Kinh tế
Rượu cần Hòa Phú xuất bán Tết
Những ngày này, trên vùng quê Phú Túc (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang), các hộ gia đình làm nghề nấu rượu cần đang hối hả chuẩn bị cho ra lò đặc sản phục vụ Tết.
Ông Nghĩa đang giới thiệu về quy trình sản xuất rượu cần tại Phú Túc. |
Trên nét mặt của người làm nghề luôn ánh lên niềm vui khi có ai đó nhắc chuyện sản phẩm địa phương.
Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và giúp đỡ của Tổ chức Tầm nhìn thế giới, năm 2014, 8 thành viên trong tổ hợp tác xã (THTX) Rượu cần của xã Hòa Phú được đi học cách thức làm rượu cần ở Tây Nguyên để về áp dụng sản xuất tại địa phương.
Theo ông Phan Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Phú, người dân Phú Túc vốn có cách làm rượu của riêng mình, nhưng để mở được thương hiệu mới thì phải đi học hỏi những cái hay, cái tốt của nơi khác về áp dụng, có như vậy mới tạo ra được sản phẩm đặc trưng. Đây cũng là cách vừa giữ được nét truyền thống của dân tộc, vừa hỗ trợ, giúp đỡ bà con làm kinh tế.
Đôi tay thoăn thoắt buộc lại hũ rượu cuối cùng của mẻ rượu, ông Lê Văn Nghĩa, thôn Phú Túc cho biết, cái hay của rượu cần là thời gian ủ nhanh, chỉ tầm 7 ngày là có thể dùng được. Lần này, ông làm 150 hũ loại từ 4-12 lít để chuẩn bị giới thiệu sản phẩm tại buổi ra mắt thương hiệu rượu cần Phú Túc vào cuối tháng 1 này. Sau đó, ông tiếp tục làm thêm vài trăm hũ khác để phục vụ khách hàng vào dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi.
Theo ông Nghĩa, số tiền vốn bỏ ra để mua nguyên, phụ liệu làm một ché rượu cần tuy khá cao vì phải nhập vỏ ché từ làng gốm Bát Tràng (Hà Nội), cần hút, men, gạo…, nhưng nếu làm nhiều và có nơi tiêu thụ tốt thì người làm nghề vẫn có thu nhập.
Tết này, anh Phạm Lành, thôn Đông Lâm, Tổ phó THTX Rượu cần đã trữ sẵn vài trăm vỏ ché rượu, để khi cần là ủ để bán. Là người trực tiếp làm ra sản phẩm, anh Phạm Lành nhận thấy sản phẩm rượu cần này có nhiều triển vọng vì ngay tại Hòa Phú có nhiều khu du lịch như Suối Hoa, Ngầm Đôi, Hòa Phú Thành… mỗi ngày đón cả ngàn lượt khách du lịch.
Tâm lý của khách đi du lịch thường thích mang về món quà đặc trưng của địa phương nơi mình đến, nên đây vừa là cách giữ lại cái truyền thống của đồng bào dân tộc Cơtu, vừa phát triển kinh tế gia đình, địa phương. Đến nay, THTX Rượu cần đã đưa ra thị trường khoảng 1.000 ché rượu.
Nhìn những biển hiệu quảng bá “Điểm bán rượu cần Phú Túc” dọc đường, chúng tôi thấy sự đổi thay từ một vùng quê và quyết tâm của chính quyền địa phương đối với loại sản phẩm này. Các thành viên trong THTX Rượu cần đều được đi học nghề, trải qua các lớp tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Sản phẩm cũng đã có “giấy thông hành” chứng nhận sở hữu trí tuệ do Sở Khoa học và Công nghệ thành phố cấp, được xã viên mang đi tham dự, trưng bày tại một số hội chợ hàng Việt.
Để khẳng định thương hiệu cũng như tăng tính cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của các địa phương khác, anh Nguyễn Ngọc Hải, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú khẳng định, sắp tới xã sẽ tổ chức hội nghị khách hàng tại nhà gươl của thôn Phú Túc, có mời đại diện các khu, điểm du lịch về dự, THTX Rượu cần của xã sẽ giới thiệu kỹ hơn về thương hiệu rượu cần Phú Túc.
Qua đó, sẽ sớm liên kết với các khu, điểm du lịch trưng bày và bán sản phẩm đặc trưng của địa phương để sản phẩm sớm đến được tay người tiêu dùng. Hy vọng Tết này, với rượu cần Phú Túc, người dân Đà Nẵng sẽ có thêm một món quà địa phương nhiều ý nghĩa.
Bài và ảnh: CAO MINH - HỒNG ANH