Kinh tế

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Bài 2: Không điểm dừng trong thực hiện

07:41, 29/05/2015 (GMT+7)

Với ngôi vị quán quân PCI năm 2014, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cho rằng: Đà Nẵng còn thấy nhiều thiếu sót, nhiều điểm yếu và cũng có thách thức mới. Nhưng cộng đồng DN vẫn dành cho thành phố những đánh giá khả quan. Đây là sự khích lệ để thành phố phấn đấu hơn nữa.

Nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính là trụ cột làm nên thành tích của Đà Nẵng trong thực hiện bộ Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính là trụ cột làm nên thành tích của Đà Nẵng trong thực hiện bộ Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Tổng Thư ký VCCI Phạm Thị Thu Hằng đánh giá cao những nỗ lực của chính quyền thành phố ở những năm qua trong việc cải thiện môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, bà Hằng đúc kết “PCI là cuộc đua không có điểm dừng” đối với các tỉnh, thành phố. Đối với Đà Nẵng, thách thức, áp lực càng ngày thêm lớn.

Nhìn lại các kết quả tổng chỉ số thành phần PCI qua các năm Đà Nẵng dẫn đầu cả nước số điểm ở giai đoạn sau tức năm 2013 và 2014 thấp hơn giai đoạn trước. Năm 2008, PCI Đà Nẵng đạt 72,18 điểm, năm 2009 đạt 75,96 điểm, năm 2010 dù dẫn đầu PCI cả nước nhưng điểm trung bình giảm xuống 69,77 rồi khi quay trở lại ở năm 2013 có 66,43 điểm, năm 2014 có 66,87 điểm. Các chỉ số thành phần mà Đà Nẵng xếp vị trí cao, xếp loại “Rất tốt” qua các năm đứng đầu PCI là các chỉ số “Chi phí gia nhập thị trường”, “Tính minh bạch” và “Đào tạo lao động”.

Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Đà Nẵng phân tích: “Đà Nẵng dẫn đầu PCI cả nước do Đà Nẵng được đánh giá tốt hơn các địa phương khác chứ Đà Nẵng chưa thể khẳng định có môi trường kinh doanh tốt xét về chất lượng điều hành.

Do vậy, duy trì ổn định vị thế dẫn đầu là một thách thức đối với thành phố Đà Nẵng”. Minh chứng khi năm 2011, PCI Đà Nẵng bị giảm điểm và rớt hạng xuống vị trí thứ 5 và đặc biệt là “cú rớt hạng” ở năm 2012 từ vị trí thứ 5 xuống vị trí thứ 12. Một lãnh đạo thành phố cho rằng, vị trí thứ 12 về PCI của năm này là có sự châm chước của DN, của nhóm khảo sát. Bởi các chỉ số thành phần có ưu thế từ trước của Đà Nẵng cũng bị giảm điểm, rớt hạng.

Thời điểm này, Đà Nẵng có 6/8 chỉ số thành phần của PCI bị giảm điểm sâu; theo đó chỉ số “Thiết chế pháp lý” giảm 34 bậc, “Tính năng động và tiên phong của chính quyền cấp tỉnh” giảm 16 bậc, “Tiếp cận đất đai” giảm 10 bậc, “Chi phí gia nhập thị trường” giảm 7 bậc, “tính minh bạch thông tin” giảm 6 bậc.

Theo tài liệu phân tích của nhóm nghiên cứu gồm TS Nguyễn Văn Hùng và ThS Trần Như Quỳnh (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế- xã hội Đà Nẵng), năm 2012 chỉ số “Thiết chế pháp lý” chỉ đạt 3,05 điểm xếp vị trí thứ 50; chỉ số thành phần về “Tính năng động, tiên phong của chính quyền” có 5,71 điểm ở hạng 20.

