Chỉ còn vài ngày nữa đến Tết Nguyên đán, khi nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân tăng cao và lượng khách du lịch đổ về Đà Nẵng khá nhiều, việc quản lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ đang là vấn đề cần đặt ra.
Vi phạm 3 lần
Thời gian qua, đội kiểm tra liên ngành các cấp của thành phố về phòng chống mại dâm và hoạt động văn hóa đã tiến hành hơn 800 lượt kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ, phát hiện 78 cơ sở vi phạm hành chính và xử phạt gần 500 triệu đồng. Trong các cơ sở trên, có những cơ sở vi phạm 3 lần/năm, từ 2-7 lỗi.
Chẳng hạn, khách sạn T.P.H (ở quận Thanh Khê), khi đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra đột xuất khách sạn này thì phát hiện có 6 nhân viên đang phục vụ khách ở 6 phòng có chốt cửa bên trong. Chủ cơ sở lúng túng khi không xuất trình được giấy tờ liên quan; không có hồ sơ, hợp đồng lao động; có nhân viên ở lại nhưng không đăng ký tạm trú…
Điều đáng nói, trong hai lần kiểm tra trước, lực lượng chức năng cũng đã xử phạt cơ sở này 43 triệu đồng với các lỗi như: nhân viên không mặc trang phục, phù hiệu đúng quy định, hệ thống cửa ra vào phòng xoa bóp không đúng quy định… Tại đây, lực lượng chức năng còn bắt quả tang nữ nhân viên massage đang bán dâm.
Có những cơ sở massage như B.B (đường Dương Đình Nghệ, quận Sơn Trà) sử dụng lao động dưới 18 tuổi làm nhân viên massage và sau đó bị thanh tra Sở LĐ-TB&XH phạt 20 triệu đồng. Hay cơ sở N.W (ở quận Sơn Trà) có hơn chục nhân viên đều không có hợp đồng lao động.
“Nhiều cơ sở bị phạt nhưng vẫn không chấp hành nộp phạt, thậm chí tỏ thái độ không hợp tác hoặc “nhờ” người quen làm sức ép với đoàn kiểm tra”, một thành viên trong đội kiểm tra liên ngành của thành phố cho biết. Đội kiểm tra liên ngành tiến hành hậu kiểm nhiều lần, yêu cầu nộp phạt luôn cả lần trước nhưng một số cơ sở vẫn không chấp hành.
Nhìn không ra lỗi (!?)
Theo ông Lê Minh Hùng, đội trưởng đội kiểm tra liên ngành của thành phố, “nghịch lý” là tại một số cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, bộ phận chức năng của địa phương dù đã kiểm tra khá “kỹ” nhưng vẫn không nhìn ra lỗi vi phạm. Đến khi đoàn kiểm tra liên ngành thành phố kiểm tra đột xuất thì phát hiện nhiều lỗi, kể cả lỗi trên hồ sơ giấy tờ, lỗi về cơ sở vật chất, trang thiết bị, lỗi về hành vi của nhân viên.
Ông Hùng nêu dẫn chứng: cơ sở massage tại khách sạn D. “đón” không ít lượt kiểm tra nhưng chỉ đến khi đoàn kiểm tra liên ngành về phòng chống mại dâm và hoạt động văn hóa của thành phố đến thì nhiều lỗi vi phạm mới bị phát hiện như: hệ thống cửa phòng xoa bóp có gắn chốt tổng, không có chuông cấp cứu, công tắc đèn chiếu sáng đặt bên trong phòng xoa bóp, hồ sơ nhân sự hết hạn hợp đồng và hạn khám sức khỏe…
Theo thông tin từ đội kiểm tra liên ngành về phòng chống mại dâm và hoạt động văn hóa của thành phố, số lượng cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm được kiểm tra chỉ chiếm khoảng 43% số cơ sở. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc phối hợp giữa lực lượng kiểm tra các cấp chưa đồng bộ, thống nhất nên có cơ sở chưa được kiểm tra, có nơi lại “được” kiểm tra quá nhiều lần. “Năm qua chúng tôi đã tiếp đến… 10 đoàn kiểm tra, trong đó có 8 đoàn kiểm tra chuyên ngành.
Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của cơ sở”, chủ một cơ sở massage thuộc địa bàn quận Liên Chiểu cho biết. Có trường hợp đoàn kiểm tra trước vừa có kết luận cơ sở không vi phạm thì đoàn kiểm tra sau tiếp tục kiểm tra và kết luận giống đoàn trước.
Thời điểm trước, trong và sau Tết là thời điểm cần sự phối hợp kiểm tra xử lý chặt chẽ của các lực lượng chức năng để Đà Nẵng trở thành thành phố du lịch bình yên, hấp dẫn trong mắt người dân và du khách.
KIM NGÂN