Kinh tế
Lương tối thiểu vùng phải tăng từ 18-19% mỗi năm
Để lương tối thiểu đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động vào năm 2017, Chính phủ chủ trương kiên trì lộ trình tăng lương tối thiểu vùng.
Theo đó, từ năm 2015 lương tối thiểu vùng đã được điều chỉnh tăng thêm 15%, mức tăng từ 300.000 - 400.000 đồng tùy theo từng vùng.
Để đảm bảo được lộ trình đến năm 2017 lương tối thiểu có thể đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động, những năm tới, mỗi năm phải tăng khoảng 18% - 19%, nếu chậm sang năm 2018 thì mỗi năm tăng khoảng 15%.
Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho biết, chính sách lương vẫn đi theo 3 nhịp. Thứ nhất là thực hiện Bộ Luật lao động, điều chỉnh lương tối thiểu lên. Tiền lương của người lao động được tăng lên một phần, nhờ đó mà có thể ổn định được tình hình.
Thứ 2 là tiếp tục lương thị trường, tức là tăng cường đối thoại thương lượng. Tại các doanh nghiệp bây giờ thực hiện tốt hơn đối thoại thương lượng và trong đối thoại thương lượng có nội dung rất quan trọng đó là vấn đề tiền lương.
Thứ 3 là tiếp tục thực hiện chính sách lương của khu vực Nhà nước gắn với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và tái cơ cấu doanh nghiệp, trong đó tập trung việc gắn lương với hiệu quả năng suất lao động.
Năm 2014, tiền lương bình quân của người lao động trong khu vực doanh nghiệp đạt 5,11 triệu đồng/người/tháng, thu nhập bình quân đạt 5,4 triệu đồng/người/tháng; tăng khoảng 6% so với năm 2013 (các năm trước tăng khoảng 13% - 15%).
Với mức tăng lương như vừa qua, tiền lương của người lao động trong doanh nghiệp Nhà nước vẫn đứng đầu, bình quân khoảng 7 triệu đồng/người/tháng. Còn mức lương ở khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khoảng 4,8 triệu đồng/người/tháng; ở khối doanh nghiệp dân doanh khoảng 4,3 triệu đồng/người/tháng.
Tuy nhiên, với mức lương của năm qua, nếu loại trừ yếu tố trượt giá là 4,08% thì tiền lương, thu nhập thực tế của người lao động cải thiện không đáng kể.
VOV