.

Phạt doanh nghiệp chậm trả lương

.

Theo Nghị định 05 của Chính phủ, từ ngày 1-3, doanh nghiệp chậm trả lương cho người lao động quá 15 ngày sẽ phải trả thêm tiền lãi và bị xử phạt. Tuy nhiên, thực hiện điều này không phải là điều dễ dàng.

Lao động ngóng chờ lương tại một công ty trên địa bàn quận Hải Châu.
Lao động ngóng chờ lương tại một công ty trên địa bàn quận Hải Châu.

Kẻ mừng, người lo

Mấy ngày nay, các khu nhà trọ cho công nhân gần Khu công nghiệp (KCN) Hòa Khánh xôn xao hẳn lên. Thông tin doanh nghiệp chậm trả lương cho người lao động sẽ bị xử phạt khiến nhiều công nhân phấn khởi và ủng hộ. “Mình làm công nhân may 4 năm rồi. Chuyện công ty khó khăn, nợ lương của anh em công nhân đã xảy ra không ít lần. Có quy định mới chắc tình trạng này sẽ ít tái diễn”, chị Lê Thị Phượng (35 tuổi, quê tỉnh Quảng Nam) thổ lộ.

Đồng quan điểm với chị Phượng, chị Nguyễn Mai Lan (33 tuổi, ở huyện Hòa Vang) nói: “Công nhân tụi mình chủ yếu sống bằng thu nhập ít ỏi chứ đâu có thời gian mà làm thêm việc gì khác. Tất tật từ tiền nhà, điện nước, ăn uống, sữa cho con… đều trông vào tiền lương hằng tháng thì làm gì có tiền dự trữ. Tháng nào chưa nhận lương là như ngồi trên đống lửa”. Tuy nhiên, chị Lan lo lắng quy định đã có nhưng các cơ quan chức năng liệu có xử phạt kiên quyết để bảo đảm quyền lợi cho người lao động hay không.

Trước quy định này, không ít doanh nghiệp tỏ ra lo lắng. Giám đốc một doanh nghiệp nhỏ chuyên làm hàng xuất khẩu trên địa bàn quận Hải Châu chia sẻ: “Là chủ doanh nghiệp, chúng tôi đều mong muốn trả lương đầy đủ, đúng hạn cho người lao động, để người lao động yên tâm làm việc và gắn bó lâu dài với đơn vị. Tuy nhiên, nhiều lúc vì sản xuất kinh doanh gặp khó, hàng không xuất đi được nên chậm trả lương cho người lao động”. Theo vị giám đốc này, cần có sự linh động hơn chứ cứ chậm lương rồi phạt trong khi đơn vị thực sự khó khăn thì càng khiến doanh nghiệp khó hơn và người lao động cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.

Đại diện một số doanh nghiệp khác cho rằng, đối với doanh nghiệp nhỏ, việc chậm tiền lương bị phạt nặng (mức cao nhất lên đến 50 triệu đồng) có thể dẫn đến việc doanh nghiệp sa thải bớt lao động để giảm áp lực lên quỹ lương hoặc có những biện pháp đối phó khác.

Xử phạt thế nào?

Nợ lương, chậm trả lương là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến một số vụ ngừng việc tập thể hoặc khiến công nhân bất bình trong thời gian qua. Gần đây nhất, vụ Công ty TNHH Sản xuất lưới xuất khẩu S. (trụ sở tại KCN Hòa Cầm, quận Cẩm Lệ) nợ lương người lao động cũng làm nhiều công nhân bức xúc. Hay như trước đó, Công ty CP tư vấn công trình xây dựng Đ.S, chi nhánh Đà Nẵng cũng nợ lương của hàng chục lao động khiến người lao động gặp khó khăn…

Tuy nhiên, vẫn chưa có doanh nghiệp nào bị xử phạt vì nợ lương. Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Hồng Vân, Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng cho biết, trong các đợt thanh kiểm tra liên ngành, thường chủ yếu chỉ phạt doanh nghiệp do chậm nộp BHXH. “Chậm lương dễ dẫn đến ngừng việc tập thể. Tuy nhiên, lâu nay, chúng tôi hầu hết tổ chức đối thoại và yêu cầu doanh nghiệp cam kết khắc phục chứ ít xử lý hành chính”, bà Vân nói.

Bà Vân cho biết thêm, thanh tra hiện nay hầu hết là chung về tất cả vấn đề lao động, việc làm nên không có con số báo cáo cụ thể về doanh nghiệp vi phạm và bị xử lý vì chậm trả lương. Tuy nhiên, thời gian đến, đơn vị sẽ đẩy mạnh hoạt động kiểm tra để bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

Công ty Foster Đà Nẵng chuyên sản xuất linh kiện và tai nghe điện thoại có 100% vốn của Nhật Bản là một trong những đơn vị có số lượng lao động khá đông, với 2 cơ sở và trên 10.000 người. Ông Lê Duy Lương, Giám đốc nhân sự công ty cho biết, công ty luôn trả lương đúng hẹn vào ngày 5 hằng tháng. “Nếu ngày 5 đúng vào chủ nhật thì chúng tôi linh động trả trước cho người lao động 1 ngày”, ông Lương nói. Cũng theo ông Lương, việc xử phạt để doanh nghiệp trả lương đúng hạn là cần thiết để bảo đảm hài hòa lợi ích hai bên.

Nghị định 05/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ 1-3-2015 quy định: Người sử dụng lao động trả lương chậm từ 15 ngày trở lên phải trả thêm một khoản tiền ít nhất bằng số tiền trả chậm nhân với lãi suất trần huy động tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm trả lương. Trường hợp đặc biệt do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác mà người sử dụng đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng thời hạn thỏa thuận trong hợp đồng lao động thì không được trả chậm quá 1 tháng.

Trước đó, Chính phủ cũng ban hành Nghị định 95/2013/NĐ-CP “xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”, có hiệu lực từ ngày 10-10-2013. Theo đó, doanh nghiệp, cơ quan chậm trả lương cho người lao động có thể bị phạt từ 5-50 triệu đồng.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.