Kinh tế
Hạn chế vận tải hành khách theo tuyến cố định
Hạn chế dần loại hình vận tải hành khách theo tuyến cố định, chỉ ưu tiên các tuyến cự ly đường dài; các tuyến đường ngắn sẽ đẩy mạnh mô hình xã hội hóa vận tải công cộng thông qua dịch vụ xe buýt.
Bến xe phía Nam thành phố Đà Nẵng ra đời từ chủ trương xã hội hóa công tác xây dựng bến xe đã khánh thành, đưa vào sử dụng 2 năm nay, nhưng vẫn đang “đắp chiếu”. |
Đó là kết luận của Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Lê Đình Thọ tại Hội nghị góp ý dự thảo “Quy hoạch tuyến vận tải hành khách cố định bằng ô-tô” với sự tham dự của lãnh đạo Sở GTVT và doanh nghiệp khu vực miền Trung-Tây Nguyên, diễn ra ở Đà Nẵng ngày 3-6.
Báo cáo của Bộ GTVT tại hội nghị cho biết, hiện nay trên cả nước có 6.378 tuyến cố định vận tải hành khách được khai thác ở 63 tỉnh, thành phố; nếu tính cả chiều đi và chiều về thì có 3.497 tuyến cố định. Cự ly trung bình của mỗi tuyến là 245km, trong số này chiếm đến 60% là các cự ly có chiều dài tuyến dưới 300km, tập trung chủ yếu ở các đầu mối giao thông lớn là ở các thành phố trực thuộc Trung ương và một số tỉnh như Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu. Về kết cấu hạ tầng, có hơn 500 bến xe. Điểm nổi bật hiện nay là nhờ tác động từ chủ trương xã hội hóa công tác xây dựng bến xe nên xuất hiện nhiều bến xe lớn, văn minh, hiện đại, đáp ứng được nhu cầu đi lại ngày càng cao của hành khách.
Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động lĩnh vực này tồn tại rất nhiều bất cập, nổi cộm là chưa có quy hoạch các tuyến vận tải hành khách cố định. Bên cạnh đó, tình trạng trùng tuyến dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông. Đặc biệt, việc trao đổi thông tin giữa các Sở GTVT địa phương chưa bảo đảm, gây khó khăn trong công tác quản lý cũng như phiền hà cho doanh nghiệp vận tải.
Trên thực tế cả nước có 563 bến xe đang hoạt động, tuy nhiên còn có 88 bến chưa được công bố. Điều này làm các cơ quan chức năng rất khó quản lý, nhất là công tác phân bổ tuyến cho các xe hoạt động gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, nhiều bến xe lớn rơi vào tình cảnh quá tải triền miên, còn một số bến xe nhỏ lại khai thác không hết công suất thiết kế gây lãng phí và khó khăn cho các nhà đầu tư.
Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, Bộ GTVT dự kiến sẽ quy hoạch 3.715 tuyến cố định, bảo đảm 100% tỉnh, thành, các trung tâm lớn thuộc các tỉnh, thành có tuyến xe cố định, tăng 6,2% so với hiện nay.
Gần 200 đại biểu đại diện các Sở GTVT và các doanh nghiệp vận tải hành khách tuyến cố định thuộc các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên tham gia hội nghị đều đánh giá cao chủ trương xã hội hóa công tác vận tải của Chính phủ. Tuy nhiên, hầu hết đại biểu băn khoăn với quy định việc mở tuyến mới có cần thiết là phải được sự thống nhất của ngành quản lý vận tải ở hai địa phương (của hai đầu bến) thì mới được mở.
Đại diện Sở GTVT Thừa Thiên-Huế cho rằng, trong công tác quy hoạch tuyến cố định phải làm sao tránh tình trạng trùng tuyến. Theo đại diện này, công tác quy hoạch phải tính toán đến tính liên vùng, chứ không chỉ trong một địa phương cụ thể nào.
Đại diện Sở GTVT tỉnh Nghệ An đề nghị công tác quy hoạch phải mang tính đón đầu, vì hiện nay với chủ trương xã hội hóa của Chính phủ, nhiều bến xe đang được xây dựng nâng cấp từ bến loại 5, 4 lên loại 1, 2, 3. Như vậy, trong thời gian đến sẽ có thêm nhiều bến xe lọt vào diện được quy hoạch bến đến và bến đi của các tuyến cố định. Nếu không tính đến yếu tố này sẽ làm “chùn tay” các nhà đầu tư.
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ khẳng định, về lâu dài, bộ này sẽ theo đuổi chủ trương hạn chế dần loại hình vận tải hành khách theo tuyến cố định, chỉ ưu tiên với các tuyến cự ly đường dài. Đối với các tuyến đường ngắn sẽ thúc đẩy mạnh mẽ mô hình xã hội hóa vận tải công cộng thông qua dịch vụ xe buýt để bảo đảm nhu cầu đi lại của người dân một cách an toàn, văn minh.
Bài và ảnh: Trần Luân Sơn