Kinh tế
Hàng hóa dồi dào, giá ổn định
Sau kỳ nghỉ Tết dài ngày, sáng mồng 5 Tết, nhiều người dân bắt đầu đi chợ mua sắm trở lại. Trái với sự lo lắng của nhiều người, giá cả chợ đầu năm khá ổn định, hàng hóa dồi dào.
Sau Tết hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định. |
Rau xanh và đồ cúng đắt hàng
Ghi nhận tại một số chợ trên địa bàn thành phố như chợ Hàn, chợ Cồn, chợ Đống Đa… mặt hàng được bày bán nhiều nhất là rau xanh và trái cây. So với thời điểm trước Tết, giá rau xanh tương đối ổn định, một vài loại giảm nhẹ từ 2.000-3.000 đồng/kg do nguồn cung dồi dào.
“Sau Tết, chỉ có rau Đà Lạt do tính thêm chi phí vận chuyển nên giữ nguyên giá như trước Tết, còn lại các loại rau quê lấy từ Quảng Nam hay Hòa Vang đều giảm vài ngàn đồng”, chị Thùy Anh, tiểu thương bán rau tại chợ Cồn cho hay. Cụ thể, súp lơ Đà Lạt có giá 25.000 đồng/kg, cà rốt 20.000 đồng/kg, khoai tây 18.000 đồng/kg, mồng tơi 5.000 đồng/bó, rau cải xanh 6.000 đồng/bó… Riêng khổ qua vẫn giữ nguyên giá như những ngày cận Tết, giá 25.000 đồng/kg.
Từ ngày mồng 3 đến mồng 5 Tết, mặt hàng được người dân chọn mua nhiều nhất vẫn là trái cây và các loại đồ cúng. Ngay trong ngày mồng 3 Tết, nhiều gia đình làm cơm cúng đưa ông bà nên nhu cầu mua trái cây và đồ cúng tăng cao. Tuy nhiên, so với trước Tết, giá trái cây tương đối ổn định, các ngày sau Tết chỉ chênh lệch từ 10.000-15.000 đồng/kg tùy loại.
Cụ thể, mãng cầu có giá 90.000 đồng/kg, thanh long 50.000 đồng/kg, quýt 50.000-60.000 đồng/kg tùy loại, bưởi da xanh 80.000 đồng/kg… Trầu cau đắt hàng nhất trong các ngày sau Tết và cao gấp 3-5 lần so với ngày thường do nhu cầu tăng cao trong khi nguồn cung không đủ.
Cụ thể, một trái cau có giá từ 20.000-25.000 đồng (ngày thường khoảng 3.000-5.000 đồng/trái). Riêng các loại hoa cúng lại giảm mạnh, nguồn hàng khá dồi dào nên người dân thỏa sức lựa chọn. Nếu thời điểm trước Tết, một bó lay ơn có giá từ 80.000-100.000 đồng thì ngày mồng 3 Tết có giá 30.000-40.000 đồng/bó, đến ngày Mồng 5 Tết giá chỉ còn 15.000-20.000 đồng/bó. Cúc, vạn thọ có giá 5.000 đồng/cây, giảm 2.000-3.000 đồng/cây so với thời điểm trước Tết.
Thịt heo ổn định
So với những ngày cận Tết, hầu hết giá cả các loại thịt tươi sống đều ổn định, từ ngày mồng 3 đến mồng 5 Tết, giá nhích nhẹ từ 5.000-10.000 đồng/kg tùy loại. Cụ thể, ngày mồng 5 Tết, thịt heo mông có giá 100.000 đồng/kg, thịt vai 90.000 đồng/kg, thịt ba chỉ 100.000 đồng/kg, cốt lếch 100.000 đồng/kg, sườn non 120.000 đồng/kg, giò 80.000 đồng/kg...
Thịt bò và chả được người dân chọn mua nhiều nhất nên giá vẫn cao như trong dịp cận Tết. Cụ thể, thịt bò loại một giá 350.000 đồng/kg, thịt bò búp giá 250.000 đồng/kg, chả bò loại 1 có giá 280.000-300.000 đồng/kg, chả lụa 150.000-180.000 đồng/kg.
“Do chợ vẫn chưa đông nên các quầy thịt ở đây chỉ bán vài chục ký mở hàng lấy hên đầu năm, vì vậy giá các loại thịt vẫn còn khá cao. Phải khoảng 1 tuần nữa, khi đó nguồn cung dồi dào, giá thịt mới có cơ may giảm”, chị Phương Đông, tiểu thương bán thịt ở chợ Hàn chia sẻ.
Theo Ban Quản lý các chợ cho biết, chợ đã nhóm họp trở lại ngay từ ngày Mùng 2 Tết với nhiều mặt hàng phong phú. Nhiều mặt hàng không những không tăng giá mà còn giảm mạnh, không gây ra tình trạng “sốt” giá như lo lắng của người dân những năm trước. Hiện công suất tại các chợ đạt 50-70%, bán nhiều nhất vẫn là thực phẩm và rau xanh.
“Năm nay, sức mua thịt những ngày sau Tết vẫn yếu hơn so với mọi năm do kỳ nghỉ Tết dài ngày, nhiều gia đình đi du lịch hoặc về quê vẫn chưa trở về nhà. Dì cũng chỉ bán vài chục ký cho xong buổi chợ sáng để mở hàng đầu năm”, dì Gái Ánh, tiểu thương bán thịt tại chợ Cồn nói.
Đến thời điểm này, các siêu thị như Co.opmart Đà Nẵng, Big C… cũng đã mở cửa trở lại phục vụ người dân và khách du lịch. Để bảo đảm nguồn cung, ngay trong dịp Tết, các siêu thị đã lên kế hoạch dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân sau Tết. Trong đó, các nhóm mặt hàng rau củ quả, thực phẩm tươi sống... được người dân chọn mua nhiều nhất. Ghi nhận thực tế cho thấy, thời điểm này giá cả các loại hàng hóa tại siêu thị ổn định, lượng người đi mua sắm vẫn chưa đông.
Bài và ảnh: HOÀNG HÂN