Ở Đà Nẵng, để nâng cao hiệu quả hoạt động ở các KCN, theo chúng tôi, cần phải tính tới các phương án sau: Điều chỉnh quy hoạch, nâng cấp các KCN cũ; quy hoạch mới các KCN theo hướng hiện đại - mô hình khu công nghiệp-đô thị (KCN-ĐT).
Cần sớm tìm kiếm mô hình mới cho khu công nghiệp ở Đà Nẵng. TRONG ẢNH: Một góc hạ tầng KCN Hòa Cầm vừa hoàn chỉnh đầu tư. Ảnh tư liệu |
Đà Nẵng hiện có 6 KCN và hầu hết các KCN đều sử dụng gần hết diện tích quy hoạch. Từ đó dẫn đến diện tích đất có thể cho thuê còn lại rất ít, các lô đất trống có diện tích nhỏ nên các nhà đầu tư có nhu cầu sử dụng diện tích đất lớn khó đáp ứng. Một thời gian dài các KCN thường bị điều chỉnh quy hoạch khiến diện tích và phạm vi KCN thay đổi.
Giữa KCN và khu vực lân cận không có hàng rào ranh giới rõ ràng (trừ KCN Đà Nẵng) và khoảng cách giữa KCN và khu dân cư không bảo đảm. Mặt khác, trong KCN lại có thêm đường giao thông dân sinh dùng chung với KCN nên an toàn giao thông, trật tự trong KCN không bảo đảm. Trong quy hoạch phát triển KCN trước đây chỉ chú trọng cho thuê lại đất và đầu tư hạ tầng phục vụ trực tiếp cho dự án, chưa chú trọng đầu tư các hạng mục về dịch vụ hỗ trợ công nghiệp, thiết chế văn hóa và phúc lợi xã hội như nhà ở công nhân, trung tâm y tế…
Từ những đặc điểm trên, để có được KCN hoàn chỉnh đáp ứng nhu cầu NLĐ, cần phải quy hoạch lại các KCN đã có.
Trước hết, trong nội bộ các KCN cần khắc phục tình trạng “da báo” bằng cách sắp xếp lại vị trí các DN để tạo ra quỹ đất dôi dư xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội KCN phục vụ NLĐ. Các nhà đầu tư KCN tìm cách huy động vốn (kể cả nguồn vốn xã hội hóa) đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội như nhà ở, nhà trẻ, trường mẫu giáo, trạm y tế, nhà văn hóa, chợ, siêu thị mini… phục vụ NLĐ trong KCN. Đối với các KCN không còn khả năng khai thác quỹ đất tại chỗ thì phải mở rộng quy hoạch ra ngoài hàng rào KCN, tạo thêm diện tích xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội. Điều này có thuận lợi là làm theo quy hoạch mới, nhưng có khó khăn là phải tiến hành giải tỏa đền bù, nếu phía ngoài hàng rào là khu dân cư.
Ông Irino Yoshikatsu, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chef Meat Việt Nam (KCN Đà Nẵng), cho biết: “Chúng tôi đã đi khảo sát ở các nước như Singapore, Malaysia, Trung Quốc; ở Việt Nam có Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… Sau khi tìm hiểu, nghiên cứu, chúng tôi chọn Đà Nẵng để đầu tư vì nhận thấy địa phương này có nhiều điều kiện thuận lợi như có cảng biển, sân bay quốc tế, lại là một trong 5 thành phố lớn của Việt Nam, có chính sách phù hợp với nhà đầu tư. Tất nhiên, nói như thế chưa phải đã tốt hoàn toàn. Đâu đó còn những hạn chế cần phải khắc phục để hoàn thiện các KCN, nhất là hạ tầng xã hội”.
Như vậy, có thể thấy rằng, các KCN cũ đang tồn tại những bất cập về kết cấu hạ tầng xã hội, dẫn đến tình trạng có tới 80% công nhân phải tự túc tìm chỗ ăn, ở bên ngoài KCN với chi phí cao, di chuyển nhiều, điều kiện sinh hoạt khó khăn. Điều đó cũng có nghĩa rằng, các KCN cũ không thu hút NLĐ đến sinh sống, gắn bó lâu dài với KCN; họ chỉ làm việc trong một thời gian nào đó, tích lũy chút ít vốn liếng rồi trở về quê hoặc ra khỏi KCN tìm kiếm việc làm khác. Tình trạng này diễn ra thường xuyên sẽ tác động tiêu cực đến việc xây dựng đội ngũ công nhân của tổ chức Công đoàn. Từ hệ quả đó, thiết nghĩ chính quyền và ngành chức năng sớm có kế hoạch cải tạo, nâng cấp các KCN cũ nhằm phục vụ tốt hơn đời sống NLĐ trong KCN.
Quy hoạch KCN-ĐT là mô hình mới đang được các nhà đầu tư hướng đến. Mô hình này có những tiêu chí cụ thể như khi quy hoạch KCN phải gắn với phát triển khu dân cư, cơ sở hạ tầng phải được xây dựng đồng bộ và hiện đại đáp ứng quá trình đô thị hóa.
