Hiện nay, ngoài những thị trường lao động quen thuộc như: Đài Loan, Nhật Bản, Malaysia..., người lao động Việt Nam và Đà Nẵng nói riêng có thể tìm được việc làm hấp dẫn với mức lương cao tại thị trường Đức.
Lao động Đà Nẵng tìm hiểu cơ hội việc làm tại Đức. (Ảnh chụp tại Ngày hội tuyển sinh học nghề và kết nối việc làm diễn ra ở Đà Nẵng) |
Cơ hội mới
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) bắt đầu xúc tiến những thỏa thuận hợp tác giúp Việt Nam có thể xuất khẩu lao động đến các nước: Đức, Thái Lan, Nhật Bản. Về thị trường Đức, Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, với chương trình thí điểm “Đào tạo điều dưỡng viên đến từ Việt Nam” trong năm 2015, Việt Nam đã chọn 125 ứng viên phù hợp để đưa sang Đức đào tạo. Trong 2 năm học chuyên môn tại Đức, học viên điều dưỡng viên người Việt sẽ được bố trí chỗ ở miễn phí và được hưởng mức học bổng 1.800-2.000 euro/tháng (50-55 triệu đồng).
Theo Bộ LĐ-TB&XH, từ năm 2015, việc hợp tác sẽ được thực hiện lâu dài trong khuôn khổ hợp tác đào tạo kinh tế tư nhân Đức - Việt. Hiện nay, nước Đức đang cần nguồn nhân lực rất lớn.
Ông Michael Petzsche, Giám đốc dự án thuộc Hiệp hội Khuyến khích đào tạo nghề xây dựng bang Sachsen (BFW Bau Sachsen) - CHLB Đức cho biết: “Nước chúng tôi đang cần nguồn nhân lực trẻ, có tay nghề. Người lao động Việt Nam cần cù, sáng tạo, nếu được trang bị tay nghề vững thì lao động trẻ Việt Nam có thể tham gia ngay thị trường Đức”.
Vừa qua, ông Petzsche cùng gần chục doanh nghiệp Đức đã đến Đà Nẵng tham gia “Ngày hội tuyển sinh học nghề và kết nối việc làm” với chủ đề “Hợp tác Việt - Đức trong lĩnh vực đào tạo nghề - tầm nhìn và triển vọng”. Tại đây, cơ hội việc làm hấp dẫn dành cho công dân Việt Nam tuổi từ 20-35, có bằng trung cấp trở lên ở các ngành: xây dựng, điều dưỡng, du lịch, cơ điện tử được mở ra. Nếu vượt qua vòng sơ tuyển, ứng viên sẽ tham gia chương trình học tiếng Đức từ 6-8 tháng với học phí 25 triệu đồng/khóa.
Sau đó, học viên được miễn phí toàn bộ chi phí học tập, nâng cao tay nghề tại Đức và ở lại làm việc với mức lương từ 40-60 triệu đồng/tháng trong ít nhất 3 năm. “Mình rất mong muốn được làm việc tại Đức để rèn luyện trong môi trường mới với thu nhập hấp dẫn. Tuy nhiên, việc phải vượt qua rào cản về ngôn ngữ cũng là điều mình lo ngại và phải cố gắng nhiều hơn”, Ngô Đăng Chính (23 tuổi, quê ở Quảng Bình), sinh viên năm 2, khoa Điện công nghiệp, Trường CĐ nghề Nguyễn Văn Trỗi thổ lộ.
Chuẩn bị hành trang
Theo nhiều chuyên gia trong ngành lao động, muốn có nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động, song song với các cơ chế chính sách sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, cần tăng cường đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo nghề.
“Việc bắt tay giữa BFW Bau Sachsen và các cơ sở nghề tại Đà Nẵng được xem là tín hiệu tích cực trong việc đào tạo lao động có tay nghề. Tuy nhiên, cần có lộ trình cụ thể để bảo đảm chất lượng và đáp ứng nhu cầu”, ông Trần Công Nguyên, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng cho biết.
Còn theo bà Nguyễn Thị Hồng Nhạn, Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Nguyễn Văn Trỗi, việc mở cửa thị trường lao động tạo ra sự dịch chuyển lao động giữa các nước đòi hỏi các quốc gia phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của mình.
“Người lao động muốn hội nhập thị trường ở Đức cũng như nhiều nước khác cần có năng lực cạnh tranh cao, trên cơ sở nâng cao vốn nhân lực, năng lực nghề nghiệp; đồng thời phải thường xuyên cập nhật kiến thức, kỹ năng nghề, có năng lực sáng tạo, thích ứng linh hoạt với sự thay đổi của công nghệ và đòi hỏi người lao động phải học tập suốt đời”, bà Nhạn cho biết.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm (thang điểm 10), xếp thứ 11/12 nước ở châu Á tham gia xếp hạng. Nước ta còn thiếu nhiều chuyên gia trình độ cao, thiếu công nhân lành nghề; chỉ số kinh tế tri thức (KEI) thấp (đạt 3,02 điểm, xếp thứ 102/133 quốc gia được phân loại). Vì vậy, Việt Nam nói chung và Đà Nẵng cần đẩy nhanh việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề và có năng lực để có thể làm việc trong môi trường đa văn hóa.
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