Thông tin về một số lãnh đạo Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh (Thiên Thanh Group) bị cơ quan pháp luật bắt giữ làm dư luận lo ngại về số phận dự án Khu đô thị phức hợp thương mại - dịch vụ Thiên Thanh Đà Nẵng. Tuy nhiên, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã chủ động trong quản lý đầu tư xây dựng, quản lý quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đối với dự án này.
Thiên Thanh Group xây dựng cổng ngõ và đặt Văn phòng Ban Quản lý trong khu vực công trình phụ trợ Sân vận động Chi Lăng. |
Quyết định nhanh nhưng triển khai chậm
Tháng 8-2010, dự án Khu đô thị phức hợp thương mại - dịch vụ Thiên Thanh Đà Nẵng (gọi tắt là dự án khu đô thị (KĐT) Thiên Thanh Đà Nẵng) có diện tích 55.061m2 với ranh giới sử dụng đất giáp 4 tuyến đường: Hùng Vương - Ngô Gia Tự - Lê Duẩn và Chi Lăng được chấp thuận chủ trương nghiên cứu đầu tư. Trong đó, Sân vận động Chi Lăng là lòng chảo của dự án. Dự án do Thiên Thanh Group làm chủ với vốn đầu tư từ 750 triệu USD - 1 tỷ USD.
Đầu tư vào Đà Nẵng có nhiều dự án, nhưng Thiên Thanh Group thể hiện quyết tâm trong việc đầu tư dự án KĐT Thiên Thanh Đà Nẵng. Thiên Thanh Group tiếp cận dự án đầu tư qua các quyết định đầu tư thần tốc. Do đó, Thiên Thanh Group đã có được dự án đầu tư như mong muốn khi ngày 10-8-2010, Thiên Thanh Group được UBND thành phố Đà Nẵng chấp thuận chủ trương nghiên cứu dự án đầu tư. Ngày 17-9-2010, UBND thành phố xác định giá đất và tiêu chí quy hoạch kiến trúc. Ngày 12-10-2010, Thiên Thanh Group được UBND thành phố Đà Nẵng cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Ngày 21-1-2011, cơ quan chức năng của thành phố và Thiên Thanh Group lập ranh giới chuyển quyền sử dụng đất. Bảy ngày sau, tức ngày 28-1-2011, Thiên Thanh Group đã nhận đầy đủ 10 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng vào ngày 21-11-2013, đại diện Thiên Thanh Group thừa nhận: “Từ năm 2011 đến nay, hằng năm, Thiên Thanh Group thực hiện nghĩa vụ thuế 260 triệu đồng đối với quyền sử dụng đất ở dự án. Suốt 3 năm qua, Thiên Thanh Group không sử dụng mét vuông đất nào và cũng không sinh lợi một đồng tiền nào từ khu đất 55.061m2. Việc trả lãi cho nguồn vốn vay để chuyển quyền sử dụng đất và thực hiện nghĩa vụ thuế sử dụng đất hằng năm tại dự án làm cho nhiều thành viên trong HĐQT của Thiên Thanh Group luôn chịu nhiều áp lực với các cổ đông”. Tuy nhiên, những năm qua, Thiên Thanh Group đã không tập trung nguồn lực để triển khai dự án.
Ảnh hưởng theo dự án
Những năm qua, UBND thành phố luôn thể hiện quyết tâm và trách nhiệm của mình với chủ đầu tư. Các khu đất “vàng” trong nội thành được đền bù, giải tỏa để triển khai phương án bố trí tái định cư cho hộ giải tỏa trong khu vực dự án. UBND thành phố chọn địa điểm, đầu tư trụ sở mới để di chuyển địa điểm hoạt động của Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng; di chuyển Sở Kế hoạch-Đầu tư đến địa điểm mới để đưa quỹ đất ven đường Ngô Gia Tự vào bố trí tái định cư cho hộ giải tỏa. Trụ sở cơ quan Thành Đoàn Đà Nẵng trên đường Lê Duẩn cũng giải tỏa làm quỹ đất tái định cư. Hiện có 5 cơ quan, doanh nghiệp trong diện giải tỏa tại dự án cũng được UBND thành phố chuẩn bị những vị trí đắc địa để bố trí di dời. Nhiều phòng, ban chuyên môn, nhà ở tập thể ngành Thể thao của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch thực hiện di dời ra khỏi khu vực dự án. Hiện có trên 50% số hộ giải tỏa đã nhận đất tái định cư, làm nhà ở mới và sẵn sàng bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.
