Ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố, cho biết qua khảo sát trên địa bàn thành phố khoảng 10 ngư dân có ý định đóng tàu cá vỏ thép.
Làm giàu từ biển phải mạnh dạn đầu tư. Trong ảnh: Tàu cá vỏ gỗ gần 1.000CV của ngư dân Đà Nẵng sắp sửa hạ thủy. |
Đủ năng lực đóng tàu vỏ thép cho ngư dân
Những ngày cuối tháng 6, Công ty Bảo Duy tiến hành mở rộng đầu tư thiết bị, máy móc chuẩn bị đóng tàu vỏ thép. Kỹ sư Trần Công Vinh, Tổng Giám đốc Công ty Bảo Duy, cho biết hiện tại công ty đầu tư máy cắt tôn CNC, máy lóc tôn, máy tiện băng dài công nghệ từ Mỹ, Nhật, Hàn Quốc...; mặt bằng có thể đáp ứng đóng 6 tàu một lúc.
Ông Vinh cũng khẳng định, lực lượng kỹ sư, công nhân của công ty có 15-20 năm trong nghề đóng tàu vỏ thép và hầu hết từ Công ty đóng tàu Đà Nẵng chuyển sang. Hiện tại, có nhiều kỹ sư được đào tạo từ Nhật Bản. “Công ty cũng sẽ giảm chi phí mặt bằng 30% cho ngư dân khi đóng tàu vỏ thép và Nhà nước giảm thuế cho thuê mặt bằng cũng như thuế thu nhập thì công ty tiếp tục giảm giá mặt bằng cho ngư dân”, ông Vinh cho biết.
Nói về năng lực đóng tàu vỏ thép cho ngư dân, ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó Giám đốc Sở NN&PTNN thành phố Đà Nẵng khẳng định: “Đà Nẵng đủ năng lực để đóng tàu vỏ thép theo tiêu chuẩn. Hiện tại, thành phố có 6 cơ sở đóng tàu, trong đó có 4 cơ sở đủ năng lực đóng tàu vỏ thép, chưa kể Tổng Công ty Sông Thu mỗi năm có khả năng đóng khoảng 30 chiếc tàu vỏ thép cho ngư dân”.
Tuy nhiên, ông Trần Văn Lĩnh, quyền Chủ tịch Hội Nghề cá thành phố Đà Nẵng, lại trăn trở, việc đóng tàu vỏ thép không thể làm ồ ạt theo kiểu “thấy người ta ăn khoai mình cũng vác mai đi đào”. Đà Nẵng từng có thời kỳ chủ trương đóng tàu lớn để vươn khơi, ngư dân mạnh dạn hưởng ứng. Tuy nhiên, đầu tư không đồng bộ, ngư dân chưa thông thạo luồng cá, tập quán ngư trường, dự báo luồng cá khiến nhiều tàu phá sản, không ít người phải bán nhà bù lỗ. Vì vậy, phải xem xét từng ngành nghề phù hợp để có định hướng cụ thể cho ngư dân.
Cho vay thận trọng, đào tạo kỹ càng
Trong khi đó, ông Võ Minh, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước thành phố Đà Nẵng, cho biết dự thảo nghị định của Chính phủ đã thống nhất mức cho vay đóng tàu vỏ thép từ 85-95% (tùy thuộc vào tàu khai thác hoặc tàu dịch vụ hậu cần). Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ hỗ trợ bảo hiểm thân tàu 70%, ngư dân đóng 30%. Tuy nhiên, theo ông Minh, hiện tại phía ngân hàng đang chờ thông tư và các văn bản hướng dẫn cụ thể của nghị định. Khi có kế hoạch chính thức, ngành ngân hàng sẽ phối hợp với chính quyền thành phố để triển khai. “Việc cho vay sẽ xem xét kỹ lưỡng. Quy trình xét chọn được thực hiện ngay từ cơ sở và chú trọng những ngư dân thực sự có nhu cầu đóng tàu vươn khơi khai thác hải sản, kết hợp với bảo vệ chủ quyền chứ không thể cho vay đại trà”, ông Võ Minh chia sẻ.
