Kinh tế

Bất cập thu phí bảo vệ môi trường

07:30, 06/03/2015 (GMT+7)

Trong khi các địa phương như quận Liên Chiểu, huyện Hòa Vang phải “gánh chịu” hậu quả từ việc doanh nghiệp khai thác tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn gây ô nhiễm môi trường, thì nguồn thu phí môi trường lại phải “san sẻ” với nhiều địa phương khác.

Nhiều đơn vị đang tham gia khai thác các mỏ đất, đá, khoáng sản trên địa bàn huyện Hòa Vang.
Nhiều đơn vị đang tham gia khai thác các mỏ đất, đá, khoáng sản trên địa bàn huyện Hòa Vang.

Địa phương cảm thấy thiệt thòi

Trên địa bàn huyện Hòa Vang hiện có 31 mỏ đất, đá, khoáng sản đang được cấp phép hoạt động, trong đó chỉ có 14 mỏ do các doanh nghiệp trên địa bàn huyện khai thác và đem lại nguồn thu cho huyện. Theo Chi cục Thuế huyện Hòa Vang, trong năm 2014, có 24 doanh nghiệp thực hiện kê khai và nộp phí bảo vệ môi trường với tổng số tiền là 10,221 tỷ đồng (chiếm khoảng 10% tổng thu ngân sách Nhà nước huyện năm 2014).

Hiện, toàn huyện cung cấp từ 70 - 80% tài nguyên, khoáng sản cho toàn thành phố. Nhiều năm qua, nguồn thu từ phí bảo vệ môi trường đã đóng góp một phần không nhỏ đối với ngân sách của huyện Hòa Vang. Tuy nhiên, bên cạnh việc tạo nguồn thu thì hoạt động khai thác cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống nơi đây.  

Ông Đặng Thương, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang bày tỏ rằng, từ thực tế cho thấy sự vô lý trong việc phân cấp nguồn thu này: “Trong khi các doanh nghiệp khác đến khai thác ầm ầm ở địa phương chúng tôi, gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường tự nhiên cũng như môi trường sống của người dân nhưng lại đóng phí cho các địa phương khác (nơi họ kê khai nộp thuế). Chúng tôi đã không thu được đồng nào lại nhiều lần phải bỏ kinh phí ra để giải quyết hậu quả. Tôi lấy ví dụ vụ vàng Khe Đương (ở xã Hòa Bắc), mặc dù huyện không thu phí bảo vệ môi trường ở mỏ này nhưng ngay sau khi xảy ra vụ việc, chúng tôi phải tự bỏ chi phí để truy quét người khai thác vàng trái phép”.

Tương tự, trên địa bàn quận Liên Chiểu, mặc dù có nhiều đơn vị đang khai thác đất, đá, gây ô nhiễm môi trường nhưng quận lại không thu được phí này.

Theo Thông tư 158 ngày 16-11-2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 74 ngày 25-8-2011 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, tại khoản 1, Điều 2 ghi rõ: “Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải nộp hồ sơ khai phí bảo vệ môi trường với cơ quan Thuế quản lý trực tiếp cùng nơi kê khai nộp thuế tài nguyên”.

“Quy định là vậy, nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa được trích phí và không được quản lý thu phí môi trường. Nếu cứ tiếp tục thế này thì “thiệt thòi” cho địa phương quá”, ông Nguyễn Phụng, Chi cục phó Chi cục Thuế huyện Hòa Vang nói.

Nên giao địa phương quản lý

Theo ông Đặng Thương, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, địa phương đã nhiều lần kiến nghị thành phố cũng như các ngành liên quan nên giao cho huyện trực tiếp quản lý và thu phí bảo vệ môi trường. Điều này không chỉ giúp địa phương có thêm nguồn thu mà còn khai thác hiệu quả hơn nguồn thu này. Trước đó, vào giữa cuối năm 2014, UBND quận Liên Chiểu cũng đã kiến nghị HĐND thành phố đề nghị xem xét phân bổ, trích lại phí bảo vệ môi trường cho quận.

“Thực ra, việc thu thêm phí môi trường cũng là con dao hai lưỡi. Bởi lẽ, nếu thu đạt kết quả tốt, địa phương sẽ có thêm nguồn ngân sách để điều tiết tốt hơn việc thu - chi. Nhưng nếu làm không tốt sẽ gây thất thu cho cả địa phương lẫn thành phố. Tuy nhiên, chúng tôi bảo đảm mình đủ khả năng để quản lý tốt nguồn thu này”, ông Thương khẳng định.

Về vướng mắc trong việc phân cấp thu phí bảo vệ môi trường, tại Hội nghị tổng kết công tác thuế năm 2014, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương thống nhất với đề xuất là nên giao cho địa phương nơi diễn ra hoạt động khai thác trực tiếp quản lý và thu nguồn phí này. Chủ trương là vậy nhưng bao giờ triển khai trong thực tế và triển khai như thế nào mới là vấn đề quan trọng.

Bài và ảnh: KHÁNH HÒA

.