Về phía người dân thành phố, sự đồng thuận về chủ trương di dời giải tỏa để thu hút đầu tư phát triển tiếp tục được lan tỏa. Hộ giải tỏa được bố trí tái định cư nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ. Nhiều hộ chờ giao đất cho chủ dự án và đang tiếp tục kinh doanh, giữ ổn định hiện trạng cảnh quan đô thị.
Cũng ảnh hưởng theo dự án là việc tìm địa điểm cho CLB Bóng đá SHB Đà Nẵng thi đấu có thời điểm gặp khó khăn lớn. Các phương án ban đầu được xác định như mượn Sân vận động Quân khu 5 nhưng nơi đây chỉ có sức chứa bằng 1/2 so với Sân vận động Chi Lăng, phương án khác nhắm đến thuê Sân vận động thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Cuối cùng thành phố chọn phương án đầu tư mới Sân vận động Hòa Xuân với sức chứa 20.000 chỗ ngồi. Đây là dự án công trình trọng điểm của thành phố năm 2014. UBND thành phố Đà Nẵng sẵn sàng chuẩn bị sân thi đấu mới cho đội bóng đá SHB Đà Nẵng mùa giải năm 2014-2015.
Kiên quyết thực hiện công tác quản lý đầu tư xây dựng
Tại cuộc làm việc gần đây với đại diện lãnh đạo Thiên Thanh Group, Chủ tịch UBND quận Hải Châu Lê Anh nói: “Chúng tôi có nhiều kinh nghiệm và bài học về công tác quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn”. Kinh nghiệm và bài học mà Chủ tịch quận Hải Châu Lê Anh đề cập, đó là việc bỏ hoang tại các dự án “đất vàng” như dự án Vũ Châu Long, Viễn Đông… vốn đã gây bức xúc người dân thành phố. Ông Lê Anh quả quyết: “Tôi cam kết có ngay mặt bằng sạch để nhà đầu tư Thiên Thanh Group hay nhà đầu tư khác đến thực hiện dự án, còn việc quây tôn giữ đất trống thì dứt khoát cá nhân tôi, người dân quận Hải Châu và Đà Nẵng không bao giờ chấp nhận”.
Một cán bộ Sở Tài nguyên-Môi trường cho biết, đến nay chủ đầu tư dự án và chính quyền thành phố đã thực hiện đầy đủ các cam kết trong việc triển khai dự án. Công tác quản lý đầu tư xây dựng, quản lý sử dụng đất thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật. Thêm nữa, Luật Đất đai năm 2013 sẽ bảo đảm việc quản lý sử dụng đất theo đúng mục đích, đúng quy hoạch, dù tiếp tục đó là Thiên Thanh Group hay nhà đầu tư khác.
Hơn 3 năm qua, dự án KĐT Thiên Thanh Đà Nẵng trên thực tế là dự án “treo”. UBND thành phố Đà Nẵng đã lường trước những bất ổn trong đầu tư xây dựng từ chủ đầu tư, nên kiên quyết thực hiện công tác quản lý đầu tư xây dựng, ràng buộc nhà đầu tư giữa bàn giao đất gắn liền với tổ chức thi công. Hiện dự án KĐT Thiên Thanh Đà Nẵng được xác định như những dự án chậm triển khai khác và UBND thành phố sẽ tiếp xúc với chủ đầu tư, xác định thời gian triển khai dự án để bảo đảm kỷ cương trong quản lý đầu tư xây dựng, quản lý sử dụng đất.
Với gói đầu tư xấp xỉ 1 tỷ USD, Thiên Thanh Group hứa hẹn hiện thực hóa giấc mơ góp phần biến Đà Nẵng thành thành phố hiện đại. Theo đó, Thiên Thanh Group đầu tư 3 khu chức năng với các tòa nhà chọc trời cao 50 tầng. Khu thương mại-văn phòng-cung hội nghị được thiết kế đầu tư phía đường Lê Duẩn cao 50 tầng, cao từ 180-200 mét, diện tích sàn 113.930m2; khu khách sạn phía đường Hùng Vương cũng cao 50 tầng, diện tích sàn 112.930m2. Cả hai hợp thành hai tòa tháp cao vút lên trời xanh sẽ là biểu tượng công trình kiến trúc mới của thành phố Đà Nẵng. Phần khu đất trung tâm Sân vận động Chi Lăng được đầu tư xây dựng bệnh viện, trường đại học đẳng cấp quốc tế với quy mô xây dựng từ 10-15 tầng, diện tích sàn xây dựng 57.850m2. Thiên Thanh Group xây dựng tiến độ thi công dự án trong vòng 5 năm. |
Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG