Kinh tế

Đi chợ cuối năm

07:27, 14/02/2015 (GMT+7)

ĐNĐT - Những ngày này, không khí mua bán tại các chợ trên địa bàn thành phố hết sức sôi động và đông đúc. Hàng hóa tràn ngập, hoạt động kinh doanh bước vào cao điểm với nhịp độ hối hả, tất bật hơn.

Các chợ đã bắt đầu vào thời điểm nhộn nhịp.
Các chợ đã bắt đầu vào thời điểm nhộn nhịp.

Tấp nập chợ Tết

Từ mồng 10 tháng Chạp trở đi, thôn, xóm, làng, tổ, nhà nhà rầm rộ làm tất niên. Để có những mâm cúng theo đúng nghi thức, mọi người đã phải lo sắm sửa vật lễ như heo quay nguyên con, đầu heo, gà cúng, nhang, đèn, áo giấy, đồ ông táo, thần linh thổ địa… Cũng vì thế, chợ Tết trở nên đông đúc từ đầu tháng Chạp. Các quầy dịch vụ cũng trưng bảng nhận nấu xôi chè, kết hoa, giỏ trái cây cúng hay làm dưa món, bánh chưng… Nhiều quầy làm gà, vịt cúng cũng đông đúc khách hàng.

Trước nhu cầu tiêu dùng tăng cao, tiểu thương sạp hàng cố định có lô, quầy trong chợ Hàn lẫn những người bán hàng rong dường như quên cả giờ cơm trưa để chào mời khách mua hàng. Hàng hóa, đặc biệt là thực phẩm Tết bày biện bắt mắt khiến ai đi ngang qua không thể không nhìn.

Tôm nõn, bò khô, mực xé sợi, các loại bánh kẹo, hạt dưa, hạt dẻ đựng trong những túi ni lông trông thật ngon mắt. Trong số rất nhiều khách hàng đến chợ, có không ít các chị em là công chức, viên chức tranh thủ giờ nghỉ trưa để đi mua sắm Tết, tạo nên không khí khẩn trương, đông đúc hơn. 

Ở chợ Cồn có đầy đủ chủng loại hàng hóa đặc trưng Tết bày biện khá đẹp mắt. Ở khu vực bán quần áo thời trang, lượng người đến mua sắm đông nghịt. Các chợ ngoại thành, khu công nghiệp… có đông sinh viên, công nhân tranh thủ đi mua sắm để chuẩn bị về quê ăn Tết.

Đối phó với tình trạng “loạn giá”

Vì chợ đông đúc hơn ngày thường nên Ban quản lý các chợ phải tăng cường lực lượng kiểm tra, nhắc nhở tiểu thương sắp xếp đồ đạc gọn gàng, phòng chống cháy nổ, kinh doanh bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Người đi chợ được khuyến cáo cảnh giác với các hành vi trộm cắp, móc túi, mua hàng đúng giá…

Ở chợ, tuy có niêm yết giá, nhưng tiểu thương bán giá bao nhiêu tùy thuộc vào từng quầy. Chẳng hạn như tại chợ Hàn, cùng một loại hạt dẻ, nhưng quầy thì có giá 240.000 đồng/kg, quầy khác giá 260.000 đồng/kg, bò khô miếng có nơi 400.000đồng/kg nhưng quầy khác lại 450.000 đồng/kg. Những mặt hàng bánh mứt, hạt điều, tôm khô cũng vậy.

Theo những người đi chợ quanh năm có nhiều kinh nghiệm thì tốt nhất phải dành thời gian để tham khảo một vài quầy so sánh và trả một vài giá cho hợp lý.

Hiện giá thịt heo mông tại một số chợ chưa tăng, chỉ ở mức 90.000-100.000 đồng/kg, thịt bò loại 1 giá 240.000 đồng/kg, loại 2 giá 220.000 đồng/kg, chả heo 160.000 đồng/kg, chả bò 240.000 đồng/kg, giò lụa đặt cửa hàng 230.000 đồng/kg, cá thu 160.000-220.000đồng/kg (tùy loại), bánh chưng 50.000 đồng/cái. Đây là giá tham khảo và có thể biến động trong những ngày tới.

Loạn giá hàng hóa và dịch vụ trong dịp Tết là tình trạng rất phổ biến, vì vậy nếu khách hàng không đồng ý với thái độ của tiểu thương hoặc mua phải hàng không bảo đảm chất lượng có thể liên hệ với bảo vệ, ban quản lý các chợ hoặc Chi cục Quản lý thị trường thành phố để bảo vệ quyền lợi của mình.

Ông Mai Phước Ba, Phó Giám đốc Công ty Quản lý hội chợ triển lãm và các chợ cho biết: Dịp Tết này, 4 chợ lớn gồm chợ Cồn, Hàn, Đống Đa và Đầu mối Hòa Cường sẽ đóng cửa trễ hơn so với ngày thường để tạo điều kiện cho bà con mua bán. Tuy nhiên, để bảo đảm tình hình an ninh trật tự, vệ sinh môi trường trong những ngày có lượng rác nhiều như Tết, lực lượng bảo vệ sẽ được tăng cường để giám sát. Các chợ sẽ mở cả Tết.

Bài và ảnh: Duyên Anh

.