Ông Nguyễn Cường, Giám đốc Chi nhánh VCCI tại Đà Nẵng nêu nguyên nhân ở thời điểm này đối với chỉ số thành phần “Thiết chế pháp lý” của Đà Nẵng giảm điểm sâu (đến 34 bậc) là do vai trò của các các cơ quan chính quyền lúc đó quá mờ nhạt trong việc hỗ trợ pháp lý, giải quyết các tranh chấp và tư vấn pháp luật cho DN, chưa tạo ra được hành lang pháp lý tốt nhất cho DN hoạt động.

Nhiều DN phản ánh rằng khi xảy ra vụ việc gì liên quan đến pháp luật thì gần như họ phải đơn thương độc mã xoay xở. Đối với tiêu chí “Tính năng động tiên phong của chính quyền”, theo ông Nguyễn Cường, cần đánh giá một cách công bằng rằng Đà Nẵng luôn được cộng đồng DN đánh giá là địa phương có hệ thống chính trị, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo năng động.

Tuy nhiên, chặng đường phía trước vẫn đặt ra trọng trách cho người đứng đầu thành phố và các sở, ban, ngành là phải làm tốt hơn hay chí ít ngang bằng mức công tác của người tiền nhiệm. Lo ngại nhất là thái độ tròn vai mà không có sự tiếp tục bứt phá mới. Đứng yên có nghĩa là tụt hậu, là thụt lùi.

Để trở lại “cuộc đua” PCI, Đà Nẵng đã tổ chức hội thảo tìm giải pháp thực hiện về “Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh”. Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Đà Nẵng, việc hằng năm thành phố tổ chức hội thảo về “Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh” ở địa phương thực sự bổ ích.

Hoạt động này sẽ cập nhật các nguyên nhân tăng, giảm điểm số cũng như thứ hạng chung và các chỉ số thành phần PCI để phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu trong điều hành kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố.

Năm 2013, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Đà Nẵng đã tiến hành khảo sát độc lập đối với 392 DN dân doanh và 117 DN có vốn đầu tư nước ngoài theo phương pháp nghiên cứu của PCI. Kết quả từ cuộc khảo sát này đã trở thành nguồn thông tin quan trọng để chính quyền thành phố kịp thời nhận diện rõ các khó khăn của DN, các rào cản kinh doanh, các tồn tại trong quá trình cung cấp hành chính công, từ đó tìm ra giải pháp phù hợp cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh.

Viện Nghiên cứu phát triền kinh tế-xã hội Đà Nẵng cũng đề xuất lồng ghép các công cụ đánh giá năng lực quản lý điều hành của bộ máy chính quyền mà nòng cốt là nhiệm vụ trong CCHC. Cơ sở để triển khai là từ năm 2012, với Quy định về công tác theo dõi, đánh giá, xếp hạng kết quả CCHC. Bộ chỉ số theo dõi, đánh giá CCHC thực sự là giải pháp đồng bộ và hiệu quả hỗ trợ cho kết quả đánh giá CPI ở Đà Nẵng.

Từ đây, lãnh đạo Đà Nẵng hiểu rằng mình cần có sự thay đổi và đổi mới trong quản lý điều hành. Một loạt các chính sách thực thi mới đi vào cuộc sống và đã được cam kết thực hiện. Sở Nội vụ thành phố liên tiếp xây dựng các chương trình hành động, công cụ đánh giá chất lượng công chức, cũng như rút ngắn các thủ tục hành chính đến mức “gọn nhất có thể” đã mang lại những dấu hiệu khả quan.

Các sở, ngành, đơn vị liên quan cắt giảm các thủ tục không cần thiết, đồng thời giảm tối đa thời gian đăng ký kinh doanh trực tuyến, nâng cao nhận thức, gắn trách nhiệm đối với lãnh đạo trong việc hỗ trợ DN. Riêng đối với Cục Thuế và các văn phòng hành chính một cửa, thành phố đẩy mạnh CCHC để tạo điều kiện tốt nhất cho DN và người dân, giảm thời gian cấp giấy phép, công khai minh bạch thật sự, đặc biệt là trong quy hoạch sử dụng đất, giao cấp đất cho DN.

