Nhiều lao động ngành may hiện nay có nghề nhưng vẫn thiếu kỹ năng nghề, thiếu sự chuyên nghiệp ngay trong chính ngành nghề mình đang làm.
Thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá kỹ năng nghề quốc gia tại Đà Nẵng. |
Vì vậy, chỉ có 13/35 thí sinh đạt trình độ kỹ năng bậc 2/5 nghề may công nghiệp trong kỳ thi đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia về may công nghiệp tại Đà Nẵng vừa qua.
Thiếu kỹ năng thực tiễn
Lần đầu tiên Tổng Cục dạy nghề thuộc Bộ LĐ-TB&XH tổ chức thi đánh giá kỹ năng nghề quốc gia tại Đà Nẵng, thu hút sự tham gia của nhiều thí sinh không chỉ ở thành phố này mà còn ở nhiều tỉnh lân cận. Các thí sinh là cựu sinh viên, thợ may tại các cơ sở đào tạo nghề hoặc doanh nghiệp ở Đà Nẵng. Tham dự kỳ thi, thí sinh đã trải qua 2 phần thi: lý thuyết và thực hành. Thi lý thuyết theo hình thức trắc nghiệm trên máy tính và thực hành cắt may hoàn chỉnh một cái áo và chi tiết túi của một quần short.
Song, điều đáng nói, trong số những thí sinh không đạt trình độ kỹ năng nghề bậc 2/5 nghề may công nghiệp, có người đã có nhiều năm kinh nghiệm tại các doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Trưởng khoa May & Thiết kế thời trang Trường CĐ nghề Đà Nẵng, thành viên ban giám khảo lý giải: “Một số em tuy có kinh nghiệm lâu năm tại các doanh nghiệp nhưng do không trực tiếp sản xuất mà làm ở bộ phận điều hành hoặc làm việc nhiều với khách hàng chứ ít đứng máy nên không hoàn thành tốt bài kiểm tra tay nghề”.
Cũng theo bà Thúy, áp lực về thời gian là yếu tố khiến nhiều thí sinh không thể vượt qua. Mặt khác, với những người chỉ chuyên phụ trách quen một công đoạn thì đến khi thực hiện bài thi đòi hỏi phải hoàn thành một sản phẩm hoàn chỉnh thì khá lúng túng.
Một thực tế nữa, có nhiều em không đạt do không hoàn thành phần lý thuyết. “Đề ra lý thuyết khá hay, được rút ra từ thực tế làm việc tại các nhà máy. Do vậy, nhiều em bỡ ngỡ và làm không tốt bài thi lý thuyết nếu không biết để ý và rút ra từ thực tiễn”, bà Thúy nói.
Cần tính chuyên nghiệp
Theo ông Cao Quang Đại, Vụ trưởng vụ Kỹ năng nghề thuộc Tổng Cục dạy nghề, hầu hết công nhân hiện nay đều thiếu kỹ năng và tính chuyên nghiệp. “Khá nhiều công nhân dù làm lâu năm nhưng vì không được đào tạo bài bản mà sau khi được nhận vào làm việc tại nhà máy mới được đào tạo về may và đảm nhận một khâu nào đó. Vì thiếu chuyên nghiệp nên họ dễ gặp khó khăn. Chẳng hạn, nếu nhà máy sản xuất áo vest giải thể, họ khó xin việc ở một nhà máy sản xuất quần tây”, ông Đại cho biết.
Cũng theo ông Đại, khi có sự chuyên nghiệp thì người công nhân bất kể chuyển sang đơn vị nào cũng có thể bắt kịp công việc nhanh chóng. Do vậy, kỳ thi đánh giá kỹ năng nghề quốc gia lần này tại Đà Nẵng nhằm giúp người lao động xem lại mình thiếu những gì, cần bổ sung gì để hoàn thiện hơn tay nghề. Thiếu tính chuyên nghiệp cũng là một trong những nguyên nhân khiến năng suất lao động thấp, bởi mất nhiều thời gian mà hiệu quả không cao.
Hiện nay, tính chuyên nghiệp được các doanh nghiệp đánh giá dựa trên chế độ đãi ngộ. Bà Nguyễn Thị Ngọc Hải, Giám đốc Công ty may Minh Hoàng (Đà Nẵng) cho biết: “Chúng tôi luôn có một bộ phận kỹ thuật đánh giá tay nghề. Hầu hết những lao động đã qua đào tạo bài bản đều có mức lương cao hơn. Sau một thời gian, chúng tôi đều tổ chức những kỳ thi nâng bậc tay nghề để điều chỉnh bậc lương cho phù hợp”.
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