Kinh tế

Tìm giải pháp phát triển các vùng kinh tế trọng điểm

07:38, 08/12/2014 (GMT+7)

Ngày 6-12, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, Trưởng ban Chỉ đạo điều phối các vùng kinh tế trọng điểm quốc gia chủ trì Hội nghị trực tuyến tổng kết đánh giá 10 năm thực hiện mô hình điều phối phát triển các vùng Kinh tế trọng điểm (VKTTĐ). Phó Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ chủ trì đầu cầu Đà Nẵng.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đến nay cả nước có 4 VKTTĐ với 42 tổ điều phối. Các tổ điều phối đã có những nỗ lực lớn trong việc triển khai các hoạt động liên kết kinh tế - xã hội, qua đó duy trì sự tăng trưởng cao, ổn định, tạo động lực cho sự phát triển chung của cả nước.

Đặc biệt, trong giai đoạn 2004-2014, các VKTTĐ phát triển khá toàn diện, tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn bình quân cả nước, giai đoạn 2006 – 2010 tốc độ tăng trưởng GDP đạt 10,98%/năm, giai đoạn 2011 – 2013 GDP đạt 8,8%/năm; thu nhập bình quân đầu người năm 2013 đạt 64,78 triệu đồng (gấp 1,53 lần so với cả nước); cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp – xây dựng tạo ra nhiều sản phẩm chủ lực cho phát triển chung cả nước (chiếm 47,6% cả nước), dịch vụ (42,2%) và nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (10,2%); riêng tổng thu ngân sách năm 2013 đạt 800.448 tỷ đồng, chiếm 89,1% tổng thu ngân sách cả nước; kim ngạch xuất khẩu đạt 249,27 tỷ USD, chiếm 90,9% cả nước; năm 2013 tổng vốn đầu tư xã hội 1.054 tỷ đồng, chiếm 34,67% tổng GDP các VKTTĐ.

Bên cạnh đó, các VKTTĐ đã thực hiện được vai trò đầu tàu, đầu mối trong hội nhập quốc tế, bước đầu hình thành mạng lưới kết cấu hạ tầng liên vùng và phát huy các tiềm năng, nguồn lực, lợi thế của mỗi vùng trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước… Tuy nhiên, VKTTĐ bộc lộ một số điểm hạn chế như: hiệu quả sử dụng vốn chưa cao (khoảng 5- 6% đầu tư xã hội trên GDP mới có được 1% tăng trưởng GDP; tốc độ dịch chuyển cơ cấu ngành kinh tế chưa nhanh; trình độ lao động chuyển dịch từ nông nghiệp qua công nghiệp, dịch vụ còn thấp; tính chủ động liên kết các địa phương trong vùng chưa cao; ban điều phối thiếu cơ chế tự điều phối trong nội bộ vùng…

Với vai trò là đầu tàu VKTTĐ miền Trung,  Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho rằng: Trong thời gian qua, thành phố Đà Nẵng đã triển khai thực hiện quyết liệt các nghị quyết, văn bản pháp luật của Trung ương, sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành và kết hợp nội lực địa phương, thành phố đã hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình tạo điểm nhấn quan trọng trong việc phát triển và liên kết phát triển VKTTĐ miền Trung.

Tuy nhiên, nhiều chỉ số kinh tế của Đà Nẵng không cao, đặc biệt là chỉ số phát triển ngành du lịch thấp hơn các tỉnh khác. Một trong những hạn chế của vùng đó là sự phát triển kinh tế giữa các địa phương quá giống nhau, chẳng hạn như tỉnh, thành nào cũng có cảng biển, sân bay,  khu công nghiệp, các dự án du lịch nghỉ dưỡng tương đồng, hoạt động độc lập chưa tạo sự liên kết, hỗ trợ.

Qua hội nghị này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cũng đề nghị Hội đồng điều phối vùng phải có quyền nhất định, ví dụ như cơ quan tham mưu chính về mặt quy hoạch phát triển vùng, về việc quyết định những dự án đầu tư trên cấp vùng, dự án cấp liên vùng, các kết cấu hạ tầng… Nếu Hội đồng mà chỉ luân phiên nhau để hội họp, bàn bạc sẽ không có hiệu quả

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhận xét, sự phát triển của các VKTTĐ chưa tương xứng với tiềm năng do nhiều vấn đề, kể cả vấn đề cơ chế và chỉ đạo, điều phối phát triển. Cụ thể, các vùng đang thiếu nhiều quy hoạch, từ quy hoạch chung đến các quy hoạch ngành, các vấn đề cần giải quyết liên thông với bộ, ngành và các địa phương.

Đặc biệt là vấn đề hạ tầng cho phát triển kinh tế như giao thông, đất đai, xử lý môi trường, chưa xử lý nước thải, chất thải vùng; nâng cao vai trò, trách nhiệm của ban điều phối và Chủ tịch Hội đồng Ban điều phối vùng; tăng cường chia sẻ thông tin, xây dựng hệ thống dữ liệu để cập nhập xử lý và điều hành.

TRỌNG HÙNG

.