Kinh tế

Thực hiện Nghị định 103

Nỗi lo doanh nghiệp

08:10, 12/12/2014 (GMT+7)

Ngày 11-11-2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 103/2014/NĐ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động (NLĐ) làm việc ở doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT), trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động theo hợp đồng (NĐ 103).

Những doanh nghiệp có nhiều lao động như các doanh nghiệp trong ngành Dệt may, mặc dù đã có sự chuẩn bị, nhưng cũng rất khó khăn khi triển khai thực hiện.
Những doanh nghiệp có nhiều lao động như các doanh nghiệp trong ngành Dệt may, mặc dù đã có sự chuẩn bị, nhưng cũng rất khó khăn khi triển khai thực hiện.

Theo NĐ 103, mức lương mới sẽ tăng từ 250.000 đồng lên 400.000 đồng, tương ứng với mức tăng theo tỷ lệ phần trăm từ 13,2 - 14,8% (tùy theo từng vùng). Đây là mức thấp nhất làm cơ sở để DN và NLĐ thỏa thuận và trả lương. Căn cứ vào nghị định này thì Đà Nẵng thuộc khu vực II, với mức lương tối thiểu áp dụng đối với NLĐ sẽ là 2.750.000 đồng/người/tháng, tăng 350.000 đồng so với năm 2014.

Đồng thời, với việc áp dụng mức lương mới, các DN không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi NLĐ làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với các chức danh nghề nặng nhọc, độc hại và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động.

Tuy nhiên, các DN thuộc các lĩnh vực da giày, dệt may Việt Nam... cho rằng việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vẫn cao so với khả năng của DN, vì vậy nên điều chỉnh ở mức tăng từ 10-12% để các DN điều chỉnh và cân đối. Mặc dù vậy, mức lương này vẫn thấp so với mức sống hiện hành của NLĐ ở mọi vùng miền, NLĐ khó có khả năng tích lũy.

Lãnh đạo Công ty Dacotex Đà Nẵng cho biết, từ vài năm nay, công ty đã trả lương cho công nhân cao hơn mức lương quy định của NĐ 103 từ 10% trở lên. Vì thế, việc áp dụng mức lương mới này không có khó khăn gì đối với DN. Tuy nhiên, việc đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) và các khoản khác mới là nan giải vì 2 lý do sau: Thứ nhất, theo Luật BHXH hiện hành, NLĐ phải đóng BHXH hằng tháng 10,5% (BHXH 8%, BHYT 1,5% và BHTT (bảo hiểm thân thể) 1%), mức đóng này là quá cao so với thu nhập của NLĐ. Thứ hai, ngoài khoản đóng của NLĐ thì DN phải đóng BHXH cho NLĐ 22%, đây là khoản tiền lớn mà nhiều DN phải đóng hằng tháng, trong khi DN đang phải vay vốn để kinh doanh trong điều kiện sản xuất, kinh doanh đang gặp nhiều khó khăn.

Đây là tình trạng chung của hầu hết các DN, nhất là các DN có nhiều lao động. Giám đốc một DN chế biến hải sản nói: Việc thực hiện NĐ 103 là cần thiết, vì đời sống NLĐ ở nước ta còn nhiều khó khăn. Hầu hết các DN, kể cả DN chế biến hải sản đều đã trả lương cao hơn mức lương tối thiểu mà NĐ 103 quy định.

Tuy nhiên, việc đóng BHXH đủ và đúng hạn cho NLĐ rất nan giải đối với DN. Thực tế đã có nhiều DN cố tình trì hoãn đóng BHXH cho NLĐ nhằm chiếm dụng vốn và hạn chế việc vay vốn ngân hàng để kinh doanh. Đây là nguyên nhân hàng đầu khiến nhiều DN trong ngành da giày, dệt may và một số DN nước ngoài đã kiến nghị Chính phủ chỉ điều chỉnh mức tăng lương lần này từ 10-12%.

Trong lúc đó, NLĐ ngoài việc được nhận lương hằng tháng còn phải được bảo đảm quyền lợi về BHXH và các loại quyền lợi khác theo quy định của luật pháp hiện hành.

NĐ 103 có hiệu lực từ ngày 1-1-2015, vì vậy các ngành chức năng, nhất là ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cần nhanh chóng có các văn bản hướng dẫn và tổ chức tập huấn triển khai NĐ 103 nhằm đôn đốc các DN, các tổ chức, cá nhân thực hiện đúng NĐ 103.

Ông Nguyễn Đức Thanh, Phó chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động thành phố (LĐLĐ), cho biết để việc triển khai NĐ 103 hiệu quả, bảo đảm quyền lợi cho NLĐ, LĐLĐ thành phố đã chủ động triển khai đến các LĐLĐ quận, huyện, Công đoàn các ngành và Công đoàn cơ sở nhằm phổ biến, tuyên truyền tới NLĐ. Qua đó, các tổ chức Công đoàn cơ sở vận động chủ các DN thực hiện nghiêm NĐ 103, đưa các điều khoản của NĐ 103 vào các bản Thỏa ước lao động tập thể nhằm đảm bảo quyền lợi cho NLĐ.

Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH

.