Mặc dù đang quản lý một đơn vị có 2 tuyến xe buýt hoạt động là Đà Nẵng-Tam Kỳ và Đà Nẵng-Phú Đa, nhưng ông Nguyễn Văn Long, Giám đốc HTX Dịch vụ vận tải Hải Vân vẫn thẳng thắn: Tôi chắc rằng 100% xe buýt hiện nay chạy “trật” hết.
Ông Long liệt kê ra những cái “trật” biết đó nhưng không thể nào xử lý nổi, như: đón trả khách không đúng nơi quy định, lộ trình chạy chập chờn theo kiểu đoạn nhanh đoạn chậm, xe “đánh võng” trên đường, để hành khách hút thuốc và mang theo hành lý cồng kềnh trên xe... Điều này khiến dư luận lo ngại tăng nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, cơ quan chức năng vất vả trong xử lý, bản thân doanh nghiệp tốn nhiều công sức để chấn chỉnh...
Thực tế, trong thời gian qua, các đơn vị hoạt động xe buýt ở Đà Nẵng và Quảng Nam vẫn luôn nỗ lực tìm kiếm giải pháp cải thiện chất lượng hoạt động xe buýt, nhất là để xe buýt chạy không “trật” tràn lan như hiện nay. Trên cơ sở những quy chế về hoạt động xe buýt do Sở Giao thông vận tải (GTVT) địa phương ban hành, các đơn vị vận tải xe buýt biên soạn lại thành nội quy tại đơn vị nhằm quản lý chặt hoạt động xe buýt. Ngoài ra, giữa các đơn vị vận tải của Đà Nẵng và Quảng Nam cũng đã có quy chế phối hợp hoạt động. Trên cơ sở này, hằng năm, giữa hai địa phương đều đánh giá rút ra những tồn tại để điều chỉnh cho năm sau hoạt động tốt hơn.
Đặc biệt, trước tình trạng xe buýt vi phạm tràn lan, nhất là kiểu chạy một đoạn “rùa bò”, đoạn khác lại tăng tốc như “xe đua”, các đơn vị xe buýt của hai địa phương đã thống nhất lập một số chốt kiểm tra hoạt động xe buýt. Cụ thể, trên tuyến Đà Nẵng-Tam Kỳ sẽ lập 3 chốt trực, tuyến Đà Nẵng-Phú Đa lập một chốt trực. Các chốt này có nhiệm vụ ghi chép cẩn thận giờ xe chạy, tốc độ..., nếu phát hiện xe nào vi phạm sẽ báo về đơn vị chủ quản để xử lý, trường hợp vi phạm nhiều lần sẽ cho nghỉ việc. Trong gần 1 tháng triển khai các tổ trực này, ở các doanh nghiệp vận tải xe buýt của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đều có tài xế và nhân viên phục vụ bị cảnh cáo, kiểm điểm, điển hình như trường hợp xe buýt BKS 43S. 519... và xe 43S. 002.6...; tài xế và xe đều bị đình chỉ hoạt động.
Tuy nhiên, có những cái “trật” do hạ tầng giao thông, công tác quản lý và kể cả thói quen đi xe buýt của mọi người gây nên. Cụ thể, hầu hết các trạm xe buýt hiện nay nằm trên các trục đường lớn của thành phố như Trần Phú, Bạch Đằng, Lê Duẩn... đều bị ô-tô đậu đỗ tràn lan che khuất nhà chờ. Chính vì vậy, không còn cách nào khác, xe buýt phải dừng giữa đường để đón và trả khách. Nghịch lý này ai cũng nhìn thấy, nhưng cứ tồn tại mãi trở thành chuyện... đương nhiên. Ông Nguyễn Trung Nghĩa, Chánh Thanh tra giao thông, Sở GTVT thành phố thừa nhận, tình trạng ô-tô đậu, đỗ tràn lòng đường, bít các trạm xe buýt, nhưng “không thể xử lý nổi”, vì hiện nay lực lượng quá mỏng, trong khi phải tăng cường nhân sự cho trạm cân tải trọng hoạt động nên không còn người xử lý.
Đối với cánh tài xế luôn bị “ám ảnh” thời gian về bến sao cho đúng giờ quy định. Việc đặt các trạm chờ xe buýt hiện nay cũng đòi hỏi tính toán hợp lý để làm sao chở đầy khách. Thông thường, ở các trục đường lớn, đông dân cư, người đi xe buýt nhiều thì không thể đặt trạm xe buýt, vì chủ nhà ở mặt đường phản đối do ảnh hưởng đến làm ăn, buôn bán. Vì vậy, nhiều trạm xe buýt buộc phải đặt ở những vị trí không thuận tiện; kết quả là không có khách và tài xế buộc phải đón khách dọc đường. Bên cạnh đó là thói quen của hành khách cứ thích đâu là đón và dừng xe ở đó, không đến trạm xe buýt. Chính thói quen này mà tài xế của HTX Dịch vụ vận tải Hải Vân bị hành khách hành hung vì không chịu dừng xe cho hành khách xuống (!?).
Phát triển hệ thống xe buýt tại các đô thị là cần thiết và Đà Nẵng cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, để xe buýt hoạt động tốt và tiến đến các hình thức vận tải công cộng tiên tiến hơn như xe buýt nhanh, tàu điện..., ngay bây giờ cần mở lối cho xe buýt chạy. Đơn giản như không được lấn chiếm trạm xe buýt để đậu, đỗ ô-tô, tuyên truyền ý thức chấp hành các quy định đi xe buýt nói riêng cũng như trong giao thông công cộng nói chung trong nhân dân.
TRẦN LUÂN SƠN