Ở Đà Nẵng, để có được mô hình KCN-ĐT, trước hết phải tiến hành quy hoạch mới hoàn toàn trên cơ sở quỹ đất bảo đảm cho các yêu cầu phát triển KCN kiểu mới. Xét về vị trí, trong tương lai gần, Đà Nẵng chỉ còn những khu vực như phía tây Hòa Vang và phía đông nam thành phố có khả năng quy hoạch xây dựng các KCN-ĐT. Mục đích KCN-ĐT không chỉ là xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất công nghiệp, chế xuất mà còn là nơi để phát triển đô thị. Ở đó có khu dân cư, có hệ thống giao thông đồng bộ và hiện đại, có cơ sở hạ tầng xã hội như nhà trẻ, trường học, trạm xá, nhà văn hóa, siêu thị, chợ… phục vụ NLĐ trong các KCN. Đây cũng là những đô thị vệ tinh nhằm mục đích giãn dân cư tại các khu trung tâm thành phố vốn đã đông đúc, chật chội.
Loại hình KCN-ĐT này đã và đang được các nhà đầu tư xây dựng tại một số địa phương như ở Long An, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh… Khu công nghiệp và đô thị Việt Phát đang được xây dựng tại xã Tân Lập, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An có tổng diện tích hơn 1.844ha, trong đó diện tích đất quy hoạch cho khu công nghiệp hơn 1.215ha, đất dành cho khu đô thị gần 630ha. Điều này cho thấy, diện tích quy hoạch cho một KCN-ĐT khá lớn, trong đó diện tích xây dựng khu đô thị chiếm một phần đáng kể. Ở Đà Nẵng cũng đã có Khu công nghệ cao được xây dựng theo mô hình Tân Trung (Đài Loan). Ở đó có sản xuất công nghệ cao, nghiên cứu công nghệ cao, ươm tạo, đào tạo, nhà ở cho chuyên gia, du lịch…
Lời kết
Việc xây dựng, phát triển các KCN trên địa bàn thành phố hơn 20 năm qua đã tạo điều kiện thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần nâng cao tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp, phát triển các ngành hàng, từng bước tạo dựng những sản phẩm chủ lực của nền kinh tế địa phương. Đặc biệt, thông qua hoạt động của các KCN đã xây dựng đội ngũ công nhân ngày càng vững mạnh về lực lượng, ý thức giai cấp được nâng cao; làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần của người dân thành phố.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được trong quy hoạch, phát triển các KCN, chế xuất ở Đà Nẵng trong những năm qua, còn những tồn tại cần sớm khắc phục để Đà Nẵng có được hệ thống KCN tương xứng với tiềm năng và vị thế đô thị đầu tàu của khu vực miền Trung. Nghị quyết số 13-NQ/TW Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) đã chỉ rõ: “Phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế. Không lấy đất lúa để xây dựng các khu công nghiệp mới. Đến năm 2015, giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nhà ở và các hạ tầng xã hội thiết yếu như nhà trẻ, mẫu giáo, trường học, cơ sở khám chữa bệnh… cho người lao động các khu công nghiệp. Đến năm 2020, hoàn chỉnh các công trình kết cấu hạ tầng trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, đặc biệt là các công trình hạ tầng xã hội và xử lý nước thải, rác thải”.
Những định hướng đó phù hợp với thực tế yêu cầu phát triển các KCN trong cả nước nói chung và Đà Nẵng nói riêng. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để huy động nguồn lực quy hoạch, xây dựng, phát triển các KCN mới theo hướng hiện đại. Khi chúng tôi đặt vấn đề viết về loạt bài này, một cán bộ làm công tác quản lý các KCN và chế xuất thành phố nói nửa đùa nửa thật rằng: “Các anh cầm đèn chạy trước ô-tô”. Ý người này muốn nhấn mạnh “nói thì dễ, làm mới khó”.
Quy hoạch ra, vẽ ra đó thì dễ, nhưng lấy tiền đâu mà làm. Ngay như Khu công nghệ cao của thành phố cũng ì ạch ra đó. Khu công nghệ thông tin tập trung thì im hơi lặng tiếng sau khi rầm rộ khởi công. Đến đây mới thấy vấn đề đầu tiên là “tiền đâu” để làm? Trong cái khó ló cái khôn. Tiền lấy từ xã hội, từ người dân bằng hình thức xã hội hóa những hạng mục phục vụ dân sinh trong KCN như siêu thị, chợ, nhà ở, nhà trẻ, mẫu giáo…
Điều quan trọng là xử lý hài hòa giữa giá cả các hoạt động phục vụ đó với việc thu nhập của công nhân còn thấp. Để bảo đảm cho các chủ đầu tư có lãi trong việc kinh doanh dịch vụ trong KCN, nhưng phù hợp với đồng lương công nhân, chính quyền thành phố cần có chính sách, đồng thời huy động các doanh nghiệp trong các KCN hỗ trợ một phần kinh phí cho các chủ đầu tư, nhất là đối với giá cho thuê nhà ở. Có như vậy mới hài hòa lợi ích giữa chủ đầu tư cơ sở hạ tầng xã hội, doanh nghiệp, chính quyền và người lao động; bảo đảm các hoạt động khép kín trong KCN.
THANH GIÁN