Liên Chiểu là quận có nhiều dự án quy hoạch của thành phố. Khi những công trình được đẩy mạnh, người nông dân bị mất đất sản xuất đã tạo ra những hình thức sản xuất hiệu quả trên “đất mới”.
Vườn ớt và hoa của ông Nguyễn A. |
Chuyện về những người nông dân mất đất sản xuất do giải tỏa mặt bằng tìm hướng sản xuất mới hiệu quả hơn để cải thiện đời sống đã được biết đến nhiều như tận dụng đất tái định cư, đất dự án treo để trồng hoa, trồng rau sạch bán ra thị trường… Với khu vực có nhiều dự án quy hoạch của thành phố như: Khu tái định cư Hòa Hiệp, khu nhà ở cho công nhân có thu nhập thấp, công viên cây xanh, dự án mở rộng KCN Hòa Khánh… những người nông dân ở quận Liên Chiểu bị mất đất sản xuất cũng không nằm ngoài hướng đi đó.
Bên cạnh việc trồng rau, trồng hoa như trước, những năm gần đây, một số hộ mạnh dạn đầu tư trồng ớt hay nuôi bò, đem lại giá trị kinh tế cao. Gia đình ông Nguyễn A (KDC Hòa Hiệp) là một ví dụ. Sau khi được cấp đất mới ở khu tái định cư tại KDC Hòa Hiệp, ông thấy ở đây người dân chưa định cư, đất bỏ trống nên tìm cách cải tạo đất trồng hoa màu theo mùa quanh năm.
Rồi ông thử nghiệm trồng cây ớt. Ông A kể: “Năm đầu tiên, nhà tôi thử nghiệm với 20 cây, chỉ sống được 12 cây, ấy vậy mà lời những 3 triệu đồng. Trồng ớt không tốn vốn nhiều, ăn ớt rồi lấy hạt ươm cây trồng, chăm sóc là có trái bán. Giống ớt này cây to, dày trái lắm”. Đến năm thứ hai (năm 2014), vợ chồng ông mạnh dạn trồng ớt trên diện rộng hơn, tận dụng 3 lô đất tái định cư (khoảng 300m2). Mỗi ngày, ông thu hoạch từ 10 đến 20kg ớt, mỗi kg từ 120.000 - 200.000 đồng, tùy chất lượng ớt và nhu cầu thị trường.
Về chăn nuôi, lâu nay, những hộ nông dân ở khu vực Xuân Thiều (phường Hòa Hiệp Nam) chỉ chăn nuôi nhỏ như gà vịt, chủ yếu là để tự cung tự cấp vì không có mặt bằng cũng như vốn để mở rộng chăn nuôi. Nay, với những dự án đã thu hồi đất, nhiều hộ đã di dời, mặt bằng được mở rộng nhưng chưa xây dựng, bà con mạnh dạn đầu tư chăn nuôi bò.
Được biết, ở tổ 6, Xuân Thiều, Hòa Hiệp Nam, Liên Chiểu chỉ còn hơn chục hộ dân nhưng đã có 6 hộ chăn nuôi bò, mỗi hộ từ 5 đến 21 con. Mỗi năm bò đẻ thêm lứa, cứ thế đàn bò không ngừng nhân lên, bò bán được giá, từ 10 - 20 triệu đồng/con. Ông Huỳnh Công Tới (53 tuổi, tổ 2, Xuân Thiều) cho hay: “Lúc đầu tôi bỏ ra 160 triệu đồng mua 4 cặp bò mẹ nuôi đến giờ đã được 2 năm, con nhỏ bán được 8 triệu, con lớn được 16 triệu đồng. Vậy là sắp thu hồi vốn, số bò hiện tại được 13 con, coi như đã có của ăn của để”. Ông Nghĩa, có đàn bò đông nhất (21 con) cho hay: “Người ở địa phương đi gần hết rồi, ruộng cũng bàn giao nhưng không hiểu sao dự án vẫn ngưng. May nhờ có ít tiền đền bù ruộng nên có vốn đầu tư nuôi bò để lo cho con cái. Mình nuôi bò bán cho lái buôn. Nói chung, cuộc sống cũng ổn định”.
Chăn nuôi bò có giá trị kinh tế cao và lâu dài. Mặc dù vậy, ông Ngô Tấn Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân phường Hòa Hiệp Nam (Liên Chiểu) cho hay: “Theo Chỉ thị 12 của UBND thành phố, ở đây là khu vực cấm chăn nuôi gia súc, gia cầm nên việc người dân nuôi bò tuy hiệu quả nhưng không được khuyến khích. Bà con muốn chăn nuôi phải bảo đảm chăn thả không để gia súc tràn lên đường lộ, ảnh hưởng giao thông và mỹ quan.
Bài và ảnh: THÙY LINH