Những điều chỉnh kịp thời này đã góp phần đưa Đà Nẵng trở lại vị trí dẫn đầu cả nước về PCI trong năm 2013 và bảo vệ thành công ngôi vị quán quân ở năm 2014.

Những cải cách, đổi mới liên tục của chính quyền Đà Nẵng đã tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để DN, nhà đầu tư hoạt động và phát triển và được cộng đồng DN đánh giá cao trong suốt 10 năm qua. Việc đạt và giữ thứ hạng cao về PCI của Đà Nẵng được tạo dựng trên trụ cột đổi mới và cải cách thủ tục hành chính. Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương chia sẻ, Đà Nẵng đã đạt được khá nhiều thành tựu; trong đó CCHC của địa phương có sự tiến bộ vượt bậc, tạo điều kiện cả về thời gian, thủ tục.

Năm 2013, Đà Nẵng quay lại dẫn đầu PCI, lúc này Bí thư Thành ủy Trần Thọ nói: “Giành lại vị trí dẫn đầu đã khó, giữ được vị trí và phát huy còn khó hơn. Nhân dân và cộng đồng DN thành phố đang đòi hỏi, yêu cầu chúng ta nhiều, cao hơn để xứng đáng là quán quân. Danh phải đi đôi với thực, danh phải bằng hoặc lớn hơn thực thì mới là danh thực”.

Năm 2014, tiếp tục giữ được vị trí quán quân PCI, Bí thư Thành ủy Trần Thọ động viên: “Chúng ta vui mừng phấn khởi nhưng tuyệt đối không được tự mãn, tuyệt đối không được bằng lòng mà phải khiêm tốn và làm tốt hơn nữa”. GS, TS Edmund Malasky (Đại học Duke, Hoa Kỳ) với tư cách là Trưởng nhóm nghiên cứu đánh giá PCI tại Việt Nam năm 2014 cũng nói: “Cái khó của nhà vô địch chính là vượt lên chính mình và tiếp tục tạo ra đột phá nếu không chắc chắn sẽ bị bỏ lại”.

Lăng kính PCI trong 10 năm qua đã phản ánh rõ nét về môi trường đầu tư và năng lực quản lý kinh tế địa phương. Trong đó có nhiều mảng sáng được tỏa sáng nhưng cũng có thời điểm “lơ là”, “chủ quan”. Bài học lớn mang tính trụ cột, nòng cốt vẫn là đi đầu trong CCHC, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cộng đồng DN, cho các nhà đầu tư đang hoạt động kinh doanh tại thành phố, góp phần xây dựng và duy trì thương hiệu Đà Nẵng một thành phố hiện đại, năng động và sáng tạo.

(Còn nữa)

“4 bài học kinh nghiệm từ kết quả triển khai PCI: Thứ nhất, do có nhận thức đúng, tâm huyết cao và chọn giải pháp phù hợp của chính quyền thành phố khi tập trung điều hành phát triển kinh tế qua hiệu quả SXKD của DN và nhà đầu tư; hai là Đà Nẵng biết “tự ái Cách mạng” kịp thời sau 2 năm tụt hạng (2011 và 2012) nên nâng cao được trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu các sở, ngành, địa phương. Thứ ba, nhiều DN hưởng ứng tham gia đóng góp ý kiến tâm huyết, chia sẻ và cộng đồng trách nhiệm. Thứ tư, vai trò của truyền thông báo chí tác động lớn và kịp thời vừa cổ vũ vừa chỉ ra những điểm yếu để thành phố Đà Nẵng nhận ra và hành động kịp thời” (Phát biểu của Bí thư Thành ủy Trần Thọ tại Hội nghị sơ kết quý I triển khai Năm Doanh nghiệp Đà Nẵng 2014).

Bài và ảnh: Triệu Tùng

.