.
Đi tìm mô hình khu công nghiệp mới

Bài 2: Công nghệ lạc hậu và nỗi lo người lao động

.

Theo đánh giá của các chuyên gia về khoa học công nghệ, công nghệ mà các DN đem vào các KCN ở Đà Nẵng đều đã lạc hậu, thực chất là công nghệ chuẩn bị thải loại ở chính hãng, hoặc công ty mẹ. Rất ít DN đầu tư các dây chuyền sản xuất theo công nghệ tự động hóa, ngoại trừ Công ty TNHH Nhà máy bia Việt Nam VBL có dây chuyền sản xuất tiên tiến.

May mặc là một trong những ngành được đầu tư nhiều, kể cả DN có vốn đầu tư nước ngoài vì suất đầu tư nhỏ và công nghệ đơn giản.  Ảnh: Đ.THỊNH
May mặc là một trong những ngành được đầu tư nhiều, kể cả DN có vốn đầu tư nước ngoài vì suất đầu tư nhỏ và công nghệ đơn giản. Ảnh: Đ.THỊNH

Vì vậy, suất đầu tư của DN để có một việc làm cho người lao động (NLĐ) rất thấp, thường là chỉ vài ngàn USD cho một việc làm mới, thậm chí thấp hơn rất nhiều như các ngành may mặc, sản xuất đồ chơi. Với trình độ công nghệ như vậy, NLĐ hầu như không tiếp cận được công nghệ mới. Khi DN rút ra khỏi các KCN, hoặc tiếp tục được cấp giấy phép đầu tư với công nghệ mới, thì những lao động này chắc chắn sẽ bị sa thải.

Nặng về gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp

Đà Nẵng được đánh giá là một trong những điểm đến hấp dẫn về đầu tư, thu hút vốn trong và ngoài nước. Nhưng sản xuất của không ít DN tại các KCN lại nặng về gia công, do đó lợi nhuận cũng không đáng kể mặc dù hằng năm, các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã thực hiện được trên 3.000 tỷ đồng giá trị sản lượng hàng hóa, xuất khẩu đạt trên 400 triệu USD và đưa sang các thị trường lớn như Mỹ, các nước EU, Đông Bắc Á. Thế nhưng, với vai trò “nâng đỡ” thì các DN FDI chưa hỗ trợ gì nhiều cho các DN trong nước từ kỹ năng quản lý đến chuyển giao công nghệ.

Trong một khảo sát gần đây cho thấy, sản phẩm hàng hóa do DN Đà Nẵng sản xuất ra có khoảng 24,61% tiêu thụ ở thị trường nước ngoài, còn lại là trong nước. Nhưng điều đáng quan tâm hơn cả là, cho đến bây giờ Đà Nẵng vẫn chưa có mặt hàng chủ lực từ tiêu dùng đến thiết bị, máy móc. Nhìn lại bức tranh của ngành công nghiệp thành phố, ông Phan Văn Kha, Giám đốc Sở Công thương thành phố, thừa nhận: “Cơ cấu công nghiệp của chúng ta vẫn còn nặng về gia công lắp ráp, chế biến thô, công nghiệp hỗ trợ nhỏ bé. Thu hút đầu tư nước ngoài vào các KCN phần lớn vẫn là các nhóm ngành gia công, lắp ráp, có giá trị gia tăng thấp, ít chuyển giao công nghệ… Đây là nguyên nhân khiến giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp còn thấp. Ngành công nghiệp nhìn chung phát triển thiếu vững chắc, kém khả năng cạnh tranh và dễ bị tổn thương bởi những thách thức đến từ hội nhập kinh tế”.

Trong một báo cáo của Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Đà Nẵng đã thừa nhận: “Từ chính sách thu hút đầu tư thông thoáng của thành phố đã tạo được môi trường đầu tư hấp dẫn, nhưng thiếu điều kiện chọn lọc nên không ít nhà đầu tư trong nước (nhất là các dự án di dời từ nội thành vào KCN) có thiết bị công nghệ lạc hậu, không có năng lực tài chính, không có thị trường mà vẫn lập dự án xin thuê đất, cấp chứng nhận đầu tư thực chất là để giữ đất, chờ cơ hội chuyển nhượng kiếm lời. Từ đó dẫn đến ngành nghề thu hút đầu tư chưa tạo ra được sản phẩm chủ lực phù hợp với tiềm năng thế mạnh của thành phố và phát sinh nhiều vấn đề ô nhiễm môi trường khó giải quyết”.

Hầu hết các DN chỉ đầu tư, xây dựng một số công đoạn nhất định của cả dây chuyền sản xuất; trong đó, chủ yếu là đầu tư công đoạn cuối là lắp ráp, hoặc hoàn thiện sản phẩm, thậm chí là chỉ hoàn thiện một chi tiết của sản phẩm (chẳng hạn như mô-tơ điện, tai nghe điện thoại…). Với trình độ công nghệ như vậy, quá trình sản xuất của NLĐ chỉ thực hiện bằng tay, hoặc bán cơ khí, tức là các DN đã đơn giản hóa một cách tối đa quá trình sản xuất, đến mức chỉ còn là lao động giản đơn.

