Cho dù những khó khăn vẫn còn đó, nhưng với sự nỗ lực vượt khó của các doanh nghiệp (DN) trong việc thực hiện mục tiêu “Năm Doanh nghiệp Đà Nẵng 2014”, ngành công nghiệp thành phố đã gặt hái được nhiều thành quả quan trọng.
Năm 2014, ngành công nghiệp ước đạt doanh thu 37.548 tỷ đồng (giá so sánh 2010), tăng 10,8% so với năm 2013, vượt từ 1% đến 1,8% so với chỉ tiêu Nghị quyết HĐND thành phố giao, chỉ số sản xuất công nghiệp (IPP) tăng 10,95% so với cùng kỳ năm 2013.
Một số sản phẩm có sản lượng tăng mạnh so với năm 2013, như: lốp ô-tô radial tăng 486,9%, lốp ô-tô du lịch tăng 61,1% (Công ty CP Cao su Đà Nẵng), sản xuất đồ chơi trẻ em tăng 47%, sản lượng bia các loại tăng 24%, thép cán các loại tăng 20,9%, động cơ điện loại nhỏ tăng 20%, giày thể thao tăng 20%, quần áo may sẵn tăng 11,5%...
Đặc biệt, giá trị kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt trên 1,155 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm 2013. Đây là năm thứ 2 liên tiếp, giá trị kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của thành phố vượt ngưỡng 1 tỷ USD/năm.
Chính sự tăng trưởng liên tục của ngành Công thương đã góp phần quan trọng vào việc tăng thu ngân sách cho thành phố, ước tính năm 2014, ngành đóng góp gần 50% GDP của cả thành phố. Đây là yếu tố đặc biệt quan trọng để ngân sách của thành phố tăng trưởng ổn định, giảm sự phụ thuộc vào việc khai thác quỹ đất như các năm trước.
Hầu hết các DN thành phố đã có nhiều cố gắng nỗ lực vượt khó, ổn định tình hình sản xuất, kinh doanh; xuất khẩu vẫn giữ được các thị trường truyền thống, mức tăng trưởng khá. Chẳng hạn, lĩnh vực chế biến và xuất khẩu thủy sản ước đạt kim ngạch 175 triệu USD, tăng 45,8% so với cùng kỳ năm 2013 - mức tăng trưởng cao nhất từ trước tới nay. Mặt hàng sản xuất đồ chơi trẻ em ước đạt 56 triệu USD, tăng 40% so với năm 2013.
Đặc biệt, mặt hàng dệt may, dự kiến đạt 270 triệu USD giá trị kim ngạch xuất khẩu, tăng 25,6% so với năm 2013, hầu hết các DN dệt may đều bảo đảm đơn hàng và có đủ việc làm cho công nhân đến hết năm 2014. Nhiều DN còn có đơn hàng đến hết quý 2 năm 2015.
Đây là nỗ lực lớn của các DN trong việc tận dụng được ưu đãi thuế quan phổ cập (tiếp tục được duy trì) theo quy định mới của Liên minh châu Âu. Đáng chú ý là việc xuất khẩu sang các thị trường lớn như: Mỹ, Nhật Bản và EU đều có tăng trưởng. Hiện 3 thị trường này đã chiếm gần 70% thị trường xuất khẩu của các DN thành phố.
Tuy vậy, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN vẫn còn khó khăn, sức mua của xã hội chưa cao, đầu tư trong và ngoài nước vào các khu công nghiệp và chế xuất đã chậm lại. Thị trường xuất khẩu cạnh tranh gay gắt, các rào cản thương mại của các nước nhập khẩu có xu hướng ngày càng tăng. Mục tiêu tăng trưởng từ 9% đến 10% trong năm 2015 sẽ là thách thức rất lớn đối với ngành Công thương và các DN. Song năm 2015, dự báo sẽ là năm kết thúc nhiều hiệp định thương mại thế giới quan trọng với sự tham gia của Việt Nam. Đây sẽ là cơ hội để các DN và toàn ngành khai thác, phát huy tiềm năng nội tại, vươn lên.
ĐỨC THỊNH