.

Giải pháp cho kết nối hiệu quả

.

Tại chương trình “Kết nối cung - cầu sản phẩm của doanh nghiệp (DN) Đà Nẵng lần 2” được tổ chức ngày 14-11 dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Mạnh Hùng cùng 200 đại diện DN trên địa bàn tham gia, nhiều giải pháp được nêu ra nhằm khắc phục hạn chế trong hoạt động này của DN Đà Nẵng thời gian qua.

Các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm nhằm tìm cơ hội kết nối cung - cầu.
Các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm nhằm tìm cơ hội kết nối cung - cầu.

Khắc phục những hạn chế trong kết nối

Số lượng doanh nghiệp kết nối còn ít, lĩnh vực ngành nghề hợp tác chưa toàn diện, các hợp đồng mới chỉ mang tính thăm dò, giá trị hợp đồng thấp; việc liên kết hợp tác chủ yếu ở doanh nghiệp sản xuất và thương mại, ngành công nghiệp hỗ trợ nhỏ bé chưa thể tham gia hình thành liên kết theo chuỗi giá trị; tinh thần đoàn kết cộng đồng cùng phát triển chưa cao, một số doanh nghiệp còn e ngại, chưa cởi mở chia sẻ thông tin để tận dụng năng lực, học hỏi lẫn nhau… Đó là những hạn chế cơ bản được chỉ ra tại hội nghị.

Theo Sở Công thương thành phố, hiện Đà Nẵng có 43 HTX sản xuất nông nghiệp, 5.057 cơ sở sản xuất công nghiệp, trong đó có 916 DN thuộc các thành phần kinh tế, còn lại là các hộ sản xuất cá thể. Bên cạnh khoảng 25 DN ký kết thỏa thuận hợp tác với tổng giá trị ước trên 56 tỷ đồng sau hội nghị kết nối lần 1, thì tình hình sản xuất, cung ứng tiêu thụ các sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, thị trường tiêu thụ đáp ứng nhu cầu khá khiêm tốn, chỉ từ 5-10%.

Đối với nhóm các sản phẩm xuất khẩu (chiếm khoảng 47% tổng doanh thu ngành công nghiệp chế biến, chế tạo) và nhóm sản phẩm phục vụ ngành xây dựng (chiếm khoảng 27% doanh thu) có thị trường tiêu thụ tại Đà Nẵng chỉ có 48,5%; nhóm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phục vụ nội địa (chiếm 17,7% doanh thu) có thị trường tiêu thụ tại Đà Nẵng chỉ 50%.

Trong khi đó, ở lĩnh vực dịch vụ phân phối bán buôn, bán lẻ, tỷ trọng phân phối hàng tiêu dùng tại thành phố qua loại hình hiện đại chỉ chiếm 15-20%, chợ 42%, các cửa hàng 40%. Nguồn hàng cung ứng cho các nhà bán lẻ, siêu thị chủ yếu từ các địa phương khác chiếm tới 80-90%. Điều này cho thấy, việc liên kết, kết nối giữa các DN chưa mạnh, kênh thông tin quảng bá DN, sản phẩm chưa hiệu quả.

Để khắc phục tình trạng này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết đề nghị các DN tránh chờ đợi mà phải chủ động phối hợp với đối tác; đồng thời quan tâm chất lượng sản phẩm hàng hóa cũng như mẫu mã, giá thành, thời gian cung ứng để tăng khả năng cạnh tranh. Các hoạt động kết nối hằng quý, hằng tháng giao Sở Công thương và các hội, hiệp hội chủ trì tổ chức, xây dựng dữ liệu đưa lên các trang thông tin điện tử, cuối năm thành phố sẽ tổng kết đánh giá và khen thưởng.

Phía chính quyền thành phố cũng cam kết góp sức, đồng hành với DN và xây dựng đề án “Tạo chuỗi cung ứng tại chỗ đến năm 2020”; giao Báo Đà Nẵng, Đài Phát thanh - Truyền hình thành phố xây dựng chuyên mục “Kết nối cung - cầu” với mong muốn các cơ quan báo, đài luôn theo sát những vấn đề thời sự để  kịp thời phản ánh và tuyên truyền, quảng bá, hỗ trợ các DN phát triển.

Cần ưu tiên chứ không ưu đãi

Về phần mình, tại chương trình kết nối lần này, nhiều ý kiến của đại diện DN không chỉ mong muốn thành phố thể hiện sự quan tâm, đồng hành với DN nhằm tháo gỡ khó khăn về sản xuất, tiêu thụ sản phẩm mà còn đề xuất các giải pháp trên cơ sở kinh nghiệm rút ra từ thực tế. Đại diện một công ty bày tỏ, nhu cầu cung-cầu của DN là rất lớn, nhưng DN nhỏ có trở thành đối tác của DN lớn hay không còn phụ thuộc vào chất lượng hàng hóa, giá cả, thời gian giao hàng…

Bên cạnh đó, DN mong muốn thành phố cần cụ thể hóa chương trình kết nối cung-cầu bằng việc ưu tiên sử dụng hàng hóa của DN Đà Nẵng trong các công trình đầu tư công có vốn Nhà nước. Ông Hồ Nghĩa Tín, Tổng Giám đốc Công ty CP Thép Dana-Ý cho rằng: “Để kết nối cung-cầu giữa các DN sử dụng sản phẩm của nhau, thành phố có thể bảo lãnh với những cơ chế chính sách phù hợp. Ngược lại, chúng tôi cũng có trách nhiệm khi có kết nối giữa hai đơn vị thực hiện các công trình của thành phố, sẵn sàng trích lợi nhuận để đóng góp vào các quỹ của thành phố…”.

Trong khi đó, theo Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng Phan Hải, đã đến lúc các DN Đà Nẵng cần tạo ra chuỗi liên kết bằng cách ưu tiên chứ không ưu đãi sử dụng các sản phẩm của nhau, vừa tập trung được nguồn lực tại chỗ, giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh sản phẩm cho DN. DN nên mở rộng không gian kết nối với các tỉnh, thành khác chứ không nhất thiết phải gói gọn trong địa bàn.

Trong chương trình kết nối tại chỗ, các DN đã mở ra cơ hội cho đối tác như Công ty CP Phương Đông Việt đang tìm nhà cung cấp vật liệu, thực phẩm cho nhà hàng của mình; Công ty CP KHCN An Sinh Xanh giảm giá để tiếp thị bình chữa cháy, Sở Giáo dục và Đào tạo với hệ thống 300 trường học cần nguồn cung cấp thực phẩm, sữa chất lượng…

Bài và ảnh: DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.
.