ĐNĐT - Đó là ý kiến của hầu hết đại biểu là các nhà đầu tư tham dự Hội nghị công tác xã hội hóa công tác xây dựng và nâng cao hiệu quả quản lý đối với bến xe khách do Bộ GTVT phối hợp với UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức sáng 27-6.
Bến xe phía Nam Đà Nẵng được xây dựng từ mô hình xã hội hóa, nhưng do luồng tuyến chưa được phân bổ hợp lý nên đã “đắp chiếu” suốt 2 năm qua. |
Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, những năm gần đây, công tác xây dựng và quản lý vận hành bến xe trên cả nước có nhiều bước tiến bộ, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.
Tính đến giữa tháng 6-2014, cả nước có 457 bến xe khách, trong đó có 322 bến xe loại 4 trở lên, trung bình mỗi tỉnh, thành có 7 bến xe. Mặc dù vậy, nhìn tổng thể thì cơ sở hạ tầng tại các bến xe còn nhiều hạn chế. Nhiều bến xe đơn thuần là nơi đón và trả khách, thiếu các điều kiện đồng bộ, trong khi các dịch vụ đi kèm hầu như không có.
Đặc biệt, trong công tác xã hội hóa đầu tư xây dựng bến xe, dù đã có chủ trương nhưng vẫn không đem lại kết quả mong muốn. Trong khi đó, công tác quy hoạch rơi vào tình trạng “bánh vẽ”, dẫn đến thiếu thực tế và không triển khai được.
Đánh giá về tình hình này, hầu hết các doanh nghiệp vận tải lẫn đơn vị quản lý bến hiện nay đều cho rằng nguyên nhân cơ bản nhất là do công tác quy hoạch bến xe và tổ chức luồng tuyến hiện nay rất... “tù mù”, dẫn đến nhà đầu tư không có thông tin để đầu tư.
Theo các nhà đầu tư, việc xã hội hóa công tác xây dựng bến xe là một chủ trương đúng đắn và thực tế đã có một số nơi làm rất thành công như Bến xe Trung tâm thành phố Đà Nẵng, Bến xe Nước Ngầm (Hà Nội), Bến xe Phương Trang (Đà Lạt), Bến xe Tân Hà (Lâm Đồng)... Những bến xe này không những đảm bảo tốt việc đưa đón khách, mà đã tiến đến cung cấp các dịch vụ chất lượng cao như: nghỉ qua đêm, giải trí, chăm sóc sức khỏe..., được hành khách rất ủng hộ.
Tuy nhiên, để nhân rộng các mô hình này ra cả nước, rất cần ngành giao thông và các địa phương làm tốt công tác quy hoạch bến xe và luồng tuyến cố định. Bên cạnh đó, phải tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, tránh việc nhiều doanh nghiệp “núp” danh nghĩa xe Open Tour, xe hợp đồng, xe du lịch... lấy hết khách của các doanh nghiệp hoạt động theo tuyến cố định.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng nhắn nhủ các nhà đầu tư, các doanh nghiệp vận tải rằng, dù có hoạt động dưới hình thức gì thì cần tuân thủ theo pháp luật, nhất là đảm bảo trật tự an toàn giao thông nói chung cũng như đảm bảo an toàn cho hành khách nói riêng. Làm sao để phương tiện vận tải đường bộ trở thành lựa chọn hàng đầu của đông đảo người dân.
Trần Luân Sơn