Kinh tế
Phố chuyên doanh thời trang Lê Duẩn giai đoạn 2: Người dân đồng thuận
Sáng 24-3, UBND quận Thanh Khê tổ chức cuộc họp với các cơ sở kinh doanh, hộ gia đình để thông báo chủ trương về hình thành Phố chuyên doanh thời trang (CDTT) Lê Duẩn giai đoạn 2 (đoạn từ ngã tư Ông Ích Khiêm đến ngã ba Cai Lang).
Nhiều hộ kinh doanh trên đường Lê Duẩn đã gấp rút thay đổi bảng hiệu, bảng quảng cáo để triển khai tuyến phố chuyên doanh giai đoạn 2. |
Qua buổi trao đổi, tất cả các hộ kinh doanh và cơ sở buôn bán trên tuyến phố này đều nhất loạt đồng thuận theo chủ trương của thành phố.
Chính quyền và nhân dân cùng làm
Theo báo cáo của Phòng Kinh tế quận Thanh Khê, hiện trên đoạn đường này có tổng số 255 hộ gia đình, trong đó có 86 hộ kinh doanh thời trang các loại (chiếm 33,7%). So với giai đoạn 1, việc hình thành và phát triển tuyến Phố CDTT Lê Duẩn giai đoạn 2 gặp khó khăn hơn. Một mặt, số hộ kinh doanh các ngành nghề khác trên tuyến đường này chiếm tỷ lệ lớn (66,3%); mặt khác, nhiều hộ buôn bán vỉa hè có đời sống khó khăn, kinh tế eo hẹp, phải phụ thuộc vào “buôn thúng bán bưng” để đắp đổi qua ngày.
Theo UBND quận Thanh Khê, hiện chủ trương của thành phố là khuyến khích các hộ kinh doanh nhỏ lẻ và buôn bán vỉa hè chuyển đổi ngành nghề chứ không bắt buộc phải di dời hoặc chuyển qua kinh doanh mặt hàng thời trang. Khảo sát dọc tuyến đường trên, hiện còn rất nhiều hộ kinh doanh sắt thép, sửa chữa xe máy, may da mui nệm, quán ăn… đã hoạt động lâu năm nên việc chuyển đổi ngành nghề với họ là rất khó khăn. “Chúng tôi làm ăn buôn bán nhỏ quen rồi, giờ chuyển đổi ngành nghề cho phù hợp với phố chuyên doanh thời trang thì lấy đâu ra vốn mà kinh doanh, còn chuyển đi nơi khác thì lại không được”, chị Kim Nga, chủ tiệm bánh mì - tạp hóa số 332 đường Lê Duẩn cho hay.
Ông Nguyễn Thanh Xuân, Phó Chủ tịch thường trực UBND quận Thanh Khê nhấn mạnh, việc chuyển đổi ngành nghề, quận sẽ giao cho UBND các phường Tân Chính, Chính Gián và Thạc Gián tiến hành khảo sát, phân vùng nhằm tạo thuận lợi tối đa và sắp xếp cho người dân buôn bán để không ảnh hưởng đến mỹ quan cũng như cấu trúc đồng bộ của toàn tuyến phố chuyên doanh.
Còn theo đại diện các sở, ban, ngành tại cuộc họp, việc xây dựng phố CDTT sẽ hướng tới phương án “Chính quyền và nhân dân cùng làm”. Trong đó, UBND thành phố đầu tư các hạng mục như chỉnh trang vỉa hè, ngầm hóa hệ thống lưới điện, trồng mới cây xanh…
Các hộ kinh doanh tự bỏ kinh phí trang trí bảng hiệu, quảng cáo… bằng chất liệu aluminium. Từ nay đến ngày 27-3, quận Thanh Khê sẽ tuyên truyền và tổ chức vận động các cơ sở kinh doanh, hộ gia đình thực hiện tháo gỡ bạt quay, mái che trước nhà tại tuyến đường Lê Duẩn thuộc địa bàn quận quản lý; đồng thời sẽ hướng dẫn các hộ thay đổi bảng hiệu cho phù hợp với tiêu chí chung của toàn tuyến phố.
Sẽ giải quyết khó khăn của người dân
Theo khảo sát của Phòng Kinh tế quận Thanh Khê, rất nhiều hộ kinh doanh thời trang trên tuyến đường Lê Duẩn nói trên là thuê mặt bằng. Hầu hết các hộ kinh doanh này cho rằng, khi phố chuyên doanh thời trang giai đoạn 2 đi vào hoạt động thì công việc kinh doanh của họ sẽ gặp khó khăn hơn vì phải cạnh tranh với các thương hiệu thời trang lớn trong khi giá mặt bằng lại bị đẩy lên cao.
“Tôi có 2 cửa hàng kinh doanh thời trang trên đoạn đường Lê Duẩn này; trong đó có một cửa hàng ở phố chuyên doanh Lê Duẩn giai đoạn 1. Sau khi tuyến phố giai đoạn 1 đi vào hoạt động thì chủ nhà tăng tiền thuê mặt bằng nên công việc kinh doanh của tôi rất khó khăn”, anh Đinh Tiến Dũng, chủ cửa hàng thời trang trên đường Lê Duẩn lo lắng. Theo phản ánh của một số tiểu thương tại cuộc họp, vì không trả nổi tiền mặt bằng tăng cao nên vài hộ đã chuyển đi nơi khác.
Bên cạnh đó, lo lắng của các hộ dân và tiểu thương trên tuyến đường này là khi thi công các hạng mục hạ tầng, nếu đào bới nhiều lần sẽ ảnh hưởng đến việc đi lại và đời sống sinh hoạt hằng ngày của người dân. “Các đơn vị nên thi công theo hình thức cuốn chiếu, làm đến đâu gọn luôn đến đó, chứ đừng để tình trạng đào lên rồi để đó sẽ ảnh hưởng đến giao thông cũng như việc đi lại của người dân”, đại diện một hộ dân phát biểu. Ông Phan Trọng Tài, Phó Ban quản lý giao thông nông thôn thành phố cam kết, việc thi công phải hạn chế tối đa đào bới nhiều lần, giám sát chặt chẽ về chất lượng để không ảnh hưởng đến hoạt động buôn bán và đời sống dân sinh; đồng thời sẽ rút kinh nghiệm ở giai đoạn 1 nhằm hạn chế sai sót trong giai đoạn 2.
Kết luận tại cuộc họp, ông Nguyễn Thanh Xuân nhấn mạnh sẽ tiếp tục ghi nhận ý kiến đóng góp của người dân để trình UBND thành phố, đồng thời quận cũng sẽ phối hợp với đơn vị thi công đẩy nhanh các hạng mục, giám sát việc treo bảng hiệu của các hộ kinh doanh để đưa tuyến phố này đi vào hoạt động từ đầu tháng 9-2015.
Bài và ảnh: HOÀNG HÂN