Giá xăng dầu tiếp tục tăng, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống của người dân cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Giá xăng tăng ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và sinh hoạt. |
Người dân bức xúc
Có mặt tại cửa hàng xăng dầu số 4 (125 Trưng Nữ Vương) sau mấy ngày giá xăng tăng, nhân viên tại cửa hàng này cho biết, mọi hoạt động ở đây vẫn diễn ra bình thường, số lượt người đến đổ xăng không có gì khác so với trước. Tuy nhiên, khi trao đổi với một số người dân, họ đều có chung cảm nhận rằng xăng tăng giá ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hằng ngày. Đặc biệt, hiện nay xe gắn máy là phương tiện đi lại chủ yếu của mọi người, vì vậy chi tiêu cho xăng xe sẽ phải nhiều hơn.
Theo ông Kiều Quang Ánh (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê), mặc dù mức tăng của giá xăng không lớn nhưng ảnh hưởng đến nhiều mặt đời sống hằng ngày của người dân. “Gia đình tôi có 5 người, ai cũng di chuyển bằng xe gắn máy. Hai cháu nhỏ mới ra trường đi làm, lương tháng có 2,4 triệu đồng mà tiền xăng đã mất ngót nghét 300.000 đồng/tháng, chiếm gần 15% thu nhập rồi”, ông Ánh nói.
Hành nghề xe thồ gần 20 năm nay, ông Đinh Duy Luận (60 tuổi, ở đường Hoàng Diệu) lo lắng: “Xăng tăng giá thì người dân lao động phổ thông như chúng tôi quá thiệt thòi. Với cái nghề của tôi, xăng tăng bắt buộc phải tăng thêm giá mỗi cuốc xe, ví dụ, tháng trước tôi chở khách từ chợ Mới lên ga tàu chỉ có 20.000 đồng/cuốc, giờ tăng lên 25.000 đồng/cuốc để bù vào tiền xăng nhưng khách không chịu đi. Giá xăng cứ tăng thế này kéo theo vật giá leo thang thì người lao động chúng tôi còn khổ dài dài”.
Doanh nghiệp thiệt đơn, thiệt kép
Giá xăng dầu tăng làm cho chi phí sản xuất cũng tăng theo, kể cả cước phí vận chuyển. Bà L.T.H, chủ cửa hàng đồ gỗ nội thất Quốc Long (đường Ông Ích Khiêm) cho biết: “Giá xăng tăng lên bắt buộc chúng tôi phải tăng chi phí cho việc vận chuyển, trong khi đó do tác động của tình hình kinh tế, thời gian qua thị trường kinh doanh nội thất tại Đà Nẵng đang chững lại nên ảnh hưởng rất lớn đến tình hình kinh doanh của cửa hàng”.
Ông Võ Thành Nhân, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Đà Nẵng cho biết, từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trải qua 10 lần điều chỉnh, trong đó có 5 lần tăng và 5 lần giảm giá, tuy nhiên mức tăng giá vẫn nhiều hơn. Với sự thay đổi liên tục như vậy khiến các doanh nghiệp vận tải taxi lúng túng, không kịp điều chỉnh giá cước cho phù hợp. “Xăng dầu chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu giá thành vận tải taxi, vì vậy giá xăng dầu tăng ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Mỗi lần xăng tăng giá chúng tôi lại phải suy tính đến việc điều chỉnh giá cước taxi, nhưng đây là việc làm tốn kém và không phải chỉ trong một sớm một chiều có thể giải quyết ngay được. Trong khi thực tế, nếu cứ tăng giá cước vì giá xăng tăng thì chúng tôi sẽ mất khách hàng”.
Cũng theo ông Nhân, hiện nay toàn thành phố Đà Nẵng có khoảng 1.300 xe taxi của các hãng, ước tính từ đầu năm đến nay chi phí cho xăng dầu đội lên do giá xăng dầu tăng là khoảng 3 tỷ đồng. “Chúng tôi cũng đã thực hiện mọi giải pháp từ giảm chi phí, nâng hệ số kilomet có khách… nhưng vẫn không ăn thua. Nếu Nhà nước không có giải pháp điều chỉnh và bình ổn giá xăng dầu thì đây thực sự là sức ép lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp vận tải taxi”, ông Nhân nói.
Bài và ảnh: KHÁNH HÒA