Kinh tế

Thách thức khi gia nhập thị trường ASEAN

07:53, 27/05/2015 (GMT+7)

Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) dự định được thành lập vào cuối năm 2015. Chỉ còn hơn nửa năm nữa, AEC được hình thành, nhưng hầu hết các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn thành phố vẫn chưa có động thái gì.

Để hội nhập sâu rộng vào thị trường AEC, doanh nghiệp cần có chiến lược kinh doanh bài bản và hướng đi đúng ngay từ bây giờ.
Để hội nhập sâu rộng vào thị trường AEC, doanh nghiệp cần có chiến lược kinh doanh bài bản và hướng đi đúng ngay từ bây giờ.

Thị trường lớn đầy thách thức

Khi AEC hình thành, thị trường sẽ phát triển từ 90 triệu dân lên thành 600 triệu dân. Đây là một thị trường rộng lớn với thuế suất trong ASEAN ở mức 0%; từ đó sẽ tạo nên sức ép cạnh tranh ngày càng lớn cho DN trong nước nói chung và DN Đà Nẵng nói riêng.

Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Đà Nẵng cho hay, các DNNVV không chỉ nhỏ về quy mô vốn, lạc hậu về công nghệ mà năng suất lao động cũng thấp hơn các nước trong khu vực; do vậy, nhiều DN sẽ phải đối mặt với những trở ngại, thách thức lớn về cạnh tranh hàng hóa, dịch vụ, thu hút đầu tư, các biện pháp phòng vệ thương mại và yêu cầu về chất lượng hàng hóa.

Theo ông Lý, trong khi hàng hóa Việt Nam đang khó cạnh tranh với hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc, Singapore, Thái Lan… thì với thị trường hơn 600 triệu dân được tự do hóa, không chỉ hàng xuất khẩu mà ngay tại thị trường trong nước, hàng Việt Nam cũng gặp trở ngại. “Hiện hàng hóa của Việt Nam chiếm 97% tổng lượng hàng hóa giao dịch trên thị trường. Khi AEC hình thành, với sự xuất hiện của các DN bán buôn bán lẻ nước ngoài, nếu không có chiến lược ngay từ bây giờ, hàng Việt Nam sẽ có nguy cơ bị thua trên sân nhà”, ông Lý nói.

Lãnh đạo Hiệp hội DNNVV thành phố cũng cho hay, hiện nay tinh thần liên kết trong doanh nhân vẫn còn hạn chế nên không đủ sức nhận các hợp đồng “khủng” từ các tập đoàn kinh tế lớn do thị trường AEC mang lại. “Khi có khách nước ngoài đặt hàng số lượng lớn, các DN của chúng ta không phối hợp liên kết nhau cùng làm cùng hưởng lợi mà thường tranh thủ gặp riêng, để bị từ chối hoặc nhận một mình dẫn đến không kịp tiến độ, vỡ hợp đồng”, ông Hà Giang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường chia sẻ.

 Theo ông Hà Giang, khi DN được khách hàng tín nhiệm, đáng lẽ nên tiếp tục nâng cao chất lượng để làm ăn lâu dài, thì vì muốn có lợi nhanh trước mắt nên DN thường tìm cách giảm vật tư dẫn đến chất lượng hàng hóa ngày càng kém đi, mất uy tín. Đối với những mặt hàng yêu cầu rất cao về chất lượng, phải đầu tư nhiều, DN thường bỏ qua, tìm mặt hàng khác dễ làm hơn.

Doanh nghiệp vẫn thờ ơ

Có thể nói, cho đến nay, DN trên địa bàn thành phố đã cơ bản nắm được các trở ngại cũng như thách thức khi gia nhập AEC; nhưng số DN nắm rõ các thông tin này vẫn còn hạn chế. Hầu như các DN chỉ mới quan tâm đến việc hình thành thị trường và tự do thương mại hàng hóa, còn 3 trụ cột còn lại trong việc thực hiện kế hoạch ASEAN là hướng đến khu vực kinh tế cạnh tranh, phát triển đồng đều và hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu thì chưa được nhiều DN quan tâm.

Lãnh đạo Sở Công thương Đà Nẵng cho hay, hiện có trên 60% DN trên địa bàn thành phố còn thờ ơ, ít thông tin về AEC, nhiều DNNVV không quan tâm tới các quyền lợi cũng như thách thức từ AEC. “Vì thông tin còn hạn chế nên các DN không mấy quan tâm về AEC. Bên cạnh đó, DN còn phải đối mặt, “vật lộn” với trở ngại từ những cơ chế chính sách, thuế, hải quan, thủ tục hành chính còn quá nhiêu khê, môi trường đầu tư, kinh doanh chưa được cải tiến nhiều nên không ít DN vẫn để mặc, tới đâu hay đó. Trong khi đó, về phía Nhà nước ta, đến nay chỉ dừng ở mức cung cấp thông tin về thời gian gia nhập AEC, chứ chưa hỗ trợ gì thiết thực cho cộng đồng DN”, ông Nguyễn Văn Lý cho biết.

Không chỉ thờ ơ trong việc tiếp cận thông tin mà việc vạch ra chiến lược kinh doanh để cạnh tranh với DN nước ngoài khi AEC hình thành cũng không có nhiều DN quan tâm. “Có chăng chỉ những DN “khỏe” mới vạch ra chiến lược kinh doanh bài bản để tiếp cận với các đối tác mới. Còn các DNNVV lại kinh doanh theo kiểu lối mòn, trước mắt chứ chưa quan tâm đến lợi ích lâu dài nên họ cứ nghĩ các đối tác làm ăn quen thuộc sẽ không bao giờ bị mất mối. Thế nhưng thực tế, khi AEC thành lập, môi trường kinh doanh cạnh tranh khốc liệt theo hướng có lợi thì cùng hợp tác chứ không dựa trên quan hệ như lâu nay DN vẫn làm”, bà Huỳnh Kim Chi, Phó phòng Kinh tế quận Cẩm Lệ phân tích.  

Chính vì vậy, bên cạnh việc DN cần nhận thức và hành động kịp thời, thì cũng cần có sự hỗ trợ tích cực từ phía Nhà nước. “Thành phố cần có các biện pháp quyết liệt hơn nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư... Nếu để chậm trễ thì việc “thua ngay trên sân nhà” là điều chắc chắn xảy ra, các DNNVV sẽ trở thành người làm thuê cho các DN nước ngoài khi hội nhập và Việt Nam sẽ là thị trường tiêu thụ hàng hóa của các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới”, ông Nguyễn Văn Lý nhấn mạnh.

Bài và ảnh: HOÀNG HÂN

.