Đọc qua các nội dung của các thông báo tuyển dụng thì ngoài các thông tin bắt buộc như lý lịch trích ngang, địa chỉ, điện thoại liên hệ… thì tiêu chí mà nhà tuyển dụng yêu cầu đối với NLĐ là chỉ cần có sức khỏe và trình độ văn hóa từ lớp 9 đến hết lớp 12. Nhìn chung, trình độ văn hóa của NLĐ trong các KCN hiện có nhiều cấp độ khác nhau; nhưng điều đáng quan tâm là họ không được đào tạo hoặc đào tạo không đúng với nhu cầu của DN.

Ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng phòng Lao động, Ban quản lý các KCN và chế xuất Đà Nẵng, cho biết: Có tới 30% lao động đang làm việc tại các KCN có trình độ văn hóa đến hết lớp 9, số còn lại từ lớp 12 trở lên. Thời gian gần đây, có nhiều cử nhân được đào tạo ở các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn xin vào làm công nhân với bản lý lịch chỉ học hết lớp 12. Có DN có gần 1.000 lao động tốt nghiệp đại học, cao đẳng đang làm công nhân trong DN. Nhưng, những cử nhân này chỉ làm các công việc giản đơn như thực hiện các thao tác lắp ráp thủ công.

Thiếu thốn đời sống văn hóa, tinh thần

Bên cạnh vấn đề tay nghề, theo tính toán của cơ quan quản lý Nhà nước, với hơn 60.000 công nhân lao động tại các KCN, thành phố Đà Nẵng cần đến khoảng 280.000m2 nhà ở tập trung. Những năm trước đây, thành phố đã đưa ra nhiều chủ trương xã hội hóa xây dựng khu ký túc xá cho công nhân thông qua việc hỗ trợ về đất cho nhà đầu tư.

Song, nhiều dự án nhà ở công nhân đã không thực hiện được. Cụ thể như trước đây UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 6269/QĐ-UBND phê duyệt dự án nhà ở công nhân và NLĐ các KCN tại 3 địa điểm là KCN Hòa Cầm với diện tích 4.848m2, khu tái định cư Hòa Hiệp 4 với 42.874m2 và khu đất nằm trên đường Hòa Thọ-Hòa Nhơn với diện tích 18.811m2. Tổng mức đầu tư cho 3 dự án trên 1.200 tỷ đồng (thời điểm phê duyệt), trong đó vốn Trung ương 80%, thành phố 20%. Nhưng cho đến nay, theo báo cáo của Sở Xây dựng Đà Nẵng, thành phố chưa có dự án nhà ở công nhân nào đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Đây là điều đáng buồn cho một thành phố có thế mạnh phát triển công nghiệp.

Một thời gian dài, việc đầu tư phát triển KCN chỉ tập trung vào xây dựng hạ tầng, kêu gọi đầu tư mà chưa quan tâm đến thiết chế văn hóa phục vụ đời sống sinh hoạt của NLĐ trong KCN. Các vấn đề về đời sống của NLĐ cũng còn bỏ ngỏ như chưa có KCN nào xây dựng được nhà văn hóa dành riêng cho công nhân; một số KCN chỉ mới đầu tư, xây dựng được một phòng họp nhỏ của Công đoàn, trong đó trang bị một tủ sách pháp luật với số lượng sách hạn chế, nghèo nàn. Các hoạt động văn hóa, thể thao thường phải thuê hoặc mượn địa điểm của nhà văn hóa phường, nhà văn hóa của các trường học. Chỉ có Công ty TNHH Điện tử Foster dành một phần diện tích xây dựng cơ sở phục vụ bữa ăn ca tự chọn hay mở siêu thị mini bán các mặt hàng thiết yếu với giá rẻ hơn 10% so với thị trường cho công nhân.

Ông Nishiyama Atsumi, Tổng Giám đốc Công ty Daiku (KCN Hòa Khánh), cho biết: “Về thủ tục hành chính trong cấp phép đầu tư, chính quyền Đà Nẵng đã làm rất tốt khiến DN hài lòng. Điều kiện thuận lợi về mặt tự nhiên của Đà Nẵng đã giúp cho công ty thu lại lợi nhuận trong thời gian ngắn.

Thế nhưng, khi đánh giá hiệu quả làm ăn của DN, không chỉ căn cứ vào sản lượng, doanh thu hằng năm, mà còn phải căn cứ vào đời sống, điều kiện làm việc của công nhân. Đối với các DN Nhật Bản hay các nhà đầu tư nước ngoài vào Đà Nẵng, họ luôn tính tới những chính sách bảo đảm đời sống lâu dài cho NLĐ”. Qua đây thấy rõ việc xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội các KCN ở Đà Nẵng chưa được quan tâm đúng mức, NLĐ còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, chưa bảo đảm tái sản xuất sức lao động, dẫn đến năng suất lao động thấp, thu nhập thấp.

    (Còn nữa)
Xuân Duyên - Đức Thịnh
 

;
.
.
.
.
.