đó đang là những điểm cộng cho các bước tiến quan trọng trong việc đưa sản phẩm Việt Nam áp đảo thị trường tiêu dùng trong nước và thay đổi suy nghĩ của người tiêu dùng. Thị trường Việt Nam đang dần định hướng cho người tiêu dùng sử dụng hàng Việt Nam có thương hiệu, đó là cách tốt để không bị hàng giả, hàng nhái đánh lừa.
Trong năm vừa rồi, rất nhiều mặt hàng nội địa được người tiêu dùng ưa chuộng, như: Kinh Đô (ngành hàng thực phẩm); Traphaco (ngành hàng dược phẩm); Chaco (ngành dày dép); Omo (ngành hàng hóa phẩm)…
Hay nói đến ngành dệt may, không thể không nói tới thương hiệu thời trang Khatoco. Người tiêu dùng đang biết đến nhiều nhất là sản phẩm thời trang công sở dành cho nam, không quá cầu kỳ trong thiết kế nhưng lại khác biệt ở chất lượng và tinh tế đến từng chi tiết nhỏ giúp tôn lên nét nam tính sành điệu của người mặc, nên được các đấng mày râu tin dùng. Và còn rất nhiều mặt hàng Việt Nam khác là điểm đến thường xuyên của người tiêu dùng.
Bài và ảnh: Quỳnh Hoa