.

Năm 2018, sẽ công bố chỉ số GDP địa phương

.

ĐNĐT - Ngày 8-8, tại Đà Nẵng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai phổ biến chi tiết về các nội dung Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Đề án “khắc phục số liệu chênh lệch chỉ số GDP”.

Phóng viên Báo Đà Nẵng tiếp tục trao đổi với các đại biểu tham dự hội nghị và tại cuộc làm việc riêng với UBND thành phố Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cũng quan tâm, đề cập đến các chính sách quan trọng đang được triển khai.

Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm: 50 tỉnh, thành tính chưa đúng về chỉ số GDP và có sự chênh lệch 4- 5%.

Do áp lực mục tiêu có sự tăng trưởng về phát triển KT-XH địa phương nên nhiều tỉnh, thành phố chưa tính toán chính xác về mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP). Qua rà soát các nguồn thống kê, năm 2013, có 50/63 tỉnh, thành công bố GDP không chính xác, có nhiều địa phương chênh lệch GDP đến 5%.

13 tỉnh, thành công bố GDP tương đối chính xác là các tỉnh miền núi, vùng đồng bằng. Điều này cho thấy, ở những địa phương có nhiều biến động trong phát triển KT-XH nên chưa tính toán chính xác giá trị GDP mà phần lớn lại tính tăng cao, ảnh hưởng đến công tác lập kế hoạch phát triển KT-XH.

Trách nhiệm của ngành Thống kê là khắc phục các tồn tại hiện có và chúng tôi đang triển khai đề án hệ số dữ liệu thống kê đáng tin cậy. Ngành Thống kê sẽ có nhiều đổi mới để can thiệp và công bố kết quả thống kê, trong đó có giá trị GDP, đến từng địa phương. Ví dụ, một doanh nghiệp tại Đà Nẵng, đầu tư vào Bình Dương thì giá trị sản xuất thể hiện ở Bình Dương và Tổng Cục Thống kê nắm bắt được số liệu này. Tránh tình trạng như trước đây, sản xuất tại Bình Dương nhưng thống kê tại Đà Nẵng.

Theo lộ trình Đề án "Khắc phục chênh lệch số liệu GDP giữa Trung ương và địa phương", đến năm 2018, Tổng Cục Thống kê sẽ tính đúng, tính đủ chỉ số GDP cho các tỉnh, thành phố. Hằng năm, sẽ có 3 lần công bố giá trị GDP đến các địa phương theo các cấp độ ước tính ở mỗi quý, sơ bộ đối với tình hình phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm và giá trị GDP chính thức ở thời điểm kỳ niên hạn về quý năm sau.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng: Luật Đầu tư công tác động đến nhiệm vụ quy hoạch đô thị, xóa quy hoạch treo

Công tác quản lý đầu tư đạt được kết quả quan trọng nhưng còn nhiều bất cập nên Nhà nước đang tập trung giải quyết và xử lý các vướng mắc tồn tại, trong đó có thể chế về luật như Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu.

Bất cập trong quản lý đầu tư đã dẫn đến tình trạng đầu tư dàn trải, thất thoát vốn đầu tư, gây nên tình trạng dự án treo làm ảnh hưởng đến đời sống người dân, nợ thanh toán xây dựng cơ bản kéo dài.

Luật Đầu tư công và Kế hoạch đầu tư trung hạn sẽ tạo ra môi trường đầu tư mới có tính lành mạnh, thu hút nhiều nguồn lực đầu tư. Qua đây, các bộ, ngành và địa phương sẽ xây dựng kế hoạch, thực hiện các mục tiêu đầu tư. Luật Đầu tư công sẽ làm cơ sở cho việc phân bổ vốn theo điều kiện, đúng thời gian, đúng công trình, cân đối được nguồn vốn để đầu tư phát triển.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh: Xây dựng Luật Đấu thầu đạt trình độ quốc tế

Luật Đấu thầu sửa đổi đã được Quốc hội thông qua nhưng về bản chất nội dung của Luật đã “lột xác” so với nội dung Luật Đấu thầu năm 2005.

Đây là luật có chất lượng cao, ngay cả Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi biên soạn chưa nghĩ đã vượt qua nhiều rào cản như quy định điều khoản về “Mua sắm tốt” khi trình ra Quốc hội đã vấp phải nhiều ý kiến tranh luận. Vấn đề khác mà Luật Đấu thầu đề cập là đấu thầu trọn gói, Luật đã quy định được phương thức đấu thầu trọn gói.

Thực tế đã có những DN nước ngoài thực hiện phương thức này, “nhà thầu khi trúng đấu thầu trọn gói là lời ăn, lỗ chịu”. Đấu thầu trọn gói xử lý được tình trạng phổ biến hiện nay khi nhà thầu bỏ thầu thấp, sau đó được trúng thầu và viện dẫn nhiều lý do để bù giá, điều chỉnh vốn đầu tư.

Đã có nhiều công trình, dự án giá trị đầu tư tăng gấp nhiều lần so với dự toán đầu tư ban đầu, có dự án vốn đầu tư tăng gấp 4 lần. Ví dụ ở đây như dự án cầu Cần Thơ, nhà thầu gặp nhiều sự cố nghiêm trọng nhưng khi chấp nhận gói đấu thầu trọn gói đã không có tình trạng chuyển giá, thay đổi dự toán đầu tư công trình. Hệ thống luật về Đầu tư công, Đấu thầu… dần dần đưa Việt Nam vào quỹ đạo minh bạch, tiết kiệm cho Nhà nước và đất nước.

Triệu Tùng (thực hiện)

;
.
.
.
.
.