.

Việt Nam sẽ rà soát vụ HSBC giúp khách giấu tiền

.

Cơ quan chức năng Việt Nam sẽ tra soát 26 tài khoản nằm trong danh sách hơn 100.000 người được HSBC che giấu, nghi có liên quan đến trốn thuế.

HSBC bị cáo buộc giúp khách hàng rửa tiền và trốn thuế. Ảnh: Reuters.
HSBC bị cáo buộc giúp khách hàng rửa tiền và trốn thuế. Ảnh: Reuters.

Trước vụ việc HSBC đã sử dụng hệ thống ngân hàng bí mật của Thụy Sĩ để che giấu danh tính 106.000 tài khoản khách hàng tại 203 quốc gia, và trong nhiều trường hợp là giúp người gửi tiền trốn thuế, trong đó có 26 tài khoản liên quan đến Việt Nam, Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ tiến hành tra soát vụ việc này.

Một lãnh đạo của Cục Phòng chống rửa tiền, Ngân hàng Nhà nước cũng cho hay, cơ quan này đã yêu cầu HSBC Việt Nam báo cáo vụ việc trên để xác minh các tài khoản liên quan đến Việt Nam. Và để có các hướng xử lý tiếp theo, ông cho biết, cơ quan điều tra sẽ phải kiểm chứng xem các tài khoản khách hàng cá nhân liên quan đến Việt Nam của HSBC có bất hợp pháp hay không.

26 khách hàng liên quan đến Việt Nam với tổng tài sản 37,5 triệu USD được đề cập trong danh sách này, trong đó 12% tài khoản có chủ nhân quốc tịch Việt Nam (có hộ chiếu Việt Nam) và người có tài sản lớn nhất hơn 12 triệu USD (tương đương 252 tỷ đồng).

Pháp lệnh ngoại hối mới được sửa đổi, bổ sung năm 2013 mới dừng ở việc cho phép các nhà băng được đứng ra cung cấp dịch vụ chuyển tiền để đầu tư, thanh toán khoản xuất nhập khẩu, cho vay, trả nợ vay nước ngoài, thu hồi nợ hay các khoản chuyển tiền một chiều để chữa bệnh, đi học, trợ cấp...

Việc cá nhân người Việt cư trú ở Việt Nam gửi tiền vào tài khoản ở nước ngoài chưa được quy định trong pháp lệnh vì vậy các ngân hàng trong nước cũng không được thực hiện dịch vụ chuyển tiền hộ các tổ chức, cá nhân để gửi tiền vào tài khoản ở nước ngoài. Việc này được một đại diện Ngân hàng Nhà nước lý giải rằng, nhằm ngăn chặn một dòng ngoại tệ lớn chạy ra khỏi Việt Nam trong bối cảnh dự trữ ngoại tệ còn mỏng.

"Việt Nam vẫn là quốc gia quản lý ngoại hối, cho phép làm thì mới được làm. Nhà nước có thể phạt ngân hàng nếu vẫn chuyển tiền cho khách", vị này cho hay.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia trong ngành ngân hàng vẫn có cách để cá nhân Việt Nam có tài khoản ở ngân hàng quốc tế, chẳng hạn như du học sinh, người đang công tác ở ngoài có thể gửi tiền tại nước đó. Bởi vậy, với trường hợp của HSBC, phải xác định rõ có phải nhà băng này đứng ra chuyển tiền cho khách hàng để gửi tiền ở nước ngoài hay không thì mới có thể đưa ra hướng xử lý được.

HSBC Việt Nam hôm qua cũng phát đi thông cáo chính thức cho biết, sự việc trên liên quan đến việc đánh cắp dữ liệu xảy ra tại Ngân hàng cá nhân Cao Cấp của HSBC Thụy Sĩ vài năm trước đây và không ảnh hưởng tới những người không phải là khách hàng của ngân hàng.

"Khách hàng của HSBC có thể yên tâm rằng ngân hàng đã và đang thực hiện những biện pháp cần thiết để những tình huống tương tự không diễn ra lần nữa", đại diện HSBC nhấn mạnh.

Các ngân hàng cá nhân cao cấp tại Thụy Sĩ thường được các cá nhân giàu có sử dụng để quản lý khối tài sản của họ theo một cách thức bí mật. Mặc dù có nhiều lý do chính đáng để có một tài khoản ngân hàng tại Thụy Sĩ, trong một vài trường hợp, các cá nhân đã lợi dụng điều khoản bí mật của ngân hàng để giữ những tài sản không được công bố. Điều này dẫn đến việc các ngân hàng cá nhân cao cấp có nhiều khách hàng không hoàn thành những nghĩa vụ về thuế.

Nhưng theo thông tin từ HSBC, Ngân hàng cá nhân cao cấp của nhà băng này tại Thụy Sĩ đang tiến hành nhiều thay đổi triệt để trong những năm gần đây bao gồm việc áp dụng hàng loạt chương trình được thiết kế để ngăn chặn không để các dịch vụ ngân hàng của HSBC bị lợi dụng cho việc trốn thuế hoặc rửa tiền.

Bắt đầu từ 2012, ngân hàng xây dựng một chương trình minh bạch về thuế, trong đó quy định sẽ đóng tài khoản và từ chối khách hàng nếu ngân hàng có lý do tin rằng khách hàng hay khách hàng tiềm năng không tuân thủ đầy đủ nghĩa vụ về thuế. Đồng thời, các điều khoản và điều kiện sửa đổi cho phép HSBC được quyền từ chối giao dịch rút tiền mặt và kiểm soát chặt chẽ đối với giao dịch rút tiền nhiều hơn 10.000 USD.

Số tài khoản tại Thụy Sĩ của HSBC cũng giảm mạnh từ hơn 30.400 năm 2007 xuống còn hơn 10.300 vào cuối năm 2014. Tổng tài sản của Ngân hàng cá nhân cao cấp cũng giảm từ 118 tỷ USD xuống còn dưới 68 tỷ USD.

Nhà băng này cũng cho biết luôn sẵn sàng phối hợp với các cơ quan có liên quan trong hoạt động điều tra những vụ việc này và thừa nhận có trách nhiệm đối với việc thiếu kiểm soát trong quá khứ.

VnExpress

;
.
.
.
.
.