Liên kết để cùng phát triển vững mạnh, lâu dài là câu chuyện không mới đối với cộng đồng doanh nghiệp (DN), nhưng thực tế nhiều DN còn “ngại” điều này.
Liên kết để tăng tính cạnh tranh của doanh nghiệp. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty CP Việt Séc. |
Tăng sức cạnh tranh, giảm phụ thuộc
Đẩy mạnh hoạt động liên kết trong sản xuất, kinh doanh đang là hướng đi hiệu quả được nhiều hiệp hội, hội DN trên địa bàn thành phố chú trọng thực hiện và thu hút được sự quan tâm, hưởng ứng từ cộng đồng DN. Từ đầu năm đến nay, thông qua các buổi gặp gỡ, giới thiệu từ Hội DN quận Cẩm Lệ, nhiều DN trên địa bàn đã ký kết được hợp đồng mua bán, làm ăn. Tương tự, vào cuối tháng 8 vừa qua, từ chương trình “Kết nối cung cầu” do Câu lạc bộ (CLB) Doanh nhân 20-30 tổ chức, đã có 21 hợp đồng mua bán được thực hiện giữa các thành viên CLB.
Là một trong những DN có hợp đồng làm ăn từ chương trình “Kết nối cung cầu”, ông Hồ Lê Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn và xây dựng Nhiệt Đới cho biết, trong vòng 2 năm, công ty đã ký kết được 5 hợp đồng kinh doanh từ các hoạt động liên kết do CLB 20-30 tổ chức. “Nó thực sự đem lại lợi ích và tăng tính cạnh tranh cho cộng đồng doanh nhân trẻ chúng tôi. Chúng tôi hiểu rõ về tình hình kinh doanh, sản xuất và chất lượng sản phẩm của nhau nên việc ký kết hợp đồng diễn ra nhanh chóng. Qua hoạt động này, DN tương trợ vào nhau để cùng phát triển”, ông Việt bày tỏ.
Bà Nguyễn Thị Cẩm Vân, Phó Tổng Giám đốc Công ty VLXD Đông Nguyên, Chủ nhiệm CLB Doanh nhân 20-30 cho rằng, cùng với những nỗ lực của các ngành chức năng và chính quyền các cấp, DN muốn giữ mức tăng trưởng tốt, tránh được những rủi ro thì phải tập trung vào các giá trị cốt lõi của ngành nghề sản xuất, kinh doanh.
Tức là, các DN phải kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm, giá cả cạnh tranh, đồng thời xây dựng thương hiệu mạnh. Việc liên kết với nhau sẽ giúp công việc sản xuất đi vào chuyên môn hóa, khi kết hợp lại sản phẩm có giá thành tốt hơn mà chất lượng lại đảm bảo đồng thời giảm chi phí. Bên cạnh đó, liên kết còn giúp cho DN hạn chế việc nhập khẩu từ các nước lân cận, chủ động, tin tưởng sử dụng nguồn nguyên vật liệu trong nước.
Doanh nghiệp còn ngại
Liên kết để cùng phát triển là câu chuyện không mới đối với cộng đồng DN, càng cấp thiết hơn khi thời điểm Việt Nam thực hiện Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang đến gần. Tuy nhiên, theo ông Hà Giang, Chủ tịch Hội DN quận Cẩm Lệ, tính liên kết trong cộng đồng DN còn hạn chế một phần vì tâm lý không ai chịu ai, hoạt động theo kiểu “mạnh ai nấy làm” dẫn đến việc cạnh tranh không lành mạnh và hệ quả là sức mạnh nội lực của DN suy yếu ngay trên sân nhà.
“Trong xu thế hội nhập như hiện nay, con đường tốt nhất để DN phát triển bền vững, đủ sức cạnh tranh với DN nước ngoài là phải liên kết, hỗ trợ nhau. Tôi từng đứng ra kêu gọi các DN, xưởng sản xuất trong lĩnh vực cơ khí cùng liên kết, hỗ trợ nhau nhằm tạo ra chuỗi cung - cầu chặt chẽ, qua đó góp phần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động sản xuất, kinh doanh cơ khí trên địa bàn thành phố, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được”, ông Giang bày tỏ.
Trên thực tế, hoạt động liên kết giữa các nhóm DN vẫn diễn ra; nhiều dự án, ý tưởng kinh doanh, hợp đồng mua bán đã thành hiện thực. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là chúng ta chưa có những ý tưởng xuất sắc, gây ấn tượng mạnh theo hình thức liên kết kiểu này. Theo ông Nguyễn Diễn, Phó Giám đốc VCCI Đà Nẵng, thời gian qua, thành phố đã có nhiều chương trình, hội thảo đề cập đến việc liên kết trong cộng đồng DN, liên kết vùng, thu hút sự tham gia của đông đảo DN. Nhưng vấn đề trăn trở, chưa giải quyết được triệt để ở đây là DN hợp tác như thế nào và lợi ích đem lại cho họ là những gì!
Bài và ảnh: KHÁNH HÒA