Kỹ sư Trần Công Vinh cho rằng, tàu vỏ thép tuy hiện đại, nhưng quá trình vận hành giữa tàu vỏ gỗ và vỏ thép không có gì khác nhau. Quan trọng nhất chính là tiếp thu các công nghệ về bảo quản và công nghệ đánh bắt hải sản, làm sao cho có hiệu quả. Đặc biệt, một con tàu sắt tải trọng 300-400 tấn, ngư cụ nặng hàng tấn, để đánh bắt hiệu quả thì ngư dân cũng cần đầu tư các thiết bị, máy móc hiện đại hơn, trong đó phải có máy cẩu khi kéo lưới lên để giảm bớt sức lao động của con người.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Đỗ Tám cho biết, khi có tàu vỏ thép, ngành thủy sản thành phố sẽ tổ chức các lớp đào tạo lại cho các thuyền trưởng, máy trưởng; đồng thời sẽ tổ chức cho ngư dân tiếp thu các công nghệ hiện đại của tàu, vận dụng trong việc đánh bắt, khai thác cũng như bảo quản hải sản. “Ngư dân chúng ta hầu hết có trình độ thấp, dùng sức lao động là chủ yếu. Khi vận hành một con tàu vỏ thép thì phải biết được các công nghệ, trong đó quan trọng là công nghệ đông lạnh, bảo quản tài sản; đặc biệt là phải biết dùng các hệ thống định vị, ra-đa, hải đồ để dò cá”, ông Nguyễn Đỗ Tám chia sẻ.
Liên kết để chống bị ép giá
Khi có đội tàu cá vỏ thép, sản lượng khai thác hải sản sẽ tăng lên gấp bội. Điều này dễ xảy ra tình trạng được mùa mất giá. Ngư dân Trần Văn Mười (phường Mân Thái, quận Sơn Trà) cho rằng, các ngành chức năng nên quan tâm, tạo điều kiện cho ngư dân về đầu ra, trong đó cần phải liên kết với các doanh nghiệp thu mua ký hợp đồng với ngư dân.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Đỗ Tám cho rằng, Nhà nước đặc biệt quan tâm vấn đề giá cả, nhưng không thể đứng ra bao thu mua cho ngư dân được. Nhà nước chỉ quan tâm, hỗ trợ về mặt chính sách, còn ngư dân mới là người quyết định. “Hải sản là một trong những mặt hàng mau hôi, nhanh thối. Lợi dụng điều này các đầu nậu ép giá ngư dân”, ông Tám cho biết. Bên cạnh đó, việc bị ép giá cũng một phần do lỗi của ngư dân.
Trở về sau chuyến biển dài ngày, nhiều ngư dân muốn bán được hải sản của mình nên tự hạ giá thấp hơn người khác, khiến các đầu nậu lấy cớ ép giá. “Ngư dân cần phải liên kết chặt chẽ với nhau, thống nhất giá cả với nhau khi vào bờ. Thời gian đến ngành thủy sản thành phố sẽ tổ chức lại các tổ đội đoàn kết khai thác đánh bắt trên biển. Các tổ đội phải thay phiên nhau chở hải sản khai thác được vào đất liền để bán, tránh hải sản ùn ùn kéo về bến cùng một lúc trong khi chất lượng bảo quản chúng ta còn hạn chế”, ông Tám khẳng định.
Với sự mong mỏi, quyết tâm của ngư dân kết hợp những nỗ lực từ Chính phủ cũng như chính quyền thành phố, hy vọng thời gian tới, Đà Nẵng sẽ có một đội tàu cá vỏ thép hùng hậu để vươn khơi làm giàu từ biển, đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
- “Trường hợp tàu vỏ thép có công suất từ 800CV trở lên, chủ tàu được vay tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 5%/năm. Trong đó, chủ tàu trả 1%/năm, Ngân sách Nhà nước cấp bù 4%/năm”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn khẳng định. - Khi có đội tàu vỏ thép, việc neo đậu tàu thuyền cũng gặp không ít khó khăn. Ông Nguyễn Đỗ Tám cho biết: “Âu thuyền Thọ Quang hiện tại đang quá tải, bởi đây không chỉ là nơi neo đậu của tàu thuyền Đà Nẵng mà của các tỉnh miền Trung. Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ cũng đã có chủ trương đồng ý mở rộng, nâng cấp âu thuyền thành quy mô của khu vực. Hiện tại chỉ còn chờ tìm mặt bằng”. |
Bài và ảnh: NGỌC PHÚ